Hoạt động nữ công cơ sở hướng về lợi ích thiết thực của nữ lao động, đoàn viên công đoàn
07/03/2018
Do quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu ngành, nhiều đơn vị chuyển đổi mô hình sản xuất, sắp xếp lại bộ máy tổ chức; 1 số cơ sở chuyển về sinh hoạt tại địa phương, 1 số lao động nữ nghỉ chế độ, nghỉ dôi dư nên số lượng lao động nữ do Công đoàn Ngành quản lý giảm đi đáng kể, đặc biệt giảm ở các ngành hàng cà phê, mía đường, thủy sản.... Tính đến thời điểm hiện tại, số lao động toàn ngành là 64.721 người, số đoàn viên công đoàn là 62.444 người, trong đó nữ chiếm tỉ lệ xấp xỉ 40%. Tỉ lệ nữ khối các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước chiếm 20%, khối doanh nghiệp chiếm 36,4%, khối đơn vị sự nghiệp chiếm 43,6%. 100% đơn vị có Ban nữ công hoặc phân công một đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách công tác nữ.
Năm 2017, Công đoàn Ngành đã chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục tổ chức tổng kết chương trình toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Đại hội IV Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, triển khai đại hội công đoàn các cấp, tiến tới đại hội Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam lần thứ V, Đại hội Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ XII; Tuyên truyền phổ biến sâu rộng nội dung của Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Luật BHXH về những vấn đề liên quan đến lao động nữ; Tiếp tục tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2015-2020; Tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ.
Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Công đoàn Ngành, hầu hết các đơn vị đã triển khai thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động chào mừng thành công Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, biểu dương các tập thể, cá nhân nữ có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10… nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, đổi mới, sáng tạo thu hút đông đảo cán bộ nam và nữ tham gia. Điển hình: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tổ chức Hội thi nấu ăn “Cùng nhau vào bếp”. Với mục tiêu chia sẻ công việc nội trợ trong gia đình, các nam cán bộ, quản lý, giáo viên nhà trường đã thể hiện tài năng nấu nướng, làm bếp khéo léo không hề thua kém chị em phụ nữ; Trường Cao đẳng Thủy Lợi Bắc Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động văn thể chào mừng: thăm quan một số di tích lịch sử Tây Thiên, Đền Gióng…, tổ chức mit tinh và liên hoan văn nghệ; tổ chức hội thi nấu ăn; tổ chức giải bóng chuyền hơi… các hoạt động diễn ra sôi nổi và thể hiện được tinh thần đoàn kết của các nữ cán bộ, giảng viên, nữ sinh viên trong nhà trường; Công đoàn cơ quan Bộ tổ chức Tọa đàm “Vai trò nữ cán bộ công chức trong tham gia quản lý nhà nước”, mít tinh kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và khen thưởng 29 cá nhân nữ tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”; Các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phối hợp với phụ nữ thôn, buôn trên địa bàn tuyên truyền nếp sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, tuyên truyền nữ CNVCLĐ thực hiện tốt KHHGĐ, động viên chị em đăng ký không sinh con thứ 3 trở lên, kinh phí tổ chức do lãnh đạo đơn vị hỗ trợ và đoàn viên đóng góp với số tiền gần 500 triệu đồng; Công đoàn Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc tổ chức sinh hoạt nữ công, đi thăm quan Đền Hùng, đền Trưng Trắc- Trưng Nhị ôn lại truyền thống lịch sử cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Công đoàn Trưởng Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh tổ chức nói chuyện chuyên đề về Phụ nữ và hạnh phúc gia đình; Công đoàn Trưởng Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ tổ chức khen thưởng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và thi đấu thể dục thể thao... Một số đơn vị đã may đồng phục công sở, áo dài, đầm dự tiệc để tặng chị em nhân dịp 8/3, 20/10.
Nhìn chung công tác tuyên truyền vận động, tổ chức các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ ngành Nông nghiệp và PTNT được thực hiện tốt, có nhiều sáng tạo, linh hoạt thiết thực, đổi mới nội dung hình thức vận động, động viên khích lệ nữ CNVCLĐ thi đua nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Chất lượng bữa ăn ca của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng đã có những tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về ý nghĩa, tác dụng của việc đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca đối với sức khoẻ người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực hiện tốt bữa ăn ca của người lao động mức giá được nâng từ dưới 15 nghìn đến bằng và hơn 15 nghìn đồng, một số đơn vị chi cho bữa ăn ca là 30 nghìn đồng ( như Công ty Thủy đặc sản, Cty TNHH MTV KTTL Dầu tiếng Phước Hòa), cá biệt có đơn vị chia làm nhiều mức giá, mức cao nhất là 45 nghìn/bữa (như CĐ Cty Bao bì và In Nông nghiệp).
Ban Nữ công công đoàn các cấp tham mưu cho BCH Công đoàn thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của lao động nữ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để phối hợp tham gia sắp xếp lao động hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của chị em.
Ban chấp hành công đoàn các đơn vị khối doanh nghiệp đã tham gia giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; nỗ lực, sáng tạo trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể mang lại nhiều lợi ích cho người lao động đặc biệt đối với lao động nữ, trong đó nổi bật là bản TƯLĐTT của Công đoàn Công ty Cà phê Ia Sao 2 (thuộc Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) có nhiều điều khoản cao luật quy định, nổi bật như: Lao động nữ nghỉ thai sản, ngoài việc được hưởng lương và trợ cấp BHXH chi trả theo quy định của Bộ luật Lao động còn được Công ty trích từ quỹ phúc lợi trợ cấp thêm 3 tháng lương cơ sở. Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc (ngoài tiền BHXH được hưởng theo quy định) còn được hưởng trợ cấp thêm 2 tháng lương cơ sở...
Thực hiện Chương trình “Vì trái tim cho em và nụ cười trẻ thơ” của Tổng Liên đoàn, Công đoàn Ngành đã được Quỹ Bảo trợ Trẻ em Công đoàn Việt Nam hỗ trợ kinh phí mổ tim cho cháu: Phùng Thị Thu Thủy, sinh năm 2004 bị bệnh tim bẩm sinh, là con anh Phùng Văn Sỹ là công nhân lao động đội 3- Công ty TNHH MTV Cà phê 715C thuộc Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam với số tiền hỗ trợ là 35 triệu đồng. Các hoạt động chăm lo cho trẻ em, nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được duy trì có hiệu quả. Với số vốn 360 triệu đồng, Quỹ “Hỗ trợ công nhân lao động nghèo” Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã hỗ trợ cho 72 lượt nữ CNVCLĐ trong ngành có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập cải thiện điều kiện sống. Các đơn vị có quỹ đất và vốn duy trì hoạt động nuôi trồng sản xuất ngắn ngày để cải thiện đời sống cho đoàn viên, xây dựng quỹ “ Vì nữ công nhân lao động nghèo”.
Năm 2017 từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn, Công đoàn Ngành đã chi hỗ trợ, thăm hỏi 261 nữ CNLĐ trong ngành có hoàn cảnh khó khăn, bị bão lụt, tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo với số tiền 99,8 triệu đồng; Chi hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho công nhân nữ cho 2 trường hợp với mức chi 40.000.000đ/ trường hợp. Hỗ trợ con công nhân lao động nghèo Tổng công ty Cà phê Việt Nam 40 suất quà 500.000 đồng.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ được các đơn vị quan tâm thường xuyên: đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn nơi làm việc; 100% phụ nữ có thai được khám thai đủ 5 lần và được tiếp cận với dịch vụ y tế; trên 95% đơn vị tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, tổ chức khám và điều trị phụ khoa cho các chị em lao động nữ; thực hiện tốt chế độ, chính sách chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ khi mang thai, sinh đẻ, nuôi con; đặc biệt có đơn vị còn hỗ trợ chi phí bồi dưỡng thêm cho lao động nữ sau khi sinh, tạo điều kiện vật chất cho lao động nữ trong thời gian mang thai và cho con bú.
Với vai trò là thành viên Ban VSTBPN Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã tham mưu với Bộ xây dựng Quy chế, Kế hoạch hành động, Chương trình hoạt động của Ban VSTBPN của Bộ; phối hợp tổ chức Hội nghị Sơ kết Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội tặng bằng khen.
Năm 2018 là năm tiến hành Đại hội V Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, triển khai Nghị quyết đại hội công đoàn các cấp. Đối với phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công ngành Nông nghiệp và PTNT, năm 2018 là năm đầu triển khai thực hiện các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam về công tác nữ công và bình đẳng giới. Để các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Tổng Liên đoàn, Bộ, ngành thực sự đi vào cuộc sống và tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động công tác nữ công, ban nữ công công đoàn các cấp cần phải không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, tìm kiếm cách làm hay, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao để tạo được uy tín với lãnh đạo đơn vị và tập thể người lao động, làm tốt công tác tham mưu với ban chấp hành công đoàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới.