LĐLĐ TỈNH PHÚ YÊN: Ngư dân không đơn độc trên ngư trường
07/10/2015
Từ tổ đội tàu, thuyền
Chúng tôi đến thăm nhà ông Trà Chí Thu - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá thị trấn Hòa Hiệp Trung, TP.Tuy Hòa - và tình cờ gặp 3 ngư dân khác đang quây quần cùng gia chủ hàn huyên chuyện biển giã. Không đợi hỏi, họ nói về bộ đội biên phòng và CĐ không tiếc lời khen: “Thương dân”, “tuyệt vời”. Vừa nhường nhiệm vụ tổ trưởng tổ tàu, thuyền an toàn cho con trai, ông Thu nói: “Giờ tôi không còn ra khơi nữa, nhường cho nó để dễ phối hợp với anh em. Tổ đội hay nghiệp đoàn cũng cùng mục đích giúp ngư dân bám biển”.
Đại tá Đặng Phú Quốc - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên - cho hay, từ tham mưu của Bộ đội Biên phòng tỉnh năm 2004, UBND tinh Phú Yên ban hành kế hoạch 76 về xây dựng phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và trật tự an toàn xã hội thôn, xóm, khu phố khu vực ven biển”. Từ phong trào này xuất hiện mô hình “Tổ tàu, thuyền an toàn” mà ông Thu là một trong những tổ trưởng đầu tiên. Đến nay toàn tỉnh có 113 tổ tàu, thuyền an toàn với 934 phương tiện. Kể lại những trường hợp gặp nạn được tổ đội giúp đỡ, ông Thu đúc kết: “Từ khi có tổ đội tàu, thuyền, chúng tôi không còn đánh bắt nhỏ lẻ nữa mà sắm tàu lớn hơn. Anh em chia nhau từng luồng cá để không ai bị lỗ. Khi tàu này gặp nạn, các tàu còn lại kéo về. Khi có tàu nước ngoài xâm phạm thì báo với biên phòng”. Ông giải thích: Nói bộ đội thương dân là vì bất kể mưa gió bão bùng, tàu gặp nạn gần xa gì bộ đội cũng huy động tàu hỗ trợ, thường trực 24/24h, bộ đội biên phòng trực trạm bờ để bắt tín hiệu ngoài khơi.
Theo đại tá Quốc, việc ngư dân kết thành tổ đội giúp lực lượng biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền về pháp luật biển, không xâm phạm vùng biển các nước khác, không tận diệt thủy sản. Đồng thời, ngư dân cũng góp phần giúp biên phòng bảo vệ an ninh và chủ quyền trên biển, giữ bình yên cho ngư trường.
... đến nghiệp đoàn nghề cá
Năm 2014, tổ đội tàu, thuyền lần đầu “kết duyên” với nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC). Lắng nghe ngư dân và bộ đội tâm tình, bà Nguyễn Thị Thu Vân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên - ví von: “NĐNC như cánh tay nối dài của tổ đội an toàn”. Bà Vân nhớ lại, đầu năm 2012, theo chủ trương của Tổng LĐLĐVN, Phú Yên thành lập NĐNC đầu tiên. Sau một thời gian hoạt động, bà Vân nhận thấy nghiệp đoàn thường xuyên tương tác với bộ đội biên phòng, nhiều thành viên của NĐNC cũng là thành viên của tổ đội an toàn. “Bản chất đều là hỗ trợ ngư dân, sao không liên kết” - bà Vân đặt vấn đề với Bộ đội Biên phòng TP.Tuy Hòa. Đầu năm 2014, lần đầu tiên một lễ kết nghĩa giữa các NĐNC TP.Tuy Hòa và các tổ đội tàu, thuyền ở đây diễn ra.
Đến nay, Phú Yên đã có 5 NĐNC với 649 đoàn viên gắn kết với 60 tổ tàu, thuyền an toàn với 2.098 thuyền viên. Một mặt phối hợp tuyên truyền pháp luật với bộ đội biên phòng, mặt khác, NĐNC chú tâm đến đời sống tinh thần, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ ngư dân và gia đình ngư dân gặp khó khăn. NĐNC cũng vận động chủ tàu dành ra một khoản nhỏ sau mỗi chuyến ra khơi để đóng góp vào quỹ hỗ trợ lao động trên biển. Theo bà Vân, NĐNC có nguồn lực lớn từ sự ủng hộ của nhân dân cả nước, đã chuyển đến ngư dân 7 tỉ đồng tiếp sức ngư dân trong những năm qua. “Ngư dân được bộ đội biên phòng và NĐNC quan tâm, giúp đỡ cảm thấy có trách nhiệm hơn trong những chuyến ra khơi, giúp đỡ nhau nhiều hơn và ý thức rằng khi ra khơi cũng là bảo vệ chủ quyền tổ quốc”.
Ngư dân Lê Văn Huệ - chủ tàu PY-92215 vừa bị hỏng máy khi đang hành nghề ở vùng biển Trường Sa - xúc động: “Tàu tôi chết máy được tàu anh Lĩnh kéo về, tôi đang làm hồ sơ xin tổ chức CĐ hỗ trợ để mua lại máy mới. Ra khơi lúc nào cũng nhiều bất trắc nhưng được sự hỗ trợ của anh em, của biên phòng và nghiệp đoàn sẽ giúp chúng tôi thêm vững vàng”.