Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động ngành Nông nghiệp và PTNT
12/09/2018
Xuất phát từ nhận thức và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn với nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho CNVCLĐ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là một nhiệm vụ cấp thiết và vô cùng quan trọng. Công đoàn Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành chương trình với các mục tiêu, nội dung và tiến độ thực hiện cụ thể, tổ chức hội nghị quán triệt triển khai nghị quyết, Chương trình hành động đến các đồng chí cán bộ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn trực thuộc và cán bộ Công đoàn chuyên trách. Hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật trong CNVCLĐ; Vận động đoàn viên và người lao động tự học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; 2 năm một lần, phối hợp với Bộ tổ chức Hội thi tay nghề cấp Bộ khối các trường nghề nhằm tuyển chọn học sinh, sinh viên có trình độ tay nghề cao tham tại các Hội thi cấp toàn Quốc, ASEAN và Thế giới, tạo nguồn lao động chất lượng cao cho Ngành Nông nghiệp; Hội giảng Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ khối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Giờ trình giảng của Cô giáo Đỗ Minh Thu - Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ, Giải Nhất nghề Vận hành và sửa chữa trạm bơm điện Hội thi Giáo viên dạy giỏi Bộ Nông nghiệp và PTNT khối các cơ sở giáo dục nghề
Thông qua công tác tuyên truyền, thường xuyên bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho công nhân, nông dân, cán bộ đoàn viên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp Công đoàn trong việc nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của CNVCLĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi lực lượng lao động cần phải có trình độ kiến thức, kỹ năng ngày càng cao, với tay nghề giỏi làm chủ máy móc, thiết bị để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không bị tụt hậu và bị loại ra khỏi các dây chuyền sản xuất. Đồng thời Công đoàn có trách nhiệm phối hợp với chuyên môn làm cho CNVCLĐ hiểu được việc học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là nhu cầu để có việc làm, thu nhập nâng cao chất lượng đời sống. Kết quả trong thời gian qua trình độ học vấn, tay nghề của CNVCLĐ toàn ngành đã đạt được những kết quả như:
Về công tác đào tạo Tiến sĩ, Cao học, Đại học, cao đẳng trong và ngoài nước đều tăng, tập trung nhiều ở khối các viện, các trường đại học, cao đẳng; trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề. Riêng khối Viện tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên đến nay chiếm tới trên 40%. Như Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, với tổng số cán bộ, viên chức, lao động là 2.847 người có 32 Giáo sư và Phó giáo sư; 225 Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ; 796 Thạc sỹ; 914 Đại học chiếm 69% trên tổng số CBVC, LĐ.
Về đào tạo ngoại ngữ, hầu hết số cán bộ chủ chốt ở các đơn vị trong ngành đa số được đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ B, C, như Công đoàn Cơ quan Bộ đã tổ chức hàng năm từ 2 đến 3 lớp học ngoại ngữ cho cán bộ CCVC khối cơ quan Bộ, tổ chức liên thông 2-3 khoá từ trình độ B lên C. Về tin học văn phòng gần như 100% các cơ sở đều tổ chức để CBCNVC học, và tự học về tin học để phục vụ cho việc nghiên cứu và làm việc.
Về nâng cao tay nghề, các cấp Công đoàn đã phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp tổ chức đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo tại các trung tâm cho CNLĐ. Đa số các đơn vị doanh nghiệp hàng năm đều tổ chức cho CNLĐ học lý thuyết và thi tay nghề để nâng bậc thợ. Tiêu biểu trong phong trào này có các đơn vị như TCT Cơ điện Xây dựng - CTCP, đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế cho 99 thợ hàn, trong đó có 4 giải Nhất, 8 giải Nhì và 12 giải Ba; hàng năm tổ chức thi nâng bậc cho 85 thợ hàn điện, 35 thợ hàn hơi, 26 thợ nguội, 35 thợ tiện bào và 2 công nhân lái cẩu, công trục. Nhiều đơn vị xây dựng chi tiết, cụ thể hóa quy chế đào tạo, xét chọn cho đi đào tạo, đào tạo lại, hàng năm lập kế hoạch và phân bổ kinh phí cho đào tạo như TCT Tư vấn Xây dựng thủy lợi có các bộ quy chế rất đầy đủ và chi tiết.
Đối với kinh phí cho đào tạo, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm ở các đơn vị cấp Tổng công ty, và cấp trên cơ sở đã phối hợp với chuyên môn bình quân mỗi năm tổ chức từ 02-03 lớp đào tạo với các hình thức khác nhau, chi phí cho công tác đào tạo từ 850 triệu – 1 tỷ đồng, chưa kể từ nguồn kinh phí hợp tác quốc tế, và thông qua các đề tài, dự án … Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn (2011-2015), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cấp 454.530 triệu đồng cho 19 trường Cao đẳng, Trung cấp để đào tạo việc làm và dạy nghề; 302.600 triệu đồng cho 38 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp để giáo dục và đào tạo.
Về công tác tập huấn nghiệp vụ cán bộ Công đoàn, hàng năm Công đoàn ngành đã tổ chức tập trung ở 2 miền, mỗi miền 2 lớp cho cán bộ Công đoàn chủ chốt và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công, Tài chính, Kiểm tra, Thi đua, Tuyên giáo, Chính sách pháp luật ở cơ sở, không kể các lớp theo chuyên đề riêng và hoạt động đối ngoại. Đối với cơ sở hàng năm cũng tổ chức từ 1-3 lớp cho các tổ trưởng Công đoàn trở lên về nghiệp vụ Công đoàn, không kể các lớp tập huấn về An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Tiêu biểu trong phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn cho người lao động có các đơn vị như: Công đoàn Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Lâm nghiệp, CĐ Tổng công ty Cơ điện Xây dựng -CTCP, CĐ Cơ quan Bộ Nông nghiệp và PTNT …
Hàng năm, đã có trên 30% số lao động được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới; đội ngũ cán bộ quản lý các cấp đều có trình độ đại học trở lên và có kiến thức chuyên sâu. Bên cạnh lực lượng lao động được đào tạo cơ bản, giữ vị trí then chốt trong các dây chuyền sản xuất, trong ngành còn có một bộ phận lực lượng lao động phổ thông, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, đơn vị nông, lâm trường, khu vực chế biến nông, lâm sản và khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ trong chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, chuyên gia giỏi về khoa học công nghệ, phục vụ cho hội nhập kinh tế. Phối hợp tổ chức Hội giảng Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ khối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lần thứ 1, năm 2017: Tham dự hội giảng, các thầy, cô đến từ 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình diễn 163 bài giảng với 16 tiểu ban, 13 nhóm ngành nghề gồm: Điện, điện lạnh, điện tử, hàn, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, cơ khí, xây dựng và mộc, chế biến vào bảo quản thực phẩm, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, lâm nghiệp và nhóm nghề thủy lợi, thủy sản, ban tổ chức đã trao 60 giải Nhất (đạt 36,81%), 65 giải Nhì (đạt 39,88%), 32 giải Ba (đạt 19,63%) và 6 giải khuyến khích. Công đoàn các cơ sở phối hợp cùng chuyên môn đồng cấp thực hiện tốt chính sách đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân; khuyến khích CNLĐ tự học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, để bổ sung kỹ năng tay nghề đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CNVCLĐ, đặc biệt là các quy định về học nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; quyền và trách nhiệm của đoàn viên và người lao động trong việc học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về vai trò và sự cần thiết phải học tập, coi việc học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ là việc làm thiết thực để quyết định sự nghiệp lâu dài của đoàn viên và người lao động.
3. Tích cực tham gia với Bộ, Nhà nước và các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tạo động lực để CNVCLĐ học tập.
4. Tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hàng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật cho người lao động đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
5. Nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các trường đào tạo trong Ngành để học sinh, sinh viên, CNVCLĐ sau đào tạo có đủ khả năng thích ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển khoa học, công nghệ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
6. Phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật trong CNVCLĐ. Đưa nội dung học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật thành chỉ tiêu thi đua đối với tập thể và cá nhân. Hàng năm, tiến hành đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và tổ chức phong trào; nhân rộng các điển hình tiên tiến.