Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tham gia Chương trình Khách mời của JILAF do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức
10/12/2021
Thành phần Ban tổ chức Nhật Bản gồm có: lãnh đạo của tổ chức RENGO: tổng thư kí, phó tổng thư kí và các cộng sự; phía Việt Nam có 6 đồng chí tham gia Chương trình, tới từ các Ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ lao động, Tuyên giáo - Nữ công của Tổng Liên đoàn, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn và Công đoàn Tổng Công ty Dệt May Việt Nam.
Đây là Chương trình được tổ chức hàng năm tại Nhật Bản nhằm tạo cơ hội cho cán bộ công đoàn của Việt Nam hiểu hơn về nền kinh tế, xã hội, tình hình lao động, quan hệ lao động tại Nhật Bản (từ năm 1989 đã có 120 cán bộ công đoàn của Việt Nam được đến Nhật Bản tham gia Chương trình).
JILAF do liên hiệp các công đoàn Nhật bản (RENGO) thành lập năm 1989 nhằm thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động. Đến nay JILAF luôn tích cực hợp tác nhất quán với phong trào lao động tại các nước đang phát triển. RENGO hướng đến là xây dựng một xã hội có sự tham gia tích cực, đặt giá trị cao nhất vào công việc và tham gia xã hội được thực hiện thông qua cách làm việc đa dạng trong điều kiện làm việc công bằng cho tất cả mọi người, nơi đó sự đa dạng được chấp nhận bất kể tuổi tác, giới tính, quốc gia hay khuyết tật dựa trên “tính bền vững” và “sự hội nhập”, ở đó sự công nhận và hỗ trợ lẫn nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thành viên công đoàn tại Nhật Bản có hơn 7 triệu người, hiện đang tiến hành các hoạt động để bảo vệ công việc và cuộc sống cho tất cả người lao động. Công đoàn lao động Nhật Bản có cấu trúc 3 tầng, chủ yếu là công đoàn lao động cấp cơ sở doanh nghiệp, công đoàn ngành, Trung tâm quốc gia. RENGO có 48 công đoàn ngành, 47 Liên đoàn địa phương đang hoạt động.
Nội dung Chương trình phần nào cho thấy bức tranh về tình hình quan hệ lao động tại Nhật Bản có nhiều sự khác biệt và phong phú như:
- Tổ chức “Thương lượng mùa xuân” giữa chủ và thợ (các doanh nghiệp thường kí kết vào trung tuần tháng 3)
- Quan hệ chủ thợ dựa trên 4 nguyên tắc cơ sở:
+ Bình đẳng giữa chủ và thợ
+ Không can thiệp lẫn nhau
+ Tự chủ giữa thợ và chủ
+ Thấu hiểu và tin cậy lẫn nhau
- Tổ chức “Phong trào tăng năng suất” (là sự kết hợp giữa sản xuất và tính con người), bao gồm 3 nguyên tắc: “ổn định, đảm bảo việc làm”; “Hợp tác, đàm phán chủ thợ” và “phân chia công bằng thành quả”
- Xây dựng hệ thống An sinh xã hội “mô hình hỗ trợ mọi thế hệ” và đảm bảo nguồn tài chính ổn định; giảm mức yêu cầu để được áp dụng hoàn toàn chế độ bảo hiểm người sử dụng lao động và người lao động cùng chi trả vởi tỉ lệ 50/50).
Thời gian Chương trình tuy ngắn nhưng cũng đã tạo cơ hội cho hai bên trao đổi, chia sẻ, đặt ra các câu hỏi về các vấn đề liên quan tình hình quan hệ lao động. Thông qua Chương trình, JILAF được biết đến từ năm 1989 đến nay đã thực hiện được nhiều dự án, hoạt động xã hội thiện nguyện giúp đỡ được nhiều tổ chức ở tại các quốc gia trên thế giới và luôn được đánh giá rất cao.