Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ năm, 03/04/2025 | 16:14

Nghiên cứu – Trao đổi

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam

17/02/2022

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam là nghiệp đoàn cấp trên cơ sở, được thành lập theo Quyết định số 151/QĐ-CĐN ngày 02/4/2014 của Ban thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam (NĐNCVN) có chức năng, nhiệm vụ chính là tham mưu giúp Ban chấp hành Công đoàn Nông nghiệp và PTNT triển khai các hoạt động liên quan đến đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá; tập hợp đoàn kết lực lượng, đại diện tiếng nói chung của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá trên cả nước. Sự hiện diện của hàng chục ngàn lượt tàu cá, ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá trên biển có vai trò ý nghĩa rất quan trọng trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.


       Tính đến nay, cả nước có 86 Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với 17.397 đoàn viên (chiếm khoảng 5,8% tổng số lao động nghề cá xa bờ) và 5.387 tàu cá (chiếm khoảng 17,9 % tổng số tàu cá xa bờ cả nước). Việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở (NĐNCCS) phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, đồng hành cùng ngư dân lao động sản xuất, tạo nơi sinh hoạt, kết nối ngư dân, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm việc đánh bắt, khai thác hải sản của các thuyền viên và chủ tàu; nâng cao nhận thức của ngư dân và chủ tàu đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm ứng xử của ngư dân khi tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia; giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống; bảo vệ quyền lợi của ngư dân khi xảy ra tranh chấp trên biển, khi không may gặp sự cố, rủi ro, tai nạn…;

Tuy vậy, trong quá trình triển khai hoạt động đã bộc lộ một số hạn chế đó là việc duy trì và phát triển đoàn viên NĐNCCS chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ và lợi thế nguồn nhân lực lao động đánh bắt xa bờ (khoảng hơn 300.000 lao động, với khoảng 30.000 tàu đánh bắt xa bờ); mô hình hoạt động của NĐNCCS chưa thống nhất (có nơi thì quận, huyện, Công đoàn ngành địa phương quản lý); công tác báo cáo, trao đổi thông tin không đầy đủ, kịp thời; chưa có cơ chế chính sách về tài chính, chưa hỗ trợ kịp thời về trang bị, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, tư vấn chuyên môn, chưa xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết… chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá cơ sở…

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 29/6/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2728/QĐ-TLĐ ngày 29/6/2021 quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá trong đó có quy định về tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của NĐNCVN, NĐNCCS; trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động của NĐNC; kinh phí hoạt động của NĐNCVN và NĐNCCS; chế độ thông tin báo cáo…


Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tổ chức trao quà hỗ trợ cho đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Để đảm bảo tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung quy định tại Quyết định số 2728/QĐ-TLĐ; trong thời gian tới, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của NĐNCVN và NĐNCCS giai đoạn 2015-2022 và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2022-2027;

         Tham mưu xây dựng chương trình phối hợp công tác giữa Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên đoàn Lao động tỉnh về tổ chức và triển khai hoạt động của NĐNCVN và NĐNCCS; chỉ đạo Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn ngành địa phương có Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở xây dựng Quy chế, cơ chế trao đổi thông tin, kế hoạch phối hợp với Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động của NĐNC Cơ sở. 

Tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn cho đoàn viên, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá nghiêm chỉnh chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước ta, các hiệp định thỏa thuận về Luật biển năm 1982, mà Nhà nước ta đã ký kết với các tổ chức Quốc tế; các quy định của Luật Thủy sản, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, cam kết không vi phạm lãnh hải của các nước để khai thác, vừa khai thác vừa bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục