Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 | 12:30

Tố chức

Kết quả công tác đào tạo, tập huấn cán bộ công đoàn năm 2015 và Kế hoạch đào tạo, tập huấn năm 2016

08/01/2016

Hiện nay Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đang quản lý 20 đơn vị cấp trên trực tiếp cơ sở và gần 500 CĐCS hoạt động khắp cả nước thuộc các ngành nghề như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và các dịch vụ công trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong năm 2015, Công đoàn ngành ghi nhận sự sụt giảm theo chiều hướng ngày càng tăng về số lượng CĐCS chuyển về sinh hoạt địa phương và số lượng đoàn viên công đoàn sau cổ phần hóa và tái cơ cấu ngành. Cụ thể: Công đoàn ngành đã chuyển giao về địa phương 7 đơn vị CĐCS trực thuộc các Tổng công ty, hướng dẫn các đơn vị cấp trên cơ sở giải thể CĐCS hiện không còn hoạt động sau khi thoái vốn nhà nước và ngừng sản xuất. Trong bối cảnh tái cơ cấu ngành và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ như hiện nay, bộ máy tổ chức công đoàn các tổng công ty trực thuộc ngành sẽ tiếp tục bị thu nhỏ về quy mô và số lượng đoàn viên cũng như tính đại diện về ngành nghề. Một số tổng công ty thoái hết vốn nhà nước được bán lại cho các nhà đầu tư ngoài ngành mà mục đích của họ là kinh doanh bất động sản, thay đổi công năng sản xuất, mua bán doanh nghiệp sẽ tác động lớn đến tình hình sản xuất và kinh doanh đặc thù vốn có của doanh nghiệp, dẫn đến người lao động mất việc làm hoặc bị sắp xếp sang làm công việc khác. Tổ chức công đoàn cơ sở sẽ có nguy cơ không còn người lao động – đoàn viên, không có đối tác để làm việc hoặc thậm chí không được chủ doanh nghiệp mới thừa nhận và hợp tác.

Những nguy cơ hiện hữu đó đã làm tăng khó khăn cho tổ chức công đoàn ngành và các đơn vị trực thuộc không chỉ về bộ máy, đoàn viên mà còn về nguồn thu tài chính để triển khai các nhiệm vụ, hoạt động theo yêu cầu, trong đó có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO TẬP HUẤN 2015

Công tác đào tạo tập huấn bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ chủ chốt của Ban Chấp hành công đoàn ngành đã đề ra tại Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2013-2018. Do vậy, trong năm 2015, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kết hợp hội nghị giao ban, hội nghị Ban Chấp hành mở rộng,… để triển khai, phổ biến các quy định, chính sách mới của nhà nước cũng như trong hệ thống công đoàn.

1.      Công tác đào tạo

Công đoàn các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cán bộ công đoàn tham dự các lớp đào tạo theo chuyên đề căn cứ vào điều kiện về độ tuổi, trình độ và nhu cầu của công viêc để cán bộ công đoàn luôn đáp ứng được yêu cầu công tác và tăng cường khả năng tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn các cấp. Năm 2015, Công đoàn ngành đã ra quyết định cho 26 cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia các khóa đào tạo về giảng viên kiêm chức, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, lý luận công đoàn, thạc sỹ,…. Cán bộ đi học được tạo điều kiện về thời gian, giảm bớt công việc, hỗ trợ thanh toán tiền học và các chi phí khác theo quy định nên tất cả đều yên tâm học tập và bố trí thời gian thích hợp để hoàn thành công việc.

2.      Công tác tập  huấn bồi dưỡng cán bộ công đoàn

Trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu từ kinh phí công đoàn song Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì tổ chức tập huấn 2 lớp ở miền Bắc và miền Nam để truyền đạt và phổ biến các quy định, chính sách mới tác động đến người lao động cho gần 500 đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch, kế toán, trưởng ban nữ công, cộng tác viên văn phòng tư vấn pháp luật, ủy ban kiểm tra,…. Mỗi lớp tập huấn diễn ra trong 3 ngày tuy chưa thể đáp ứng hết yêu cầu của học viên song đã phần nào giúp Công đoàn ngành triển khai chủ trương, kế hoạch đến công đoàn các cấp để từ đó các đơn vị về phổ biến, triển khai cụ thể trong đơn vị mình.

Trong năm vừa qua, các đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho khoảng 621 lượt cán bộ công đoàn, trong đó nữ là 301 người và cử 263 lượt cán bộ tham dự các lớp  tập huấn, bồi dưỡng do Công đoàn ngành tổ chức. Tuy nhiên, qua theo dõi và báo cáo của các đơn vị có thể thấy, việc tổ chức tập huấn không được triển khai đồng đều ở tất cả các đơn vị cấp trên cơ sở mà chỉ được tiến hành ở một số đơn vị đông đoàn viên như Công đoàn Tổng công ty Lâm nghiệp VN, CĐ Tổng công ty Cà phê VN, CĐ Tổng công ty Mía đường II, CĐ Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Công đoàn cơ quan Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, CĐ TCT Chăn nuôi. 13/20 đơn vị còn lại không tổ chức tập huấn mà trông chờ vào các đợt tập huấn của Công đoàn ngành để gửi cán bộ tham dự cùng. Nguyên nhân là do các đơn vị này có địa bàn rộng, khó tập hợp cán bộ công đoàn đều là kiêm nhiệm và nguồn tài chính hạn hẹp nên không thể tổ chức lớp tập huấn mang tính tập trung. Thay vào đó, cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở sẽ đi dự tập huấn do Công đoàn ngành tổ chức vào sao chuyển tài liệu tập huấn gửi về các đơn vị trực thuộc để biết.

Đối với công đoàn cơ sở, việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề công đoàn lại càng khó khăn hơn, chủ yếu do: nguồn kinh phí không đủ hoạt động và cán bộ công đoàn kiêm nhiệm dành phần lớn thời gian cho công tác chuyên môn, nhiều khi không sắp xếp được thời gian tham dự tập huấn công đoàn. Do vậy, hầu hết các đơn vị cơ sở không tổ chức tập huấn mà đăng ký tham dự các lớp tập huấn do công đoàn cấp trên tổ chức.

Kinh phí dành cho đào tạo, tập huấn cấp ngành hiện nay chiếm khoảng 10% tổng số kinh phí hoạt động của Công đoàn ngành. Tỷ lệ này ở cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở thấp hơn nhiều vì nguồn kinh phí chủ yếu dành để chi trả lương, phụ cấp và các chi phí hành chính khác. Ở cấp cơ sở, đa số là không có nguồn chi cho tập huấn bồi dưỡng cán bộ công đoàn nên tỷ lệ này là 0%.

3.      Khó khăn và thuận lợi

3.1.                           Thuận lợi

-       Cán bộ công đoàn luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện về phương tiện, thời gian, cơ sở vật chất cho hoạt động của tổ chức công đoàn tại đơn vị. Cơ quan Đảng và Chính quyền tại đơn vị luôn coi trọng vai trò và chức năng của tổ chức công đoàn sát cánh hỗ trợ cho Đảng và Chính quyền hoàn thành nhiệm vụ được giao.

-       Nhiều cán bộ công đoàn kiêm nhiệm luôn nhiệt huyết, cố gắng dành thời gian và công sức cho hoạt động công đoàn dù thời gian cho công việc chuyên môn đã chiếm rất nhiều thời gian.

3.2. Khó khăn

-       Cán bộ công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, phải đi công tác thường xuyên nên khó bố trí thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn. Do vậy, tỷ lệ tham gia không như mong đợi.

-       Nhiều đơn vị không đủ điều kiện tổ chức tập huấn, địa bàn công tác trải rộng nên càng gặp khó khăn trong tập hợp đội ngũ cán bộ CĐ và tập huấn.

-       Lao động trong các doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn về việc làm  và thu nhập do công việc không ổn định, ít việc làm trong khi số lao động mất việc tăng do cổ phần hóa. Lao động và đoàn viên giảm đã ảnh hưởng đến tổ chức công đoàn và nguồn thu kinh phí công đoàn khiến cho phong trào công đoàn bị thu hẹp và kém đa dạng hơn.

-       Ở một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, chủ sử dụng lao đông chưa tạo điều kiện về thời gian cho công đoàn hoạt động trong khi đó cán bộ công đoàn phần lớn là những cán bộ có chuyên môn, giữ cương vị quản lý lại kiêm nhiệm công đoàn nên thời gian dành cho công đoàn lại càng ít.

-       Một số cán bộ công đoàn chưa biết việc, chưa thạo việc công đoàn nhưng lại không có thời gian tham dự các lớp tập huấn công đoàn nên không kịp thời triển khai nhiệm vụ hoặc chất lượng tổ chức hoạt động công đoàn không cao, không giải quyết được chế độ chính sách cho đoàn viên và người lao động.

-       Hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn trước do chủ lao động thắt chặt tiết kiệm chi phí, ngừng hỗ trợ hoặc hỗ trợ rất ít cho hoạt động công đoàn. Ngoài ra, nguồn kinh phí công đoàn hạn hẹp chỉ đủ chi trả những khoản tối thiểu cho hoạt động công đoàn (thăm hỏi ốm đau, phúng viếng,…) nên công đoàn cơ sở không có khả năng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ công đoàn mà thường trông chờ vào các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức. Kinh phí công đoàn hạn hẹp tại các đơn vị cơ sở là một nguyên nhân không thể triển khai các hoạt động công đoàn cũng như đa dạng hóa các nội dung tập huấn.

KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1.      Hình thức tổ chức: Tổ chức tập huấn từ xa, qua mạng cho CBCĐ cơ sở để phổ biến thông tin rộng rãi đến các tổ trưởng, tổ phó. Nếu tổ chức thành lớp thì theo chuyên đề, mỗi chuyên đề từ 1-2 ngày, mỗi đợt tập huấn chỉ tập trung vào 2-3 nội dung.

2.      Địa điểm tập huấn: nên thay đổi thường xuyên vùng, miền địa điểm tập huấn để tất cả các đơn vị đều có cơ hội tham dự, đặc biệt là đối với các đơn vị  ít có điều kiện đi xa.

3.      Tăng cường tổ chức tập huấn nhiều nội dung cho nhiều đối tượng để tăng cường kỹ năng cho CBCĐ cấp cơ sở như: công tác thi đua, tuyên giáo, nữ công, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật mới, chính sách mới. Các lớp tập huấn nên chia nhiều đợt để mọi người có thể chọn lựa thời gian thích hợp tham gia.

4.      Đối tượng tập huấn nên mở rộng ra tất cả ủy viên Ban chấp hành công đoàn các cấp để họ có thể tiếp cận và kế cận hoạt động công đoàn. Nếu có thể mở rộng tập huấn đến từng cán bộ công đoàn là tổ trưởng, tổ phó.

5.      Do cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết kiêm nhiệm, nên cách biên soạn tài liệu tập huấn cần đơn giản, ngắn gọn, hạn chế dùng các thuật ngữ, từ chính trị khó hiểu. Trong bài giảng nên có phần bài tập tình huống, ví dụ minh họa phù hợp để học viên tham khảo áp dụng vào thực tế tại đơn vị.

6.      Nội dung tập huấn nên cụ thể, thiết thực và phù hơp với tình hình của đơn vị để nâng cao trình độ người cán bộ công đoàn tại cơ sở. Trong bài giảng tập huấn cần đưa ra các trường hợp tình huống cụ thể từ thực tế để học viên dễ liên hệ. Nội dung tập huấn có thể phân loại cho học viên và do vậy đối tượng học viên cũng có thể phân loại rõ hơn. Nội dung tập huấn có thể phân loại như sau:

6.1.   Nội dung  tập huấn cơ bản: là nội dung bắt buộc cần có đối với mỗi cán bộ công đoàn, bao gồm các kiến thức cốt lõi về lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam, hoạt động công đoàn tại cơ sở, phương pháp làm việc của Chủ tịch Công đoàn cơ sở, v.v…

6.2.   Nội dung cần thiết: là những nội dung cụ thể cần được trang bị những kiến thức kỹ năng liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người lao động tại nơi làm việc như: thương lượng tập thể, tranh chấp lao động, quan hệ lao động hài hòa, đối thoại xã hội, v..v…

6.3.   Nội dung tập huấn theo chuyên đề: là các nội dung cụ thể theo chuyên đề hoạt động của công đoàn như: tài chính, thi đua khen thưởng, thực hiện Điều lệ, nữ cộng, kiểm tra công tác công đoàn, đại hội công đoàn,…

6.4.   Nội dung tham gia nghiên cứu, xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật, hoạch định chính sách, chương trình, v.v… với chuyên môn đồng cấp và công đoàn cấp trên trực thuộc.

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN 2016

Trước những khó khăn đang gặp phải, Ban Thường vụ Công đoàn ngành vẫn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công tác then chốt quyết định đến sự vững mạnh của tổ chức công đoàn với những cán bộ công đoàn có tâm, có năng lực và nhiệt huyết với hoạt động công đoàn vì đoàn viên và người lao động trong ngành. Do vậy, năm 2016, Công đoàn ngành tiếp tục triển khai kế hoạch, chương trình tập huấn cho tất cả các đơn vị trực thuộc để phấn đấu 100% cán bộ công đoàn mới được tập huấn, bồi dưỡng về công tác công đoàn và 100% cán bộ công đoàn chuyên trách đư­ợc tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận công đoàn. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tập huấn dưới nhiều hình thức và lồng ghép với chương trình của chuyên môn để đạt hiệu quả cao hơn, tăng tỷ lệ tham dự của đại biểu và tiết kiệm chi phí cho cơ sở.

Về nội dung tập huấn, bồi dưỡng: Công đoàn ngành sẽ đổi mới nội dung, bổ sung các nội dung mới liên quan đến các vấn đề lao động quốc tế quy định trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và sắp ký kết. Đây được xác định là nội dung quan trọng nhằm giúp cán bộ công đoàn và đoàn viên thích ứng với điều kiện hoạt động công đoàn mới trong thời kỳ hội nhập. Một số nội dung tập huấn chủ chốt sẽ được triển khai như: quy định lao động trong Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; thương lượng thỏa ước lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đối thoại xã hội, tổ chức công đoàn trong công ty cổ phần và FDI, v.v…

Hình thức và phương pháp tập huấn, bồi dưỡng: sẽ được đổi mới mang tính tiếp cận gần hơn, sát thực tiễn hơn với yêu cầu của cơ sở theo phương pháp tích cực. Đối tượng tâp huấn sẽ được phân loại phù hợp hơn theo nội dung và muc đích tập huấn.

Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở trong năm 2015 và tăng cường hợp tác quốc tế để tạo nguồn hỗ trợ cho công tác tập huấn bồi dưỡng cán bộ công đoàn trực thuộc ngành.

Tin cùng chuyên mục