Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ ba, 13/05/2025 | 19:20

Công đoàn Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2024 phù hợp chủ trương tinh gọn bộ máy

10/05/2025

Luật Công đoàn năm 2024 tiếp tục được lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sửa đổi Hiến pháp, các luật liên quan.

Sáng ngày 9/5, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, VCCI, chuyên gia, cán bộ công đoàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn 2024.

Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra, Công đoàn các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn năm 2024 được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 vào ngày 27/11/2024.

Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, cán bộ công đoàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024 được tổ chức trước yêu cầu của việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc xem xét sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024 gắn với việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thanh Niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này tập trung vào những nội dung liên quan đến tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo yêu cầu của Đảng, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng đề án về sắp xếp tinh gọn tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc tinh gọn trong mối quan hệ giữa cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổ chức Công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội; bỏ chính quyền cấp huyện đồng nghĩa là bỏ LĐLĐ cấp huyện; kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn lực lượng vũ trang là những nội dung chính phải xem xét trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này.

Đồng chí mong muốn các cơ quan quản lý, chuyên gia, cán bộ công đoàn đóng góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024, với mục tiêu là tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy được vai trò của Công đoàn sau khi tinh gọn tổ chức, bộ máy.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, cán bộ công đoàn đã tập trung cho ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung do yêu cầu liên quan đến tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn lần này thể chế hóa chủ trương lớn chưa từng có tiền lệ của Đảng nên không thể vội vàng khi chưa chín muồi, chưa có thực tiễn để kiểm nghiệm.

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2024 cần lưu ý rằng, tổ chức Công đoàn còn có tính chất đặc thù so với các tổ chức chính trị - xã hội khác (như Công đoàn có vị trí lịch sử rất cao khi tổ là tổ chức của giai cấp công nhân - tiền thân để Đảng ta ra đời). Công đoàn hoàn toàn xứng đáng có quyền tham gia sáng kiến pháp luật.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, cán bộ công đoàn cũng nhấn mạnh các khía cạnh cần lưu ý khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024 đó là: thể hiện được quan điểm của Đảng về “tạo sự độc lập tương đối cho các tổ chức chính trị - xã hội”; thể chế hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tuy nhiên phải đảm bảo tổ chức chính trị - xã hội nói chung, tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng phát huy được những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Đồng thời phù hợp với bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và hội nhập quốc tế. Việc khẳng định Công đoàn Việt Nam là “đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” theo dự thảo là rất kịp thời, rất đúng trong tình hình mới...

hiều ý kiến góp ý, khi sửa luật cần phải thiết kế chức năng, nhiệm vụ, kể cả tổ chức bộ máy, một cách khoa học, phù hợp, để hoạt động công đoàn mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động, giữ chân được những cán bộ công đoàn có năng lực, trình độ.

Tài chính Công đoàn có đặc thù riêng, có đóng góp trực tiếp của đoàn viên, người lao động. Do đó, chính sách tài chính Công đoàn cần quy định rõ trong sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024 và các luật liên quan, làm sao để bảo đảm sự chủ động, độc lập của Công đoàn, đảm bảo chăm lo kịp thời cho đoàn viên, người lao động và có sự giám sát.
https://laodongcongdoan.vn/sua-doi-bo-sung-luat-cong-doan-nam-2024-phu-hop-chu-truong-tinh-gon-bo-may-111188.html

Tin cùng chuyên mục