Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 26/04/2025 | 17:03

Nghiên cứu trao đổi

Học để làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời

23/04/2025

Trong nhà xưởng, công trường, dây chuyền sản xuất, có hàng nghìn máy vận hành ngày đêm. Nhưng “cỗ máy” lớn nhất, bền bỉ nhất, chính là trí tuệ và đôi tay của người lao động.

Trong bài viết “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn lại lời Bác Hồ: “Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Thực tiễn lao động hôm nay đang chứng minh điều đó. Khi các dây chuyền sản xuất ngày càng tự động hóa, khi robot, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thay thế những thao tác thủ công, thì người công nhân không còn là “người vặn ốc” mà phải là người biết điều khiển công nghệ, ứng dụng kỹ thuật, làm chủ máy móc.

Vì vậy, học tập suốt đời với công nhân không chỉ là lý tưởng cao đẹp, mà là một yêu cầu sống còn. Học để không lạc hậu. Học để không bị thay thế. Học để bước tiếp trên chính đôi chân của mình.

Công nhân tự học, Công đoàn tiếp sức lan tỏa văn hóa học tập

Có một thực tế đáng mừng là nhiều công nhân hôm nay không chỉ học để làm, mà còn học để sáng tạo. Cũng trong bài viết “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh học tập suốt đời là điều kiện để tạo ra các sáng kiến, ý tưởng nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn.

Điều này đang diễn ra ở không ít nhà máy, khu công nghiệp nơi những công nhân không bằng cấp cao vẫn miệt mài tự học, rồi đóng góp sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những người như thế không cần học vì “tấm bằng”, mà học để làm ra giá trị. Họ là những công nhân “kỹ sư tại chỗ”, là nguồn cảm hứng cho phong trào thi đua lao động sáng tạo, là minh chứng cho tinh thần “tự học, tự cường” trong lớp người lao động mới.

Nhưng để công nhân học được, học tốt, học đúng cái cần thì không thể thiếu vai trò đồng hành của tổ chức Công đoàn. Nếu người công nhân là người đi trên con đường học tập suốt đời, thì Công đoàn chính là người dẫn đường, người tiếp sức.

Công đoàn không chỉ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, mà còn cần làm nhiều hơn như xây dựng văn hóa học tập trong nhà máy, cổ vũ tinh thần học hỏi, tôn vinh những công nhân biết vượt lên hoàn cảnh để tiếp thu tri thức. Công đoàn cần là cầu nối giữa người lao động với các trung tâm đào tạo nghề, với doanh nghiệp, với công nghệ mới.

Ở nhiều nơi, các công đoàn cơ sở đã bắt đầu tổ chức “câu lạc bộ học tập công nhân”, lớp học tin học, lớp học tiếng Anh cơ bản, lớp kỹ năng mềm… Những mô hình như thế cần được nhân rộng, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình học tập.

Giáo viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024

Yêu nước bằng khát vọng tri thức và sự kiên trì

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Học tập suốt đời không chỉ giúp mỗi cá nhân thích nghi với biến đổi, mà còn là chìa khóa nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Vậy thì, người lao động, với tư cách là lực lượng đông đảo nhất, chính là “chiến sĩ” trên “mặt trận” tri thức ấy.

Mỗi người thợ lành nghề hôm nay chính là một “chiến sĩ” âm thầm chinh phục công nghệ, làm chủ kỹ năng, làm chủ công nghệ. Mỗi công nhân tự học hôm nay chính là người đang góp phần đưa đất nước vượt qua những “điểm nghẽn” trong sản xuất, đổi mới sáng tạo.

Và chỉ khi người lao động học thật, học sâu, học vì sự tiến bộ thì công cuộc phát triển bền vững mới có nền móng vững chắc. Bởi không có quốc gia nào giàu mạnh nếu nguồn nhân lực không được “trí thức hóa”.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời chỉ thành công khi mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời”. Nhưng để người lao động có thể học, thì xã hội phải kiến tạo môi trường để họ được học.

Doanh nghiệp cần coi việc nâng cao trình độ công nhân là đầu tư chiến lược chứ không phải chi phí. Cơ quan quản lý cần mở rộng chính sách hỗ trợ học tập cho người lao động từ tài chính, chương trình linh hoạt, cho đến việc công nhận kỹ năng tích lũy qua học ngoài trường lớp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần mở theo hướng “liên thông, linh hoạt, suốt đời”. Công đoàn, doanh nghiệp, Nhà nước phải cùng nhau xây nền cho xã hội học tập. Bởi, học tập suốt đời không chỉ là quyền của người lao động mà còn là “cơ hội vàng” để đất nước chuyển mình.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ phát triển như vũ bão, khối lượng kiến thức nhân loại tăng lên từng ngày, người không học là người tự loại mình ra khỏi “cuộc chơi”. Tự học không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để tồn tại, tiến bộ và vươn lên.

Tự học để không bị máy móc thay thế. Tự học để không sống đời vật vờ, đơn điệu. Tự học để con cái noi theo, gia đình vươn lên. Tự học để góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp như Bác Hồ từng mong muốn.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Chỉ khi đẩy mạnh thực chất học tập suốt đời, chúng ta mới giàu có những ý tưởng, sáng kiến để giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn”. Với người công nhân, điều đó có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé bằng một buổi tối học thêm máy tính, một lần tự mày mò phần mềm mới, một khóa đào tạo nghề…

Mỗi giọt mồ hôi rơi xuống xưởng sản xuất, nếu được “tưới bằng ánh sáng tri thức” sẽ “nảy mầm” thành giá trị bền vững. Và khi mỗi người lao động đều học tập suốt đời, đất nước sẽ có một đội ngũ công nhân mới trí tuệ, bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển. Bởi, yêu nước không chỉ là hành động lớn lao, mà còn là sự kiên trì mỗi ngày tự học, tự sửa mình, tự làm mới mình vì một Việt Nam giàu mạnh.

https://laodongcongdoan.vn/hoc-de-hoan-thien-nhan-cach-lam-giau-tri-tue-110840.html

Tin cùng chuyên mục