Văn phòng TVPL Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trả lời thắc mắc của một giáo viên Trường Trung cấp nghề Cơ điện (trong ngành)
11/10/2012
1. Cấp ủy Đảng không tham khảo ý kiến của quần chúng trước mà tự họp để đề ra Nghị quyết yêu cầu giáo viên phải làm việc 8 tiếng/ngày (nghĩa là không có giờ dạy cũng phải lên trường). Giáo viên phản ứng dữ dội, nhưng được giải thích như vậy là đúng luật; không được ý kiến, không được biểu quyết?
2. Giáo viên phải giảng dạy 510 tiết cộng với 113 tiết nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Nên tổng số tiết là 623. Xin hỏi số giờ đó đã đảm bảo việc thực hiện đúng 8 tiếng/ngày chưa? (cụ thể: 01 giờ lên lớp phải có 02 giờ chuẩn bị), nên 623 giờ x 3 = 1869 giờ. Tính cả thời gian hội họp trong năm thì sẽ hơn 2100 giờ.
Quy định của pháp luật về chế độ 8 tiếng là 01 tuần 40 giờ. Giáo viên phải giảng dạy 52 tuần, tương đương 52 x 40 = 2100 giờ. Vậy giáo viên đã làm việc đủ 8 tiếng khi dạy đủ 623 tiết nên giáo viên có vi phạm không?
3. Mặc dù giáo viên không tán thành việc phải làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng vẫn phải thực hiện trong năm học qua. Theo yêu cầu của Nhà trường là đến để nghiên cứu, để học tập nâng cao trình độ. Vậy giáo viên có được trừ 113 giờ (tương đương với 8 tuần làm việc) không? Vì theo quy định số giờ này là để nghiên cứu, vậy giáo viên đã lên trường để nghiên cứu rồi thì có được trừ đi không?
4. Giáo viên chúng tôi phải đi dạy xa trường nhiều lần trong năm, mỗi lần đi ít nhất là 02 tuần, nhiều là 02 đến 03 tháng. Vì xa trường nên chúng tôi phải bỏ con cái, gia đình để đi giảng dạy. Như vậy, chúng tôi đã làm việc cho trường bao nhiêu tiếng?
5. Chúng tôi là đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vậy chúng tôi có thể nhận lương như công nhân doanh nghiệp không (nghĩa là tháng sau mới nhận lương của tháng trước)?
6. Phó Hiệu trưởng nhà trường có được giữ chức Chủ tịch Công đoàn trường không? Theo quy định thì như vậy có đúng không?
Đề nghị Công đoàn Ngành giải đáp.
VPTVPL CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRẢ LỜI NHƯ SAU:
1. Về Nghị quyết của cấp ủy đảng
Căn cứ điều 23 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI quy định tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ: “1. Chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
2. Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên.
3. Lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
4. Liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng.
Đảng uỷ cơ sở nếu được cấp uỷ cấp trên trực tiếp uỷ quyền thì được quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên”.
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ “Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan” (sau đây gọi tắt là Nghị định số 71/1998/NĐ-CP). Cụ thể, Điều 2 quy định “Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện chế độ thủ trưởng và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng”.
Điều 8 quy định “Thủ trưởng cơ quan phải lắng nghe ý kiến, phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức và không được có hành vi trù dập đối với cán bộ, công chức đã góp ý, phê bình mình. Khi cán bộ, công chức đề nghị được gặp thì Thủ trưởng cơ quan gặp và trao đổi các vấn đề có liên quan”.
Điều 13 cũng quy định “Trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức phải phục tùng sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên.Cán bộ, công chức có quyền trình bày ý kiến, đề xuất việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình khác với ý kiến của người phụ trách trực tiếp, nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo của người phụ trách trực tiếp, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp trên”.
Nghị quyết của các cấp ủy đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong tổ chức đảng đó tán thành. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Như vậy, Nghị quyết của Đảng phải được thực hiện trên cơ sở quy định của Điều lệ Đảng; Việc quản lý giáo viên trong trường phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề” (sau đây gọi tắt là Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH). Trách nhiệm của giáo viên là phải thực hiện như quy định tại Mục 2 Chương II Luật Viên chức và Điều 13 của Nghị định số 71/1998/NĐ-CP.
2. Về giờ làm việc của giáo viên?
Căn cứ Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH. Theo đó, tại Khoản 3 Mục I của Thông tư Quy định về thời gian giảng dạy, quy đổi thời gian giảng dạy, tiêu chuẩn giờ giảng, quy mô lớp. Cụ thể:
“a) Thời gian giảng dạy, quy đổi thời gian giảng dạy
- Thời gian giảng dạy trong kếhoạch đào tạo được tính bằng giờ;
- Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;
- Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;
- Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.
b) Tiêu chuẩn giờ giảng là số giờ chuẩn định mức cho mỗi giáo viên phải giảng dạy, được quy định theo năm học hoặc tuần làm việc”.
Về thời gian giờ giảng của giáo viên, điểm a, khoản 3 Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH quy định: “a) Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên trong một năm học từ 430 đến 510 giờ chuẩn đối với giáo viên dạy trung cấp nghề.
Hiệu trưởng căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, đặc điểm của từng mô – đun, môn học, trình độ của giáo viên để quyết định tiêu chuẩn giờ giảng của mỗi giáo viên trong một năm học cho phù hợp.
Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên dạy các môn học chung (Giáo dục quốc phòng – an ninh, Giáo dục thể chất, Chính trị, Pháp luật, Ngoại ngữ, Tin học) trong một năm học là 510 giờ chuẩn đối với giáo viên dạy trung cấp nghề.
Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên dạy các môn văn hóa phổ thông trong trường trung cấp nghề thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Về cách quy đổi giờ chuẩn, căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH “Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn”.
Như vậy, dựa trên các căn cứ đã nêu thì số giờ của một giáo viên trường Trung cấp nghề là 44 tuần x 40 giờ/tuần = 1760 giờ cả năm. Cách tính của đ/c giáo viên là: 623 tiết x 3 (01 giờ lên lớp phải có 02 giờ chuẩn bị) = 1869 giờ; tính cả thời gian hội họp trong năm là 2100 giờ là chưa đúng với quy định của Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH (không quy định 01 giờ lên lớp phải có 02 giờ chuẩn bị).
3. Giáo viên có được trừ 113 giờ (tương đương 08 tuần) để nghiên cứu?
Căn cứ điểm a khoản 2 Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH: “Thời gian làm việc của giáo viên dạy trung cấp nghề là 44 tuần/năm học, trong đó:
- Giảng dạy và giáo dục học sinh, sinh viên: 36 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề;
- Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học: 8 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề.
Trường hợp giáo viên sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học theo quy định thì Hiệu trưởng bố trí thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy”.
Như vậy, trong 44 tuần (tương đương với 1760 giờ) là thời gian làm việc của giáo viên trung cấp nghề như quy định là đã bao gồm 36 tuần giảng dạy và 8 tuần học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học.
4. Cách xử lý về thời gian, giảng viên phải dạy xa trường và ở lại từ 02 tuần đến 02 tháng?
Trường hợp này, Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu cần căn cứ khoản 3 (tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên), khoản 4 (quy đổi ra giờ chuẩn) của mục II (chế độ làm việc của giáo viên dạy Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề) Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH để bố trí cho hợp lý.
5. Về chế độ trả lương hàng tháng?
Điều 58, Mục III Bộ luật lao động: “Người lao động hưởng lương tháng được trả lương cả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần”. (Khoản 3).
Điều 59 Bộ luật lao động cũng quy định: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc. Trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm thì không được quá 01 tháng…”. (Khoản 1).
Do đó, cả phía Nhà trường lẫn giáo viên cần tuân thủ các quy định của Nhà nước về chế độ trả lương hàng tháng.
6. Thành viên trong Ban Giám hiệu (cụ thể là Phó Hiệu trưởng) có được làm Chủ tịch Công đoàn Trường không? Theo luật có đúng không?
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X và Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ ngày 06/5/2009 hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì không cấm Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch Công đoàn Trường (Nếu Phó Hiệu trưởng được Đại hội Công đoàn trường bầu vào Ban Chấp hành và được Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường), vì Trường Trung cấp Nghề Cơ điện là trường công lập.
Khoản 3 Điều 41 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI “Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Theo đó, nếu Phó Hiệu trưởng là đảng viên, được tổ chức cơ sở đảng đồng ý giới thiệu để tham gia Ban chấp hành công đoàn trường thì hoàn toàn đảm bảo theo các quy định.
Kết luận:
- Đề nghị giáo viên nghiên cứu cụ thể Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật Viên chức (Luật số 58/2010/QH12), Nghị định 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản khác có liên quan (như cuốn Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn các cấp do TLĐLĐ Việt Nam biên soạn năm 2011) để có ý kiến cụ thể với Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám hiệu Nhà trường.
- Nhà trường cần xây dựng, cụ thể hóa các quy định, chế độ làm việc đối với giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ làm việc của giảng viên dạy nghề để tránh những thắc mắc của giáo viên trong việc bố trí giờ giảng, trả lương.
- Lưu ý: Cần phân biệt tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên (430 đến 510 giờ/ năm); quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn (khoản 4 Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH); tổng số giờ làm việc của giáo viên trung cấp nghề (1760 giờ/năm). Hiệu trưởng cần quy định cụ thể để tính khối lượng giảng dạy cho từng giáo viên.