Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 26/04/2025 | 17:53

Nghiên cứu trao đổi

Học để hoàn thiện nhân cách, làm giàu trí tuệ

23/04/2025

Chưa bao giờ thế giới thay đổi nhanh như hôm nay. Công nghệ phát triển mỗi giờ, mỗi phút. Một kỹ năng có thể lạc hậu chỉ sau vài năm. Một công nghệ có thể thay đổi cả ngành nghề.

Trong dòng xoáy ấy, nếu không học, người lao động sẽ lạc nhịp, tụt hậu, thậm chí bị đào thải.

Sức mạnh từ tri thức và khát vọng đổi thay

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Học tập suốt đời trở thành quy luật sống… giúp mỗi cá nhân nhận biết, thích nghi, không tụt hậu trước sự biến đổi từng ngày của thế giới hiện tại”. Với người công nhân, điều này không phải là lý thuyết xa vời. Đó là thực tế sống còn. Nếu không học kỹ năng mới, không cập nhật công nghệ mới thì một sáng mai nào đó, chiếc máy thông minh có thể thay thế vị trí của họ một cách “lặng lẽ”.

Nhưng nếu học, nếu dám bước qua vùng an toàn, người lao động có thể làm chủ được máy móc, làm chủ dây chuyền, thậm chí là sáng tạo ra cách làm mới hiệu quả hơn. Đó chính là năng lực thích nghi, là sức mạnh từ tri thức, từ ý chí, từ khát vọng đổi thay.

Không chỉ dừng lại ở làm việc, học còn giúp người lao động hoàn thiện nhân cách, làm giàu trí tuệ, sống có mục đích và tự trọng hơn. Trong môi trường đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh chóng, mỗi người không chỉ cần tay nghề mà còn cần tư duy, cần kỹ năng sống, cần đạo đức nghề nghiệp.

Học tập suốt đời, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, là con đường giúp mỗi người “vượt qua khó khăn, thử thách để ngày càng tiến bộ và định vị bản thân trong xã hội hiện đại”. Với công nhân, học còn là cách để thoát nghèo bền vững, để con cái không phải đi lại con đường vất vả của cha mẹ, để có tiếng nói trong công việc và trong xã hội.

Người học là người chủ động. Người học là người không cam chịu số phận. Người học là người có thể thay đổi chính mình và từ đó thay đổi gia đình, cộng đồng, và rộng hơn là vận mệnh đất nước.


Công đoàn đồng hành, tiếp sức cho công nhân trên con đường học tập

Để công nhân có thể học tập suốt đời, cần có sự đồng hành bền bỉ và thực chất của tổ chức Công đoàn. Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động, mà còn cần trở thành người truyền cảm hứng học tập, là “cầu nối” giữa tri thức và công nhân, giữa cơ hội và nỗ lực.

Học tập suốt đời không thể chỉ là khẩu hiệu. Nó cần thành hành động cụ thể bằng các lớp đào tạo nghề, kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ, các chương trình nâng cao nhận thức pháp luật, lao động, bảo vệ môi trường, các cuộc thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật... Và đặc biệt, công đoàn cần xây dựng môi trường học tập trong từng phân xưởng, từng tổ đội lao động, khơi dậy ý chí tự học của mỗi người.

Khi công đoàn làm tốt vai trò “hỗ trợ học tập”, thì người công nhân không còn “đơn độc” trên hành trình vươn lên. Họ sẽ có nơi nương tựa tinh thần, có điểm tựa để bước tới phía trước dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn.

Động lực phát triển quốc gia bền vững

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Học tập suốt đời là chìa khoá quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Điều này càng đúng trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với lực lượng lao động chiếm hơn 60% dân số.

Nếu lực lượng công nhân hàng chục triệu người trên khắp mọi miền cùng học, cùng vươn lên thì đó sẽ là “cú hích” khổng lồ cho tăng trưởng. Đó sẽ là “nền móng tri thức” giúp đất nước phát triển bền vững, giúp Việt Nam sánh vai với các cường quốc như khát vọng của Bác Hồ.

Ngược lại, nếu để người lao động sống “lay lắt” với tri thức cũ, với kỹ năng lạc hậu, với tâm lý an phận thì không chỉ họ tụt hậu, mà cả đất nước cũng bị chậm lại. Vì vậy, đầu tư cho người lao động học tập không chỉ là trách nhiệm xã hội mà là chiến lược quốc gia.

Khắp mọi miền đất nước, có rất nhiều công nhân đang hàng ngày học tập trong thầm lặng. Có người tranh thủ giờ nghỉ trưa học tiếng Anh qua điện thoại. Có người học tin học ban đêm sau ca làm. Có người hơn 50 tuổi vẫn đến lớp đào tạo nghề, chỉ để không bị tụt hậu so với lớp trẻ.

Có công nhân đã tự học để trở thành kỹ thuật viên, quản lý sản xuất. Có người thậm chí học để trở thành giảng viên dạy nghề cho thế hệ sau. Tất cả đều có một điểm chung, họ hiểu rằng học là con đường duy nhất để đổi đời.

Những tấm gương ấy dù không có bằng cấp cao, nhưng chính là minh chứng hùng hồn nhất cho chân lý “học để tự cường”, là lời đáp lại xúc động nhất cho lời hiệu triệu học tập suốt đời của Đảng.

Tự học, học suốt đời với người lao động có thể chỉ bắt đầu bằng một cuốn sách cũ, một buổi học nghề sau giờ làm, một lần bấm nút tra cứu Google trên điện thoại cũ kỹ. Nhưng chính những nỗ lực nhỏ ấy, bền bỉ qua tháng năm sẽ tạo nên sự thay đổi lớn cho cá nhân, cho gia đình và cho cả dân tộc. Với người lao động, học không chỉ để “giữ việc”, mà là cách sống, là lòng yêu nước thầm lặng bằng sự kiên trì vượt khó, bằng khát vọng tiến bộ không ngơi nghỉ.

Đã đến lúc chúng ta, mỗi công nhân, mỗi cán bộ công đoàn, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cùng nhau tạo nên một phong trào học tập suốt đời thực chất, lan tỏa, mạnh mẽ. Bởi một xã hội học tập không thể thiếu bàn tay của người lao động. Và một Việt Nam hùng cường không thể thiếu những khối óc biết tự học để tự vươn lên.

https://laodongcongdoan.vn/hoc-de-hoan-thien-nhan-cach-lam-giau-tri-tue-110840.html

Tin cùng chuyên mục