Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 26/04/2025 | 23:27

Nghiên cứu trao đổi

Quyền chủ trì giám sát của Công đoàn được bổ sung trong Luật Công đoàn 2024

14/04/2025

Từ quy định “tham gia, phối hợp” trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát với cơ quan nhà nước, Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quyền chủ trì giám sát của Công đoàn.

Luật Công đoàn năm 2012 quy định cho Công đoàn được quyền “tham gia, phối hợp” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và cán bộ công đoàn, trên thực tế thi hành Luật, quy định này chưa thể hiện được đầy đủ vai trò, tư cách quyền của Công đoàn trong hoạt động giám sát; chưa phản ánh đầy đủ việc thực hiện giám sát có tính xã hội của Công đoàn vì một số nguyên nhân.

Luật Công đoàn 2024 đã quy định quyền chủ trì giám sát của Công đoàn. Đây là nội dung mới được bổ sung trong lần xây dựng Luật này.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn.

Theo đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngoài quy định tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013, có 7 luật quy định cụ thể về quyền giám sát của tổ chức Công đoàn (gồm Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khiếu nại, Bộ luật Lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; ngoài ra còn có các luật chuyên ngành khác (gồm Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Luật Đất đai...).

Đặc biệt, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định “các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát” nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền, trách nhiệm của tổ chức mình “theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định của pháp luật”.

Khoản 4 Điều 88 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam các cấp: “Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của đoàn viên công đoàn”.

Bên cạnh đó, Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội quy định cho các đoàn thể chính trị - xã hội được “chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Với tinh thần đó, Luật Công đoàn 2024 đã quy định riêng một điều (Điều 16) về giám sát của Công đoàn, trong đó xác định rõ “Giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và hoạt động chủ trì giám sát”.

Đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, phạm vi, quyền và trách nhiệm của Công đoàn khi thực hiện hoạt động chủ trì giám sát.

Theo đó, nội dung giám sát, Luật Công đoàn 2024 xác định; “Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thoả ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn (khoản 3 Điều 16).

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06b và 05 năm thực hiện Kết luận số 01 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động UBKT công đoàn. Ảnh: Văn Quân.

Về hình thức hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn bao gồm:

Một là, nghiên cứu, xem xét văn bản, báo cáo của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát.

Hai là, thông qua đối thoại với người sử dụng lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ba là, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

Bốn là, tổ chức đoàn giám sát.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn phải đảm bảo các nguyên tắc:

Một là, khách quan, công khai, minh bạch;

Hai là, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động;

Ba là, không trùng lặp về nội dung, thời gian với hoạt động kiểm tra, thanh tra và hoạt động giám sát khác; không làm cản trở hoạt động bình thường của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát.

Khi chủ trì giám sát, Công đoàn có quyền, trách nhiệm:

Một là, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát bao gồm nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian và các nội dung cần thiết khác để bảo đảm thực hiện giám sát.

Hai là, thông báo trước về chương trình, kế hoạch giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.

Ba là, yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát trao đổi, làm rõ những vấn đề cần thiết qua giám sát.

Bốn là, kiến nghị người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát hoặc người có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Năm là, kiến nghị xem xét trách nhiệm của người sử dung lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua giám sát;

Sáu là, thông báo kết quả giám sát đến người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bảy là, chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; xem xét, giải quyết khi có kiến nghị về kết quả giám sát.

Việc quy định cụ thể hơn Công đoàn có quyền chủ động thực hiện giám sát góp phần phát hiện sớm vi phạm.

Việc bổ sung quyền chủ trì giám sát không chỉ là bước tiến pháp lý, mà còn là sự khẳng định vai trò xã hội ngày càng lớn của tổ chức Công đoàn. Từ đây, Công đoàn có thêm công cụ mạnh mẽ để bảo vệ người lao động một cách chủ động, hiệu quả và thực chất hơn.

https://laodongcongdoan.vn/quyen-chu-tri-giam-sat-cua-cong-doan-duoc-bo-sung-trong-luat-cong-doan-2024-110731.html

Tin cùng chuyên mục