Đôi điều suy nghĩ về rào cản đối với phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới
10/10/2022
Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, xã hội còn chuyển biến chậm. Định kiến xã hội, chưa thực sự đề cao vai trò của nữ giới và chính tâm lý e ngại, tự ti của phụ nữ vẫn khiến họ chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, vẫn còn vấn nạn bạo lực giới đã cản trở cơ hội bình đẳng của phụ nữ tham gia lãnh đạo. Hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới, giúp sự phát triển của phụ nữ còn gặp một số khó khăn, như sau:
Một là, thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ.
Đảng và Nhà nước đã có quy định liên quan đến bình đẳng giới, là điều kiện pháp lý để phụ nữ phát triển. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, các điều kiện kèm theo còn thiếu đồng bộ, như vấn đề về dịch vụ công hỗ trợ phụ nữ quay trở lại làm việc sau khi sinh con, hay hệ thống cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ ban ngày… là những yếu tố quan trọng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ. Theo quy định pháp luật, thời gian nghỉ sinh con của phụ nữ là 06 tháng, tuy nhiên hiện nay các dịch vụ về nhận trông giữ, chăm sóc trẻ từ trên 06 tháng tuổi đến dưới 2 năm tuổi còn hạn chế. Phụ nữ là người chịu thiệt thòi hơn nam giới vừa tần tảo chăm sóc con, vừa thực thi công việc tại cơ quan (đi muộn về sớm) dẫn tới những khó khăn về cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ. Thực tế cho thấy phụ nữ hoàn thành thiên chức làm mẹ nếu sinh đủ 2 con thì mất khoảng 8-10 năm.
CĐ Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Hai là, hạn chế cơ hội tham gia đào tạo tại nước ngoài
Thời gian qua theo yêu cầu của hầu hết các chương trình và học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, ứng viên phải dưới 35 tuổi cho trình độ thạc sĩ và dưới 40 tuổi cho trình độ tiến sĩ; đồng thời, phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm mới được dự tuyển. Quy định về độ tuổi này có thể không ảnh hưởng đến nam giới, nhưng với cán bộ nữ lại là một bất lợi vì đang ở độ tuổi kết hôn và sinh con nên sẽ rất khó có cơ hội tham gia. Đồng thời, đâu đó vẫn còn có người, có gia đình có định kiến không hay đối với người phụ nữ, người vợ đi học tập nâng cao trình độ tập trung dài hạn ở nước ngoài.
Ba là, những tác động tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế tác động trực tiếp lên lợi thế so sánh giữa phụ nữ và nam giới
Với quá trình toàn cầu hóa, thị trường được mở rộng, sự giao lưu hàng hóa thông thoáng hơn, đây chính là nhân tố thúc đẩy sản xuất hàng hóa vật chất phát triển. Những thành tựu về khoa học - công nghệ được chuyển giao nhanh chóng, ứng dụng rộng rãi giúp cho các nước đi sau có điều kiện tiếp thu và phát triển. Với quá trình phân công lao động quốc tế càng ngày đi vào chiều sâu và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ đã đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa nền kinh tế các nước.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và toàn cầu hóa, công tác cán bộ nữ cũng đứng trước một số khó khăn, thách thức. Đó là tỷ lệ cán bộ nữ không ngừng tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ tham gia trong hệ thống chính trị các cấp có xu hướng tăng, nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Tiếng nói của phụ nữ so với nam giới còn hạn chế và chưa thực sự đại diện cho lực lượng lao động nữ chiếm số đông trong xã hội. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách, thực hiện bình đẳng giới trên mọi mặt chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Nữ Đoàn viên CĐ Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ trong trang phục áo dài truyền thống nhân ngày khai giảng năm học 2022-2023
Bốn là, khó khăn, hạn chế từ định kiến giới
Định kiến giới cũng là một rào cản đối với sự phấn đấu của phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Gánh nặng gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phấn đấu của phụ nữ nói chung và nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Người phụ nữ chịu những định kiến thiệt thòi về trách nhiệm của phụ nữ với gia đình. Dẫu rằng, ngày nay phụ nữ ở cơ quan đơn vị đã nhận được nhiều hơn sự đồng thuận của gia đình, của cộng đồng. Nhưng gánh nặng gia đình vẫn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ Việt Nam. Với quan niệm “việc nhà là của phụ nữ”, một bộ phận không nhỏ phụ nữ đã không được sự chia sẻ của nam giới, thậm chí có những nữ cán bộ còn không nhận được sự ủng hộ của chồng. Đây chính là khó khăn của phụ nữ trong cương vị lãnh đạo quản lý.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”. Để thực hiện tốt quyền bình đẳng nam nữ, trước hết người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên vượt qua rào cản để tiếp cận, hưởng thụ quyền của mình và phát huy vai trò để nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.