Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban Quản lý rừng đặt dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp nhà nước.
09/02/2017
Về đối tượng áp dụng: là Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các công ty nông lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương, cộng đồng dân cư thôn nơi có đối tượng khoán và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các hình thức khoán bao gồm: khoán công việc, dịch vụ và khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi. Thời hạn khoán công việc, dịch vụ theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không quá 01 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.Thời hạn khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và nhận khoán, nhưng tối đa không quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Trường hợp hợp đồng hết thời hạn, nếu bên nhận khoán không vi phạm hợp đồng khoán, đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị định này, có nhu cầu nhận khoán thì được tiếp tục ký hợp đồng. Hạn mức khoán cho cá nhân theo thỏa thuận, nhưng không quá 15 héc ta, hạn mức khoán cho hộ gia đình theo thỏa thuận, nhung không quá 30 héc ta. Hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận, nhưng tổng diện tích khoán không vượt quá tổng diện tích bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng không quá 30 héc ta tại thời điểm hợp đồng khoán.
Nghị định này áp dụng cho khoán rừng tự nhiên, rừng trồng, đất rừng; vườn cây cao su, chè, cà phê, ca cao, quế và vườn cây lấy nhựa, tinh dầu, cây ăn quả lâu năm (sau đây viết chung là vườn cây), diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ (sau đây viết chung là Công ty nông, lâm nghiệp) được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.