2017-Năm vì lợi ích đoàn viên Công đoàn
19/12/2017
Mục đích của “Năm vì lợi ích ĐVCĐ” là hướng đến các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho NLĐ, ĐVCĐ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên và hiệu quả hoạt động công đoàn nhằm xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh để thu hút NLĐ tự giác gia nhập Công đoàn Việt Nam. Nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho lợi ích của Đoàn viên, người lao động đã được các cấp công đoàn trong Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức mang lại niềm vui cho đoàn viên, người lao động.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI đã chọn chủ đề hoạt động năm 2017 là “Năm vì lợi ích đoàn viên Công đoàn”, các hoạt động của các cấp Công đoàn đều hướng vào việc phục vụ lợi ích của đoàn viên, để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Đoàn viên Công đoàn và đội ngũ Công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Mục đích của năm vì lợi ích đoàn viên Công đoàn trong Ngành là góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam lần thứ IV về chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động. Góp phần tăng năng xuất lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển SXKD, kinh tế - xã hội của Ngành; Hướng các hoạt động của các cấp công đoàn trong năm 2017 mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho người lao động là đoàn viên công đoàn, tạo sự khác biệt rõ nét so với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn. Nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hướng tới lợi ích thiết thực cho đoàn viên Công đoàn và người lao động. Giúp cho đoàn viên công đoàn và người lao động có điều kiện đảm bảo phúc lợi tốt hơn, tạo sự gắn bó tin tưởng giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn.
Để đảm bảo, nâng cao và giữ sự ổn định quyền lợi cho đoàn viên, người lao động, một nội dung quan trọng, thường xuyên hàng năm để chăm lo lợi ích cho ĐVCĐ, NLĐ là thông qua thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; đối thoại, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; định kỳ và đột xuất nhiều CĐCS đều tổ chức đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc giữa NLĐ với lãnh đạo công ty. Qua các buổi đối thoại, NLĐ được tự do bày tỏ tâm tư nguyện vọng về chính sách phát triển, chế độ lao động, phúc lợi xã hội. Ban giám đốc doanh nghiệp có điều kiện lắng nghe ý kiến phản ảnh, kiến nghị của NLĐ, từ đó giải đáp các khúc mắc, đáp ứng các yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Các buổi đối thoại diễn ra trong tinh thần dân chủ, cởi mở và phấn khởi đã tạo ra môi trường làm việc tốt, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tránh phát sinh những mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động với NLĐ. Qua các buổi đối thoại, CĐCS đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa NLĐ và Ban giám đốc công ty. Cũng thông qua đó, công đoàn một mặt đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ; mặt khác đáp ứng các yêu cầu từ phía Ban giám đốc.
Năm 2017, các công đoàn cơ sở toàn Ngành tích cực xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Đã có 311 bản thỏa ước lao động tập thể được ký, đạt 83% so với số doanh nghiệp. Về cơ bản các bản TƯLĐTT đã bám sát các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các quy định khác của Nhà nước, những công ty có bản TƯLĐTT được ký kết từ năm 2015 đến nay ngoài những quy định trước đây, công ty cũng đã cập nhật những Thông tư, Nghị định của Chính phủ, các quy định của Tổng Liên đoàn ban hành để áp dụng cho bản TƯLĐTT của đơn vị và tăng thêm những điều khoản có lợi hơn đối với người lao động (như Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015; Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015; Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015; Nghị định 122/NĐ-CP ngày 14/11/2015; Nghị quyết 7c/NQ-TLĐ ngày 25/2/2016). Đa số các bản TƯLĐTT đạt chất lượng đều tập trung vào một số vấn đề cơ bản như: tiền lương, chế độ phúc lợi xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn giữa ca, thăm hỏi ốm đau, tham quan nghỉ mát, trợ cấp khó khăn, hiếu hỉ, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn hoạt động cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, ví dụ:
- Giảm thời gian làm việc, mỗi ngày làm việc 7 giờ (như Công ty TNHH MTV XNK Kiên Giang, Công ty cổ phần giống Bò sữa Mộc Châu); Nâng thời gian nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương của Công ty TNHH MTV Lương thực TP.HCM (Người lao động kết hôn nghỉ 07 ngày, con kết hôn nghỉ 3 ngày, tứ thân phụ mẫu, chồng/vợ, con người lao động qua đời nghỉ 07 ngày), Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV XNK Kiên Giang, Cơ quan Tổng công ty Lương thực miền Bắc… Công ty ưu tiên tuyển dụng con của người lao động đã và đang làm việc tại đơn vị đủ điều kiện đạt yêu cầu của công ty như Công ty Cà phê Đak Đoa, Công ty cổ phần giống Bò sữa Mộc Châu, Cơ quan Tổng công ty Tư vấn XDTL VN-CTCP…
- Ngoài việc trích nộp các khoản BHXH, BHYT, BHNT theo quy định của Nhà nước, một số công ty đã mua thêm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm con người cho người lao động như Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV XNK Kiên Giang, Cơ quan Tổng công ty Tư vấn XDTL VN-CTCP
- Nâng tiền ăn ca và quan tâm tới chất lượng dinh dưỡng cho người lao động như Công ty Liên doanh TNHH Crown Hà Nội; Công ty cổ phần Bao bì và In Nông nghiệp, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa (ngày chủ nhật và ca 3: 30.000đ/người, ngày thứ 7: 45.000đ/người; NLĐ làm thêm giờ suất ăn ca tăng gấp đôi so với suất ăn hiện hành)
- Công ty có chế độ đãi ngộ tốt đối với người lao động có thời gian làm việc lâu năm như Công ty cổ phần Bao bì và In Nông nghiệp (NLĐ làm đủ 20 năm được 20tr đ/năm, NLĐ làm đủ 15 năm được 15tr đ/năm; NLĐ làm đủ 10 năm được 10tr đ/năm, NLĐ làm đủ 5 năm được 5tr đ/năm), người lao động hưởng chế độ thâm niên (khoản này bằng 10% mức lương cơ bản và được trả cùng với tiền lương hàng tháng của Công ty LD TNHH Crown Hà Nội người lao động nghi hưởng chế độ hưu trí theo quy định được tặng quà bằng 3 tháng lương cơ sở của Công ty TNHH MTV XNK Kiên Giang, người lao động nghỉ chờ chế độ hưu trí 3 tháng đầu được trả 100% tiền lương và các khoản thu nhập khác của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc…
- Các chế độ trích từ nguồn phúc lợi của Công ty cho các khoản thăm hỏi, hiếu hỉ, tham quan, nghi mát, khen thưởng con người lao động đạt thành tích cao trong học tập, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn… với định mức tốt (thưởng tháng lương thứ 13, công ty đài thọ kinh phí nghỉ mát cho vợ/chồng, khen thưởng 0,5 tháng lương tối thiểu/lần với con NLĐ đạt giải thưởng trong học tập, các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế…) như Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (thuộc TCT Thủy sản VN), Công ty Liên doanh TNHH Crown Hà Nội, Công ty Lương thực Đồng Tháp…
Lãnh đạo CĐN, TCT Chè Việt Nam và Công ty chè Phú Đa cùng 50 CNLĐ nghèo được tặng quà nhân dịp đón xuân Đinh Dậu 2017
Đặc biệt, lần đầu tiên Công đoàn Ngành tổ chức “Tết sum vầy” năm 2017 tại công ty Chè Phú Đa, Công đoàn Ngành đã trao 100 xuất quà trị giá 30 triệu đồng cho đoàn viên công đoàn các đơn vị thuộc Tổng công ty Chè Việt Nam; ngoài ra, tết năm 2017 Công đoàn Ngành cũng trao 567 xuất quà trị giá 177 triệu đồng cho đoàn viên công đoàn và người lao động tại các đơn vị trong ngành. Trong năm Công đoàn Ngành còn hỗ trợ 38 công nhân 20,5 triệu đồng có hoàn cảnh khó khăn nhân tháng công nhân, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 04 mái ấm công đoàn với 110 triệu đồng, tổ chức thăm hỏi tặng quà có gia đình cán bộ công đoàn có thân nhân là thương binh, liệt sỹ... Tại Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở còn vận động chính quyền ủng hộ hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết, tặng nhiều suất quà để động viên.
Để Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI đi vào đời sống của đoàn viên công đoàn và người lao động, kết hợp với năm 2017 đã được Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT (Bộ NN PTNT) chọn là “Năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng và VSATTP”, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp làm việc, thương lượng với hơn 80 Cty, DN, HTX nông nghiệp, đơn vị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để các đơn vị doanh nghiệp này cam kết bán các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giảm giá bán so với giá bán ngoài thị trường cho đoàn viên công đoàn.
Ngày 18/8/2017, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ giá cho đoàn viên công đoàn giữa Công đoàn Nông nghiệp và PTNT với các đơn vị, doanh nghiệp và Khai trương Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản, thực phẩm an toàn. Chủ tịch TLĐLĐVN, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo Công đoàn Nông nghiệp và PTNT VN, 20 Công đoàn Ngành Trung ương, 25 LĐLĐ các tỉnh, 10 lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, 50 Công đoàn cấp trên cơ sở, cơ sở trực thuộc, 80 công ty, doanh nghiệp cùng đông đảo đoàn viên, người lao động trong ngành đến dự. Kết quả đã có 52 Doanh nghiệp, đơn vị ký thỏa thuận bán các loại thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giảm giá từ 5-20% tùy theo từng sản phẩm cho đoàn viên Công đoàn tại địa điểm Trung tâm xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) và ở các chuỗi cửa hàng trên toàn quốc của các công ty, doanh nghiệp này.
Trong thời gian diễn ra phiên chợ (từ ngày 18-20/8/2017) đã có 96 đơn vị tham gia, trong phẩm đó có 08 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản; 10 doanh nghiệp Hải sản tươi sống và đông lạnh, 35 doanh nghiệp rau, trái cây, 40 doanh nghiệp hàng khô, 8 doanh nghiệp chè và đồ uống, 4 đơn vị hàng tiêu dùng. Tiêu biểu là các doanh nghiệp, địa phương như Công ty Cổ phần VietRap đầu tư và thương mại, Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương, Công ty Gạo sạch Toản Xuân, công ty Cổ phần tập đoàn Hải sản Minh Phú, Sở NN&PTNT Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La… Tổng số có trên 400 dòng sản phẩm tham gia là sản phẩm an toàn và là đặc sản vùng miền của các địa phương trong cả nước, có đầy đủ giấy chứng nhật nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được lấy mẫu ngẫu nhiêm kiểm tra và kết quả đều đảm bảo. Đã có gần 5.000 lượt khách tham quan và mua sắm, trong đó có hàng nghìn đoàn viên Công đoàn với doanh số bán hàng tại Trung tâm đạt trên 1 tỷ 500 triệu đồng, đạt cao nhất là khu bán thủy hải sản và thịt, trái cây, rau an toàn.
Danh sách các doanh nghiệp đã ký thỏa thuận kèm theo các địa điểm bán hàng được Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam triển khai tới hệ thống các cấp công đoàn để đoàn viên được thụ hưởng.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chăm lo đến lợi ích của đoàn viên Công đoàn và người lao động. Trong thời gian tới Công đoàn Ngành sẽ tiếp tục thương lượng, đàm phán để mở rộng hơn nữa.
Một hoạt động đáng ghi nhận nữa của các công đoàn cơ sở trong năm vì lợi ích đoàn viên là thực hiện Nghị quyết số 7C/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về bữa ăn ca của người lao động ; các công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã thương lượng, vận động người sử dụng lao động để nâng mức tiền ăn ca từ dưới 15 nghìn/bữa lên trên 20 nghìn/bữa, có đơn vị 30 nghìn/bữa (như Cty TNHH MTV KTTL Dầu tiếng Phước Hòa), cá biệt có đơn vị chia làm nhiều mức giá, mức cao nhất là 45 nghìn/bữa (như CĐ Cty Bao bì và In Nông nghiệp), nhiều đơn vị tổ chức bữa ăn vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua việc các đơn vị doanh nghiệp xây dựng bếp ăn thông minh, đạt tiêu chuẩn, lựa chọn các đơn vị cung cấp nguyên liệu có uy tín…
Sự vào cuộc và quan tâm sát sao của chủ doanh nghiệp đối với người lao động hay sự chủ động đề xuất đưa nội dung đảm bảo về bữa ăn ca của người lao động vào các cuộc đối thoại, thương lượng tập thể, nhiều bản TƯLĐTT có nội dung đảm bảo về bữa ăn ca của người lao động đã được ký kết, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Tính đến nay, chưa có vụ ngộ độc nào và cũng không có cuộc đình công nào xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay còn một số doanh nghiệp vì khả năng kinh tế còn hạn chế hoặc chủ doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm đến bữa ăn ca của người lao động chính vì vậy việc thực hiện Nghị quyết 7C của Tổng Liên đoàn còn chưa tốt, cơ sở vật chất còn sơ sài, thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng của bữa ăn giúp người lao động tái tạo sức lao động cần thiết.
Để bữa ăn ca của người lao động không chỉ còn là nỗi lo về ngộ độc thức ăn do thực phẩm kém chất lượng của chủ doanh nghiệp và người lao động; Công đoàn Ngành tiếp tục đôn đốc, phổ biến tới công đoàn các đơn vị thường xuyên kiểm tra, khảo sát, nắm bắt tình hình bữa ăn tại đơn vị để kịp thời nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện tốt; tuyên truyền kịp thời giúp nâng cao hơn nhận thức về tầm quan trọng bữa ăn ca của người lao động, trong các cuộc đối thoại định kỳ cần thiết đưa nội dung bữa ăn ca vào TƯLĐTT, tham gia ký kết về đảm bảo dinh dưỡng, An toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca...để đoàn viên, người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp từng bước phát triển bền vững.
Song song với chăm lo vật chất, các hoạt động của công đoàn các cấp trong “Năm vì lợi ích ĐVCĐ” cũng chú trọng chăm lo lợi ích tinh thần, quyền lợi chính trị cho đoàn viên. Cụ thể là tạo điều kiện cho ĐVCĐ tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; hoạt động tham quan, nghỉ mát, vui chơi, giải trí; bảo đảm các quyền lợi chính trị cho ĐVCĐ, nhất là tạo điều kiện cho đoàn viên được có nhiều cơ hội và điều kiện học tập, nâng cao trình độ chính trị. Công đoàn các cấp đã chủ động bồi dưỡng, giới thiệu ĐVCĐ ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, chủ động có ý kiến đề xuất với cấp ủy Đảng, người sử dụng lao động xem xét, bố trí đề bạt chức danh lãnh đạo, quản lý là ĐVCĐ khi đang có sự cân nhắc lựa chọn giữa các đối tượng khác nhau trong đó có ĐCVĐ. Đồng thời, tổ chức công đoàn tạo điều kiện và cơ hội cho ĐCVĐ được tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; thu hút đoàn viên tham gia các phong trào thi đua do công đoàn tổ chức, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, từ đó mở ra cơ hội thăng tiến cho ĐCVĐ.
Thời gian qua các cấp công đoàn cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, nhiều công đoàn cơ sở có 100% NLĐ tại công ty được ký hợp đồng lao động, được bảo đảm các quyền lợi theo luật định. NLĐ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp ngay khi được tuyển dụng vào làm việc, NLĐ vừa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn vừa được huấn luyện các kỹ năng lao động tiên tiến như xây dựng và bảo vệ môi trường làm việc, môi trường sống; xây dựng tình đoàn kết, tương trợ và hiểu biết lẫn nhau để cùng tiến bộ, phát triển; cùng nhau vượt khó.