Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Chủ nhật, 06/04/2025 | 13:21

Công đoàn Việt Nam

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 14 (khóa XII): Tích cực và dân chủ

30/06/2023

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, sáng nay (30/6), Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khoá XII) đã thành công tốt đẹp, với nhiều ý kiến đóng góp xác đáng từ các đại biểu và sự tiếp thu kịp thời của Đoàn Chủ tịch.

Tổ thư ký ghi nhận 136 lượt ý kiến phát biểu tại thảo luận tổ và 2 ý kiến phát biểu tại hội trường. Hầu hết các ý kiến đều cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo văn bản của Đoàn Chủ tịch trình Ban Chấp hành, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong các tờ trình, báo cáo.

Đoàn Chủ tịch đã có báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu dự hội nghị để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn cũng đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hiện các chương trình hành động thực hiện 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhất là kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, nghiên cứu bổ sung các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.


Tại Hội nghị, Ban Chấp hành đã nhất trí về việc 05 đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII), đồng thời đã bầu bổ sung 03 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận, từ nay đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thời gian không còn nhiều, khối lượng công việc phải triển khai rất lớn đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn có nhiều khó khăn. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội công đoàn các cấp ở đơn vị, địa phương, cụm phụ trách đảm bảo tiến độ, yêu cầu theo Chỉ thị 13 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch 179 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Nhiệm vụ trước mắt là tập trung hoàn thành đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đại hội điểm các tỉnh, ngành và chuẩn bị các điều kiện tổ chức thành công Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, thành, ngành, trong đó cần quan tâm các nội dung về văn kiện trình tại đại hội; công tác nhân sự; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tạo sự lan tỏa tích cực trong các cấp công đoàn, trong đoàn viên, người lao động và toàn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu góp ý một cách nghiêm túc, có chất lượng các văn bản quan trọng của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam như: Báo cáo chính trị, Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung)…; sau Đại hội khẩn trương xây dựng kế hoạch, tập trung tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết và quyết liệt triển khai đưa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp vào thực tiễn.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của công đoàn các cấp là chủ động nắm chắc tình hình về quan hệ lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng, nhất là tại thời điểm diễn ra đại hội công đoàn, dịp Tết, cuối năm. Đồng thời, cần tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người lao động, nhất là trong bối cảnh tình hình doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục còn khó khăn.

Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị 05 và Kết luận của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam còn nhấn mạnh nhiệm vụ: "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trách nhiệm thực hiện của các cấp công đoàn, nhất là vấn đề tài chính ở công đoàn cơ sở. Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào hoạt động công đoàn. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn".

Đối với nhiệm vụ "sống còn" của công đoàn, cũng là chủ đề hoạt động năm 2023 là "Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu, để đạt mục tiêu có 12 triệu đoàn viên vào cuối năm 2023, các ban chỉ đạo, chủ tịch Công đoàn các tỉnh, ngành cần thực hiện những giải pháp cụ thể, khả thi, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tin cùng chuyên mục