Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 | 12:30

Tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo

Công đoàn viên với sáng kiến khoa học tạo lợn Ỉ nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma

01/10/2021

Nhân bản lợn Ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma là một trong những sáng kiến khoa học của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật-Viện Chăn nuôi tham gia chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

          Tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân hiện đang là Phó giám đốc phụ trách Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật-Viện Chăn nuôi. Bên cạnh nhiệm vụ phụ trách quản lý các hoạt động của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân còn làm nhiệm vụ chuyên môn là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh sản động vật trong chăn nuôi. Trong quá trình làm việc, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân đã có nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật được áp dụng như: tạo phôi bò nhân bản không có màng zona pellucida bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma, tạo phôi lợn Ỉ nhân bản không có màng sáng bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma, ứng dụng công nghệ phôi dê sữa in vivo bằng kỹ thuật gây rụng trứng nhiều nhằm tăng nhanh đàn dê sữa chất lượng cao…

            Lợn Ỉ là một giống lợn nội quý của Việt Nam, tuy nhiên trong những năm gần đây lợn Ỉ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do sự giảm sút về mặt số lượng, hệ quả là làm mất đi nguồn gen lợn bản địa có giá trị, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, chính vì thế việc gìn giữ và bảo tồn giống lợn Ỉ là rất cần thiết. Từ tháng 7/2017, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật, Viện Chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ: “Nghiên cứu tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma” do tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân làm chủ trì. Mục tiêu của nhiệm vụ là nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ nhân bản động vật bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma để tạo được lợn Ỉ nhân bản, từ đó mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma để bảo tồn các giống vật nuôi quý hiếm khác tại Việt Nam.

            Hiệu quả mang lại từ việc tạo được lợn Ỉ nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma.

Nhân bản động vật bằng cấy chuyển nhân tế bào soma (SCNT) hiện nay đã trở thành quy trình thường quy của rất nhiều phòng thí nghiệm về Công nghệ sinh sản động vật trên thế giới. Bên cạnh những ứng dụng trong nghiên cứu khoa học, y học và nông nghiệp thì SCNT còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển các loài động vật quý hiếm; đặc biệt là những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, nhân bản động vật là một hướng nghiên cứu còn rất mới và đang được các nhà khoa học quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào công bố về việc tạo ra được động vật nhân bản mà chỉ có rất ít các báo cáo về việc tạo ra được phôi động vật nhân bản. Quá trình tạo lợn Ỉ nhân bản bằng SCNT là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kỹ thuật: tạo dòng tế bào cho và đồng pha chu trình tế bào cho về giai đoạn G0/G1, loại nhân tế bào trứng nhận; cấy chuyển nhân tế bào soma; dung hợp và kích hoạt tế bào trứng sau cấy chuyển nhân tế bào soma; nuôi phôi sau kích hoạt; cấy chuyển phôi lợn Ỉ nhân bản. Sự thành công của các kỹ thuật này sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tạo lợn Ỉ nhân bản bằng kỹ thuật SCNT.

   Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật – Viện Chăn nuôi là đơn vị đầu tiên nghiên cứu về nhân bản lợn Ỉ tại Việt Nam. Tại đây, một số kỹ thuật nền liên quan đến quá trình tạo lợn Ỉ nhân bản như: nuôi thành thục in vitro, tế bào trứng lợn; tạo phôi lợn in vitro, phân lập nguyên bào sợi lợn và đồng pha nhân nguyên bào sợi lợn về pha G0/G1 của chu trình tế bào, tạo phôi lợn nhân bản có màng Zona pellucida và không có màng Zona pellucida, cấy chuyển phôi lợn…. đã được nghiên cứu thực hiện. Kỹ thuật tạo phôi động vật nhân bản không có màng Zona pellucida bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma là một trong những kỹ thuật hiện nay đang được ứng dụng ở nhiều Phòng thí nghiệm nghiên cứu về Công nghệ sinh sản trên thế giới bởi những ưu điểm như: hiệu quả cao, đơn giản, dễ áp dụng, không đòi hỏi các trang thiết bị đắt tiền. Dựa trên điều kiện thực tế của đơn vị, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân cùng với các cán bộ nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật đã ứng dụng và đưa kỹ thuật tạo phôi nhân bản không có màng Zona pellucida vào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma”. Kết quả ngày 10/3/2021, 04 chú lợn Ỉ nhân bản ra đời từ phôi lợn Ỉ nhân bản không có màng Zona pellucida, hiện tất cả các chú lợn Ỉ nhân bản vẫn đang khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Đây là những động vật nhân bản đầu tiên tại Việt Nam được tạo ra bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma. Sự thành công này là một bước tiến vượt bậc về Công nghệ nhân bản động vật tại Việt Nam, khẳng định uy tín cũng như vị thế của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật – Viện Chăn nuôi trong lĩnh vực Công nghệ nhân bản động vật tại Việt Nam và trên thế giới.

          Tiềm năng phát triển và ứng dụng của công nghệ nhân bản động vật bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma tại Việt Nam

            Tạo lợn Ỉ nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma chỉ là một trong những sáng kiến khoa học của tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân và các cán bộ nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật. Trong những năm qua, các cán bộ nghiên cứu về Công nghệ sinh sản- Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Vân liên tục có nhiều sáng kiến khoa học hay và hiệu quả.

             Là người đứng đầu, phụ trách quản lý Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật, đồng thời là người có nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học nhất, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân cho biết: “Việc đào tạo lớp cán bộ trẻ kế cận cũng như tạo điều kiện cho các cán bộ phát huy các ý tưởng khoa học, các hướng nghiên cứu mới, cải tiến các quy trình khoa học công nghệ cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Các cán bộ nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật luôn có ý thức chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua, sáng kiến sáng tạo được Công đoàn các cấp tổ chức. Việc tham gia các sân chơi này sẽ giúp cho các cán bộ phát huy được khả năng và chia sẻ các sáng kiến khoa học của mình”. Bên cạnh công việc quản lý, làm chuyên môn, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân còn tham gia giảng dạy và đào tạo sinh viên của các trường Đại học như: Đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Hải Phòng....

            Theo tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật là đơn vị nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam công bố về việc tạo được phôi động vật nhân bản không có màng Zona pellucida và lợn Ỉ nhân bản. Đây là những thành tựu khoa học đầu tiên về nhân bản động vật tại Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật nói riêng và của Việt Nam nói chung. Sự thành công này đã mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhân bản động vật nhằm gìn giữ bảo tồn các loài vật nuôi có giá trị, hoặc kết hợp với công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có khả năng kháng bệnh.

            Trong hoạt động công đoàn, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân là một công đoàn viên gương mẫu, nhiều năm là Công đoàn viên xuất sắc, tham gia tích cực các phong trào hoạt động của đoàn thể. Tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

            Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước bởi lĩnh vực nghiên cứu Công nghệ nhân bản động vật là lĩnh vực nghiên cứu mới tại Việt Nam, tuy nhiên với sự đam mê nghiên cứu, nhiệt huyết với công việc, chắc chăn tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân sẽ tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến khoa học mới đóng góp vào sự phát triển bền vững của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật nói riêng và ngành Chăn nuôi nói chung.

Tin cùng chuyên mục