Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 | 12:24

Xây dựng nông thôn mới

Duy trì và giữ vững tiêu chí “Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên” tại 20 xã điểm NTM

15/12/2014

Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là tiêu chí số 12 trong bộ tiêu chí Quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cũng là 1 trong 5 tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tại Quyết định số 342/QĐ-TTg, ngày 20/02/2013. Cụ thể: tiêu chí “Cơ cấu lao động” đã sửa đổi tên gọi thành tiêu chí “Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên”. Sửa đổi những quy định, nội dung của tiêu chí:

Tiêu chí cơ cấu lao động trước đây được quy định theo tỷ lệ lao động tối thiểu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nay được sửa đổi thành tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Đối với tiêu chí này, Quyết định 342/QĐ-TTg đã nêu rõ: chỉ tiêu chung và từng vùng phải đạt từ 90% số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên trở lên...Việc tiêu chí 12 được sửa đổi đã mở ra hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tế tại các xã điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng tại điều kiện để các xã điểm có thể triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. 
Kết quả đã cho thấy, sau 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay tất cả các xã điểm NTM của tỉnh giai đoạn 2011-2013 đã hoàn thành chương trình NTM trong đó, riêng tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt với kết quả cao: bình quân trên 92,5%. Điển hình có một số xã có tỷ lệ cao như: Đồng Thịnh: 97,5%; Tam Hợp: 94,7%; Hợp Thịnh: 94,5%...Đây thực sự một là con số ấn tượng phản ánh đúng đắn về bức tranh nông thôn mới tại 20 xã điểm nhìn từ khía cạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả tích cực đã đạt được từ tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chính là tiền đề góp phần hỗ trợ các địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí khó như: hộ nghèo, thu nhập, văn hóa… Tuy nhiên, một vấn đề luôn đặt ra và khiến cho các địa phương không khỏi lo lắng đó chính là việc duy trì và giữ vững được kết quả đã đạt được của tiêu chí 12 bởi đây luôn được xem là một tiêu chí “động” trong 19 tiêu chí NTM và là một tiêu chí “khó đạt và khó giữ”.
Xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch có tổng số trên 4.700 lao động trong độ tuổi. Trong đó, lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm trên 60%, số còn lại là lao động trong các ngành: công nghiệp, TTCN, dịch vụ, thương mại. Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Đảng ủy, UBND xã đã xác định: Để nâng cao được hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi khu vực nông thôn, trước hết cần tập trung chỉ đạo hướng dẫn, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng hóa từng bước nâng cao năng suất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển kinh tế đa ngành nghề, ngày càng có nhiều lao động trong độ tuổi trên địa bàn xã đã được tạo việc làm, có thu nhập, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2013 xã đã luôn quan tâm đến lĩnh vực đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân khu vực nông thôn. Trung bình mỗi năm trên địa bàn xã có từ 300-500 lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi trong người dân sinh sống 2 bên trục Quốc lộ 2C chạy qua địa bàn phát triển các ngành nghề TTCN, dịch vụ thương mại, qua đó thu hút nhiều lao động tham gia sản xuất. Góp phần giúp xã đạt được tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong chương trình xây dựng NTM là trên 92%. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn cho biết: Kết quả đã đạt trong việc thực hiện tiêu chí 12 được sẽ không thực sự đảm bảo nếu trong thời gian tới xã không có những giải pháp phù hợp để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Chính vì vậy, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua tiếp tục xây dựng NTM năm 2014 đến năm 2020. Trong đó, tập trung duy trì, củng cố hoàn chỉnh tất cả 19/19 tiêu chí đã đạt được. Riêng về tiêu chí 12, xã đã đặt mục tiêu cụ thể: phải duy trì và giữ vững tỷ lệ trên 92% số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Giải pháp trọng tâm được đưa ra là tập trung tuyên truyền, vận động khuyến khích các hộ gia đình có con em trong độ tuổi nếu không thi đỗ Đại học thì chuyển sang học nghề; tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề CN, TTCN, dịch vụ, thương mại nhằm thu hút và tạo việc làm cho lao động; khuyến khích người dân tiếp cận, nắm bắt các thông tin về dịch vụ xuất khẩu lao động nước ngoài và đi lao động trong nước... từng bước nâng cao cơ cấu, chất lượng lao động nông thôn góp phần duy trì và tỷ lệ số lượng lao động có việc làm thường xuyên.
Khác với xã Thái Hòa, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) lại là một trong những địa phương có lợi thế khi thực hiện tiêu chí 12 do xã nằm trong khu công nghiệp của huyện Bình xuyên nên có điều kiện về phát triển các ngành nghề TTCN, dịch vụ thương mại. Phần lớn người dân trong xã tham gia sản xuất, kinh doanh hoặc làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Bình Xuyên và các địa phương lân cận. Hầu hết số lao động trong độ tuổi trên địa bàn xã đều có việc làm ổn định. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt tiêu chí với trên 94,7%. Ông Tạ Văn Phòng, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn xác định Tiêu chí số 12 nói riêng và 19 tiêu chí NTM nói chung mà xã đã đạt được sẽ không được duy trì và giữ vững nếu không có những kế hoạch, giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững các tiêu chí theo đúng chương trình, đề án mà xã đã xây dựng. Chính vì vậy, xã đã tích cực triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm duy trì và giữ vững tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Cụ thể: Đẩy mạnh phát triển ngành nghề TTCN, thương mại dịch vụ nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các ngành nghề TTCN, dịch vụ. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động SXKD của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, qua đó một mặt giúp cho doanh nghiệp phát triển ổn định, mặt khác góp phần duy trì việc làm và thu nhập cho số lao động của địa phương đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành ở tỉnh và huyện để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giới thiệu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tìm giải pháp phát triển và mở rộng loại hình xuất khẩu lao động...  
Ghi nhận tại các xã điểm NTM khác cũng cho thấy: Việc duy trì và giữ vững các tiêu chí NTM có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững tiêu chí số 12, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở các xã điểm, thì rất cần sự hưởng ứng của mỗi người dân trong việc tự lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp với độ tuổi, trình độ tay nghề và sức khỏe của bản thân. Có như vậy, mới góp phần tạo việc làm lâu dài, ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động ở khu vực nông thôn. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất mà chương trình xây dựng NTM đã đề ra.
Ngô Tuấn Anh (Báo VP)

Tin cùng chuyên mục