Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 | 12:37

Tố chức

Công đoàn có thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa?

21/01/2022

Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm chuyển đổi về sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước làm cho các công ty cổ phần có nhiều thay đổi về cơ chế hoạt động, tác động đến hoạt động công đoàn cơ sở và việc phát huy quyền làm chủ của người lao động.

Đại hội công nhân, viên chức được thay bằng hội nghị người lao động, nếu người lao động không phải là cổ đông thì việc tham gia lại càng khó khăn hơn, bởi những vấn đề mang tính quyết định thì lại được đại hội cổ đông biểu quyết. Bên cạnh đó, ở các công ty cổ phần mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì ban thanh tra nhân dân cũng không còn, nên việc kiểm tra, giám sát chuyên môn không được thuận lợi, hạn chế đến quyền làm chủ của công nhân, lao động.

Là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có quan hệ hợp tác với Nhà nước và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chức năng của tổ chức công đoàn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong quá trình cổ phần doanh nghiệp (CPH), nhất là chức năng đai diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động (NLĐ).

Kết quả khảo sát của đề tài “Việc làm, tiền lương và hoạt động công đoàn trong các công ty cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp có vốn, thoái vốn nhà nước” của Viện Công nhân và Công đoàn tại 45 DN CPH thì có 48.9% công đoàn cơ sở (CĐCS) tham gia khảo sát cho biết các hoạt động thực hiện chức năng này tại DN tăng lên. Nguyên nhân là ở công ty cổ phần (CTCP) có nhiều chủ thể với đối tác khác nhau, với những mối quan hệ khác nhau về lợi ích nên đã tác động trực tiếp tới việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ của tổ chức công đoàn. Cụ thể: nếu NLĐ chỉ quan tâm đến tiền lương, tiền thưởng, điều kiện lao động, môi trường lao động, điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ về BHXH, BHYT v.v... thì các cổ đông chỉ quan tâm đến cổ tức hàng năm, trong khi đó NLĐ là cổ đông lại quan tâm tới cả cổ tức và tiền lương, tiền thưởng. Khi tiền lương của NLĐ cao, điều kiện an toàn vệ sinh lao động của NLĐ được quan tâm thì sẽ làm cho cổ tức giảm, ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông và ngược lại nếu lợi nhuận của công ty được dùng để chi trả cổ tức nhiều cho các cổ đông thì dẫn đến tiền lương giảm, điều kiện vệ sinh và an toàn lao động ít được quan tâm, ảnh hưởng đến lợi ích của NLĐ.

Việc thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ở DN sau CPH được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trước hết là hoạt động thương lượng, đối thoại về việc làm và tiền lương. Kết quả khảo sát có 68.9% các CĐCS có thực hiện thương lượng, đối thoại với NSDLĐ về vấn đề việc làm; 62.2% thương lượng, đối thoại về vấn đề tiền lương cho NLĐ sau CPH. Hoạt động thương lượng, đối thoại về việc làm và tiền lương trong các DN không còn vốn nhà nước diễn ra sôi động hơn trong các DN vẫn còn vốn nhà nước. Ngoài ra, các CĐCS còn thực hiện một số hoạt động cụ thể liên quan đến vấn đề việc làm và tiền lương như: tư vấn, hỗ trợ NLĐ ký giao kết hợp đồng lao động; kiểm tra giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động. Theo kết quả khảo sát, hoạt động tư vấn, hỗ trợ NLĐ ký giao kết hợp đồng lao động, đạt 100% (so với 77.5% trước CPH) và phổ biến thang bảng lương, định mức lao động, đạt 81.6% (so với 78.9% trước CPH)

Vấn đề chăm lo đời sống cho NLĐ thì sau khi chuyển thành CTCP không ít ý kiến băn khoăn về kinh phí cho các hoạt động chăm lo đời sống cho NLĐ sẽ bị cắt giảm, CĐCS khó có thể tổ chức cho NLĐ đi nghỉ mát, tham gia các hoạt động ngoại khóa … như trước khi CPH. Tuy nhiên kết quả khảo sát lại cho thấy có 56.2% số NLĐ được hỏi cho biết công đoàn quan tâm tới họ nhiều hơn; 35.4% cho biết quan tâm của công đoàn đối với họ như trước CPH và 8.4% cho rằng công đoàn ít quan tâm tới họ hơn.

Cùng với đó là CĐCS tham gia với NSDLĐ trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện thu chi quỹ phúc lợi tập thể. Kết quả khảo sát cho thấy, có 80.5% Chủ tịch CĐCS tham gia khảo sát cho biết sau CPH CĐCS có tham gia với NSDLĐ trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện thu chi quỹ phúc lợi tập thể, trong đó, tỷ lệ này ở các DN còn trên 50% vốn nhà nước là 100%; DN còn dưới 50% vốn nhà nước là 92.9% và trong các DN không còn vốn nhà nước là 56.3%.

Bên cạnh đó, có 89.5% CĐCS có ý kiến với NSDLĐ trong việc nâng cao phúc lợi cho NLĐ, trong đó tỷ lệ cao nhất thuộc về các DN có trên 50% vốn nhà nước, chiếm 92.9% và thấp nhất thuộc về các DN không còn vốn nhà nước, chiếm 83.3%.

Từ các kết quả khảo sát trên cho thấy, trong quá trình thực hiện CPH các DN nhà nước, Công đoàn đã có vai trò rất quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích cho NLĐ ở DN. Công đoàn là cầu nối, phản ánh những nhu cầu của NLĐ đến ban quản lý DN cũng như tiến hành các cuộc đối thoại nhằm mang lại những lợi ích cao nhất cho NLĐ. Bên cạnh đó, tại một số DN sau CPH, Công đoàn cũng đã thành lập các quỹ của công đoàn và sở hữu cổ phần khi DN CPH nhằm tạo nguồn ngân sách để chăm lo tốt hơn cho đời sống của NLĐ. Đây là những tín hiệu tốt cho việc NLĐ hoàn toàn có thể đặt niềm tin của mình vào tổ chức công đoàn cho việc đại diện bảo vệ quyền lợi của họ.

 

Tin cùng chuyên mục