TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT NĐNC VIỆT NAM: Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam hướng ra biển lớn, vì người lao động
02/06/2015
Đến nay, qua hơn một năm hoạt động đã phát triển thêm được trên 3.000 đoàn viên và hơn 700 tàu cá nâng tổng số đoàn viên lên thành 11.631 người và 2.948 tàu cá (trong đó chủ yếu là tàu có công suất lớn từ 400 CV trở lên). Ngay từ khi thành lập, NĐNC VN đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành, cấp ủy đảng và chính quyền các tỉnh, thành phố có biển và có thành lập NĐNC, và trên hết là sự kỳ vọng của hàng triệu ngư dân đang ngày đêm lao động, sản xuất trên biển, với nhiều khó khăn và thách thức trong công cuộc mưu sinh.
Ngày 01/5/2014, tình hình khu vực Biển Đông trở lên căng thẳng do hành động của phía Trung Quốc ngang nhiên kéo và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng hành trong những ngày người dân cả nước sục sôi phản đối những hành vi ngang ngược, thách thức dư luận của phía Trung Quốc, NĐNC VN đã nhiều lần tuyên bố phản đối hành động sai trái của phía Trung Quốc, đồng thời kêu gọi đoàn viên, ngư dân NĐNC cả nước tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác thủy hải sản trên vùng biển của Việt Nam; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động trên biển; kiên trì đấu tranh, tránh xung đột để không làm gia tăng căng thẳng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÍNH
Được xác định là một tổ chức công đoàn mang tính đặc thù nghề nghiệp, để tìm ra mô hình tổ chức, phương thức chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo hoạt động phù hợp với các quy định của tổ chức, thống nhất, có hiệu quả và mang tính bền vững, NĐNC VN đã chủ động làm việc với LĐLĐ các tỉnh, thành phố có NĐNC để thống nhất các biện pháp phối hợp chỉ đạo hoạt động các NĐNC cơ sở phù hợp với đặc thù địa phương và tính chất ngành nghề. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất mới, rất lớn chưa có tiền lệ nên rất cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, khoa học, phù hợp với thực tế và có tính dự báo phát triển trong tương lai.
Một số hoạt động cụ thể khác: (+) NĐNC VN đã chủ động, tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo, lấy ý kiến xây dựng và ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; tích cực tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ các trang thiết bị cấp cứu, y tế, tập huấn sơ cấp cứu trên biển, trang bị phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc…thông qua sự giúp đỡ của Bộ Y tế đã tặng 545 tủ thuốc và dụng cụ cấp cứu y tế cho NĐNC các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng; trích kinh phí hỗ trợ ra mắt các NĐNC, thăm hỏi đoàn viên trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, NĐNC VN đã phối hợp với Viện KHKT BHLĐ tổ chức 02 cuộc hội thảo về chuyên đề “Giải pháp thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trên các tàu khai thác thủy hải sản xa bờ” nhằm đánh giá, tìm ra những giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của đoàn viên NĐNC trong các chuyến khai thác thủy hải sản xa bờ. (+) Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật, duy trì và phát triển tổ chức nghiệp đoàn. Thông qua các hoạt động đã xuất hiện một số mô hình nghiệp đoàn cơ sở hoạt động có hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho đoàn viên, gắn bó đoàn viên với nghiệp đoàn như: NĐNC Cẩm Thủy (Quảng Ninh), NĐNC phường Nại Hiên Đông (Tp. Đà Nẵng), NĐNC huyện Thăng Bình (Quảng Nam)…
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRƯỚC MẮT VÀ CỦA NHIỆM KỲ I
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của NĐNC VN là chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội NĐNC VN lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trên cơ sở những bài học rút ra từ hoạt động thực tiễn để đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tổ chức, đáp ứng được sự kỳ vọng của đông đảo đoàn viên, ngư dân NĐNC cả nước; đồng thời bầu ra BCH khóa I đủ sức lãnh đạo tổ chức thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra. Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của một tổ chức công đoàn mang tính đặc thù nghề nghiệp như đã nói ở trên, trong thời gian sau đại hội NĐNC VN cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
- Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức và phương pháp hoạt động: cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể, chi tiết xác định vị trí, vai trò của NĐNC VN trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương bằng nhiều hình thức như: khảo sát, tổng kết những mô hình hoạt động, cách làm hay của NĐNC cơ sở cùng như của các LĐLĐ địa phương; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học, của lãnh đạo và cán bộ công đoàn các cấp, của các cán bộ chuyên môn về thủy sản, của các Hội, tổ chức nghề nghiệp có liên quan...Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc hoàn thiện mô hình tổ chức, biện pháp phối hợp chỉ đạo từ NĐNC VN đến NĐNC cơ sở.
Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị mang tính ổn định, lâu dài nên chăng cần có kiến nghị với Đảng và Nhà nước nghiên cứu có quy định về vị trí, vai trò của NĐNC cơ sở trong hệ thống chính trị ở địa phương như đối với Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ...
- Về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp: đề xuất với Đảng, Nhà nước có hướng dẫn đối với cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương có biển trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động cho các NĐNC trên địa bàn.
- Về sự phối hợp chỉ đạo hoạt động với LĐLĐ các tỉnh, thành phố: cần có sự bàn bạc, thống nhất với LĐLĐ các tỉnh, thành phố có NĐNC về phương thức phối hợp chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động của các NĐNC. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện việc ký kết quy chế phối hợp chỉ đạo hoạt động với LĐLĐ, quận, huyện, công đoàn ngành địa phương được giao chỉ đạo hoạt động các NĐNC cơ sở.
- Đối với các vấn đề tài chính: đây là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định đến hoạt động và sự tồn tại của NĐNC nên cần có những nghiên cứu, thống nhất tìm ra các biện pháp tạo nguồn thu phục vụ cho các hoạt động của nghiệp đoàn ngoài các nguồn thu đoàn phí, kinh phí nghiệp đoàn. Đối với những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hoạt động nếu vượt quá thẩm quyền cần có nghiên cứu, đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định riêng, đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế; hoặc có quy định về cơ chế tài chính đối với LĐLĐ quận, huyện, tỉnh, thành phố và Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trong việc trích, hỗ trợ kinh phí cho các NĐNC cơ sở từ nguồn thu kinh phí công đoàn.
Ngoài ra, cần đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép NĐNC VN và LĐLĐ các tỉnh, thành phố được kết nối trực tiếp với các nguồn quỹ xã hội, từ thiện thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam để có thêm kinh phí hỗ trợ đoàn viên và NĐNC cơ sở hoạt động.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng chuyên môn:
+ Đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ, của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố phối hợp với hệ thống NĐNC VN hỗ trợ đoàn viên, ngư dân và các NĐNC cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, của ngành trong khai thác, bảo quản, dịch vụ hậu cần nghề cá và thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
+ Xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng cục Thủy sản nhằm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc phát triển kinh tế kết hợp với giữ vững an ninh, quốc phòng trong chiến lược về biển, đảo quốc gia.
- Về quan hệ quốc tế: đẩy mạnh việc xây dựng quan hệ với các tổ chức nghề cá quốc tế cũng như trong khu vực để tiếp thu, học hỏi các kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động các NĐNC, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của NĐNC VN. Đồng thời tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức nghề cá quốc tế về tài chính và tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật của các quốc gia có thế mạnh về biển trong khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản, góp phần nâng cao giá trị thủy hải sản đối với ngư dân và đoàn viên NĐNC; gắn phát triển đi đôi với bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản đang dần cạn kiệt; hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, đoàn viên các NĐNC khi có tranh chấp xảy ra trên biển.