Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ luật Dân sự (Sửa đổi)
24/03/2015
Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Ngành, lãnh đạo các Ban, các đồng chí cán bộ, công chức, đoàn viên, người lao động.
Tại Hội nghị các đại biểu đã đóng góp ý kiến tập trung vào một số nội dung chính sau:
1. Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự. (Điều 19, 11, 12) Nội dung: dự thảo quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng; Tòa án căn cứ Nguyên tắc cơ bản của pháp luật, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, áp dụng tập quán và lẽ công bằng, để xem xét giải quyết. Đa số ý kiến đồng ý theo bộ luật dự thảo.
2. Về quyền nhân thân (từ điều 26 đến điều 51): Nhất trí như trong luật dự thảo
3. Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự
Một số ý kiến như sau:
- Quy định hộ gia đình là một chủ thể của quan hệ dân sự (theo Bộ luật Dân sự năm 2005), có sự bất cập, nảy sinh phức tạp trong đời sống xã hội, quản lý Nhà nước và làm khó khăn trong giải quyết tranh chấp có liên quan.
Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Các thành viên của hộ gia đình phải có quan hệ gia đình với nhau, đó là quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Đây là đặc điểm mang tính đặc trưng của chủ thể hộ gia đình để phân biệt với các chủ thể khác được quy định trong BLDS.
Do luôn có sự thay đổi, biến động về chủ thể, dẫn tới nhiều quy định về hộ gia đình, đặc biệt về chủ thể là không rõ ràng, tính khả thi thấp.
Với cách quy định như vậy, cùng với quy định về xác định thành viên không rõ ràng dẫn đến khó khăn khi xác định một thành viên của hộ gia đình khi nào xác lập giao dịch dân sự với tư cách cá nhân hay tư cách chủ hộ gia đình. Do đó, khó xác định trách nhiệm của thành viên hộ gia đình và hộ gia đình đối với người thứ 3 trong các giao dịch dân sự.
Đề nghị Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
1. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, có một số ý kiến về vấn đề này như:
- Về tính logic giữa các điều luật: Giữa khoản 2 (Điều 136) và khoản 1 (Điều 145) chưa có sự thống nhất về hậu quả của giao dịch không tuân thủ về hình thức.
- Về tính khả thi: Với những quy định hiện hành trong dự thảo về hình thức của giao dịch dân sự, nhà làm luật không có quy định cụ thể về những loại giao dịch có tính chất, đặc điểm gì thì phải tuân thủ quy định về hình thức và khi nào hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Các nhà làm luật đang đi theo hướng để cho người thực hiện luật phải tự “mày mò”, tìm kiếm và tự tổng kết chúng từ vô vàn các văn bản luật chuyên ngành như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai...
- Về sự cân đối và nhất quán trong ý tưởng thiết kế của điều luật: Khoản 1 (Điều 145) có quy định về 2 trường hợp ngoại lệ mà cho dù luật có quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch nhưng vẫn không bị vô hiệu.
- Về tính thực tế của điều luật: Việc yêu cầu hoàn tất về hình thức trong một thời gian hợp lý khi đã có tranh chấp ra Tòa thì yêu cầu hoàn tất là một phương án rất khó trở thành hiện thực bởi một khi đã tranh chấp thì nguyên đơn không bao giờ muốn hoàn tất thủ tục bởi ý định của họ muốn Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.
2. Về bảo vệ người thứ 3 ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu
3. Về hình thức sở hữu: Đa số ý kiến đồng ý với dự thảo là nên có 3 hính thức sở hữu đó là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.
4. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác: Đa số đồng ý như trong bộ luật dự thảo.
5. Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi: Đa số đồng ý với việc có thể điều chỉnh hợp đồng tùy theo hoàn cảnh, nếu các bên không tự điều chỉnh được thì tòa án có thể điều chỉnh hoặc chấm dứt hợp đồng.
6. Về lãi xuất trong hợp đồng vay tài sản: Đa số đồng ý nên có quy định trần lãi vay tài sản để tránh trường hợp cho vay nặng lãi.
7. Về thời hiệu
Điều 155 Bộ luật dân sự hiện hành quy định các loại thời hiệu sau: 1- Thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết dân sự (gọi chung là thời hiệu khởi kiện); 2- Thời hiệu hưởng quyền dân sự; 3- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Trong đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện hoặc yêu cầu tòa án giải quyết vụ, việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện hoặc mất quyền yêu cầu.
Dự thảo Bộ luật đề xuất quy định chung về thời hiệu (Điều 167 – 180) và thời hiệu thừa kế (Điều 646) theo hướng: cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định; hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu như quy định hiện hành, tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Đa số ý kiến nhất trí với quy định trong dự thảo Bộ luật vì quy định này là phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để tòa án bảo vệ các quyền dân sự của các tổ chức, cá nhân. Việc quy định thời hiệu khởi kiện như hiện hành chưa giúp giải quyết được một cách triệt để và dứt điểm các tranh chấp phát sinh.