Tình hình ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể trong ngành nông nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn
08/01/2016
TƯLĐTT được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai. TƯLĐTT có những tác dụng rất lớn trong quan hệ lao động. Là công cụ cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp; làm cơ sở quan trọng để doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động. Là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động; trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT đã thể hiện vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ mình.
Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cả nước nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng, mối quan hệ lao động đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm tạo ra sự hài hòa về lợi ích của cả hai phía. Do vậy, việc công đoàn và người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT với những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.
Hiện nay, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam quản lý hơn 500 công đoàn cơ sở trực thuộc, trong đó có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, sử dụng hơn 60.000 lao động. Các DN đều có đăng ký đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Hiện nay có nhiều DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cổ phần hóa, chuyển đổi sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người lao động. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động và công đoàn tại một số DN đã xảy ra, đặc biệt là việc nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động diễn ra khá phức tạp…Tình hình đó tạo ra những khó khăn thách thức rất lớn cho hoạt động công đoàn trong thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong bối cảnh này, việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT trong DN càng cần phải được quan tâm một cách thực chất hơn…
Nếu như năm 2012 chỉ có 75% số DN có công đoàn cơ sở ký được thỏa ước, thì đến năm 2014 là đã tăng lên 85 % và 6 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ này đă đạt 90%. Về chất lượng, nếu nhiều bản TƯLĐTT trước đây chỉ cơ bản là sao chép luật để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; cá biệt, còn có bản TƯLĐTT có nội dung trái với quy định của pháp luật lao động như quy định về sa thải, kỷ luật người lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quy định đặt cọc tiền... thì đến nay ít nhất đã đă thương lượng được từ 3 đến 7 nội dung cao hơn quy định của pháp luật, có lợi hơn cho người lao động như: chế độ bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, bồi dưỡng sức khỏe ăn giữa ca, trợ cấp thêm khi chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ ăn ca…
Nguyên nhân của những bản TƯLĐ TT chưa đạt chất lượng cao là do cán bộ công đoàn cơ sở chưa nắm vững quy trình, thủ tục thương lượng, ký kết TƯLĐTT, kiêm nhiệm công tác công đoàn, phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên không chủ động đề xuất với người sử dụng lao động về nội dung thương lượng TƯLĐTT. Công tác chuẩn bị nội dung, tập hợp ý kiến của người lao động trong thương lượng TƯLĐTT chưa được chú trọng và chuẩn bị chu đáo. Việc tổ chức lấy ý kiến của tập thể người lao động vào dự thảo TƯLĐTT trước khi ký kết làm chưa tốt, mang tính hình thức. Việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT và công tác kiểm tra, giám sát thực hiện TƯLĐTT chưa được quan tâm đầy đủ. Người lao động mặc dù đã được tuyên truyền, học tập về Luật Lao động nhưng nhận thức về TƯLĐTT chưa đầy đủ, nhiều công nhân lao động không phân biệt được TƯLĐTT với hợp đồng lao động; chưa phân biệt được những nội dung nêu trong TƯLĐTT thế nào là có lợi hơn so với các quy định của pháp luật lao động. Năng lực hoạt động công đoàn của nhiều cán bộ công đoàn cơ sở còn yếu; thiếu kiến thức pháp luật lao động và bản lĩnh, kỹ năng trong đàm phán thương lượng TƯLĐTT...
Để có được kết quả cao trong việc xây dựng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT thì ngoài việc triển khai các văn bản chỉ đạo đến các cấp thì Công đoàn ngành đă tăng cường công tác hỗ trợ giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn công đoàn cơ sở, DN thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước. Từ thực tiễn hoạt động có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
1. Căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp để xác định nội dung trọng tâm và thời điểm phù hợp để tiến hành thương lượng. Ví dụ: tùy theo từng giai đoạn cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tiến hành thương lượng.
2. Cần đặt ra lộ trình và quy trình để tổ chức thương lương, tăng cường sự tham gia của người lao động vào toàn bộ quá trình thương lượng dưới nhiều hình thức như: có thể lấy ý kiến trực tiếp hoặc bằng phiếu hỏi; tổ chức họp tổ, nhóm hoặc toàn thể người lao động; cử đại diện của tổ, đội, bộ phận, phân xưởng tham gia vào tổ thương lượng của công đoàn; phân công đoàn viên tham gia giám sát và kịp thời phản ánh với công đoàn cơ sở về những vi phạm của người sử dụng lao động, những điểm chưa hợp lý của TƯLĐTT để có phương án thương lượng, bổ sung kịp thời.
3. Tất cả những thỏa thuận đã đạt được phải được cam kết bằng văn bản của các bên và có lộ trình đưa vào thỏa ước để thực hiện. Đảm bảo rằng mọi thỏa thuận sẽ được thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp mà không một bộ phận hay một cá nhân nào có thể phản đối, thay đổi khi có người quản lý khác thay thế. Có như vậy mới bảo đảm quyền lợi của người lao động cho đến khi có thỏa thuận mới.
4. Cán bộ công đoàn cơ sở cần tìm hiểu và nắm rõ tâm lý, quan điểm, tính cách của người sử dụng lao động và văn hóa của chủ đầu tư nước ngoài (nếu là doanh nghiệp FDI) để chọn phương pháp thương lượng phù hợp, có hiệu quả; sử dụng các kỹ năng nói, viết, nghe, ứng xử trong mọi tình huống để thuyết phục hoặc tạo sự ràng buộc đối tác chấp nhận các điều khoản; xử lý nhanh các tình huống phát sinh trong quá trình thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước.
5. Tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể bằng cách: cử cán bộ công đoàn cấp trên xuống dự phiên họp thương lượng tập thể theo đề nghị của công đoàn cơ sở; ra quyết định phân công đại diện thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể ở những doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở khi người lao động trong doanh nghiệp yêu cầu hoặc những doanh nghiệp thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động.
6. Ban chấp hành công đoàn cơ sở thường xuyên giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể của cả người sử dụng lao động và người lao động, định kỳ phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các cuộc trao đổi để cùng nhau đánh giá việc thực hiện các điều khoản và yêu cầu các bên thực hiện đúng cam kết. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện có vần đề gì không phù hợp thì chủ động yêu cầu người sử dụng lao động tiến hành đối thoại, thương lượng để điều chỉnh, bổ sung.
7. Tăng cường công tác kiếm tra, giám sát của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở; định kỳ hàng năm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT theo hướng dẫn 1580/HD-TLĐ ngày ngày 21/10/2014 của Tổng Liên đoàn, tổ chức sơ kết, tổng kết vào giữa và cuối nhiệm kỳ