Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 | 12:13

An toàn vệ sinh lao động

Hội thảo xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp Ngành

11/09/2018

Thực hiện Chương trình công tác toàn khóa 2018-2013 của Ban Chấp hành Công đoàn Nông nghiệp và PTNT VN, ngày 30/8/2018 tại Quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng, Ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Ngành đã tham mưu tổ chức Hội Thảo chuyên đề về Xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành hẹp nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi đoàn viên công đoàn và người lao động trong Ngành.

Tới dự hội thảo có các đồng chí trong Ban Thường vụ, các ban chuyên môn Công đoàn Ngành và đại diện cho 16 Công đoàn các Tổng công ty trực thuộc.

            Theo quy định của bộ Luật Lao động Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định. Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.


            Hầu hết các đơn vị khi xây dựng TƯLĐTT mới đã kịp thời cập nhật các quy định mới về chế độ chính sách của người lao động. Nhiều bản thỏa ước về cơ bản có những chuyển biến rõ rệt, đã có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động đã quan tâm hơn tới quyền lợi, lợi ích của người lao động về việc làm, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ tham quan nghỉ mát, chế đô nâng lương sớm, thưởng tháng lương thứ 13, tăng giá trị bữa ăn ca lên, thăm hỏi ốm đau, ma chay cưới xin, khen thưởng cá nhân, tập thể, theo tháng, Qúy, năm…cụ thể, rõ ràng và kịp thời đối với đoàn viên, người lao động, thân nhân gia đình NLĐ khi gặp khó khăn…

Về cơ bản các bản TƯLĐTT đã bám sát các quy định của pháp luật, những công ty có bản TƯLĐTT được ký kết từ năm 2015 đến nay ngoài những quy định trước đây, công ty cũng đã cập nhật những Thông tư, Nghị định của Chính phủ, các quy định của Tổng Liên đoàn ban hành để áp dụng cho bản TƯLĐTT của đơn vị và tăng thêm những điều khoản có lợi hơn đối với người lao động (như Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015; Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015; Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015; Nghị định 122/NĐ-CP ngày 14/11/2015; Nghị quyết 7c/NQ-TLĐ ngày 25/2/2016…). Đa số các bản TƯLĐTT đạt chất lượng đều tập trung vào một số vấn đề cơ bản như: tiền lương, chế độ phúc lợi xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn giữa ca, thăm hỏi ốm đau, tham quan nghỉ mát, trợ cấp khó khăn, hiếu hỉ, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn hoạt động cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Ngoài việc trích nộp các khoản BHXH, BHYT, BHNT theo quy định của Nhà nước, một số công ty đã mua thêm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm con người cho người lao động, nâng tiền ăn ca và quan tâm tới chất lượng dinh dưỡng cho người lao động, có chế độ đãi ngộ tốt đối với người lao động có thời gian làm việc lâu năm, người lao động hưởng chế độ thâm niên (khoản này bằng 10% mức lương cơ bản và được trả cùng với tiền lương hàng tháng, người lao động nghi hưởng chế độ hưu trí theo quy định được tặng quà bằng 3 tháng lương cơ sở, người lao động nghỉ chờ chế độ hưu trí 3 tháng đầu được trả 100% tiền lương và các khoản thu nhập khác…

Tuy có những chuyển biến tích cực, song việc xây dựng, thương lượng, ký kết Thỏa ước LĐTT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Rất ít số công đoàn cơ sở khi xây dựng Thỏa ước LĐTT có tổ chức thương lượng thực chất, chưa tổ chức lấy ý kiến người lao động, ký kết chưa theo đúng trình tự, quy định của pháp luật lao động. Chất lượng các bản Thỏa ước LĐTT tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nội dung còn chung chung, nhiều bản sao chép lại các điều khoản quy định trong Bộ luật Lao động. Nội dung có lợi cho người lao động về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi cho NLĐ. Cá biệt một số bản TƯLĐTT chưa cập nhật kịp thời các quy định mới của pháp luật…

 Còn có doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước; TƯLĐTT sau khi ký kết không được phổ biến đến người lao động, không gửi cho Công đoàn cấp trên; việc kiểm điểm, đánh giá, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT cho phù hợp với chế độ, chính sách mới và tình hình thực tế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật còn chậm.

Tình trạng không thực hiện đúng các cam kết trong TƯLĐTT như: giao kết hợp đồng lao động chưa đúng, chậm thanh toán lương, nợ bảo hiểm xã hội... còn xảy ra ở một số doanh nghiệp.  Một số công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở chưa quan tâm đến việc xây dựng, thương lượng ký kết và theo dõi, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Với thực chất tình hình các bản thỏa ước như vậy cho thấy một số người sử dụng lao động và công đoàn - người đại diện cho người lao động chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng TƯLĐTT có chất lượng tại doanh nghiệp.

Từ thực trạng và những nguyên nhân trên, để xây dựng được những bản Thỏa ước LĐTT có giá trị, thực sự vì quyền lợi người lao động đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ nhiều phía. Trước hết, tổ chức CĐCS cần khẳng định vai trò đại diện của mình thông qua việc cần thiết phải có Thỏa ước LĐTT và thực hiện đầy đủ nghiêm túc các nội dung đã thỏa thuận ký kết. Cán bộ CĐCS cần tích cực học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tham khảo những bản thỏa ước tiên tiến từ bên ngoài để kịp thời thương lượng những điều khoản mang tính tích cực. Cần chủ động đề xuất, yêu cầu để người sử dụng lao động thường xuyên có những thay đổi, bổ sung phù hợp thực tế vào thỏa ước. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ngoài việc chỉ đạo, tập huấn kỹ năng thương lượng, đàm phán, thuyết trình cần phải phân công cán bộ có trình độ, kinh nghiệm trực tiếp tham gia phối hợp cùng CĐCS trong quá trình xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước.

Tại Hội thảo rất nhiều đại biểu, đặc biệt là các đại biểu đại diện cho công đoàn các tổng công ty đã đưa ra những ý kiến đóng góp để đi đến xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành (nhóm các doanh nghiệp cùng nghề). Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định chủ thể đại diện cho người sử dụng lao động để ký kết với Công đoàn Ngành (đại diện cho người lao động): có thể là Hiệp hội các doanh nghiệp, hoặc tổng giám đốc các tổng công ty… tuy nhiên nếu là Hiệp hội thì khi thực hiện sẽ rất khó khăn vì tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nghề; hỗ trợ kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng đa dạng hóa sản phẩm, phòng chống rủi ro, mở rộng thị trường, thúc đẩy quan hệ ngành nghề trong nước và quốc tế, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, họ không quản lý kinh tế các doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng mức lương, các khoản thu nhập, phúc lợi khác của các doanh nghiệp trong các doanh nghiệp cùng nghề, thậm chí các doanh nghiệp cùng tổng công ty có sự chênh lệch, không đồng đều. Do vậy cần xây nghiên cứu xây dựng thỏa ước phù hợp với các doanh nghiệp để thực hiện.

Các doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT phải thỏa mãn các điều kiện:

- Thuộc Hiệp hội …Việt Nam và NSDLĐ của doanh nghiệp ủy quyền cho Ban chấp hành Hiệp hội …Việt Nam thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành.

         - Có tổ chức Công đoàn thuộc Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và công đoàn cơ sở ủy quyền để Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành.

- Trong thời gian áp dụng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực…chưa đủ quy định tại khoản 1 điều này nhưng NSDLĐ và đại diện tập thể lao động của doanh nghiệp cùng ký văn bản đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành gửi cho Hiệp hội…Việt Nam và Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và được hai bên chấp nhận thì được áp dụng  TƯLĐTT ngành.

Tại hội thảo các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần xây dựng một lộ trình với đầy đủ, hợp lý các bước như khảo sát thực tế các doanh nghiệp, báo cáo Tổng Liên đoàn, xây dựng để tiến tới ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể cấp ngành.

Tin cùng chuyên mục