Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Chủ nhật, 06/04/2025 | 16:25

Tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo

Người con ở mảnh đất trũng

08/09/2011

Ở con người chị ánh lên từ đôi mắt sâu thẳm là cả một niềm trăn trở khát khao cháy bỏng đó là phải làm gì để giúp nông dân đỡ khổ, không phải vất vả cực nhọc trên đồng ruộng mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những cải tiến…

     Trên mảnh đất đồng chiêm trũng Hà Nam, kỹ sư nông nghiệp Ngô Thị Thúy Trinh đã trở thành hình ảnh quen thuộc của nhiều bà con nông dân, bởi chị là người đem đến cho họ nhiều kinh nghiệm hay và những lợi ích lớn trong trồng trọt từ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nên chị được ví như “Người con của đất đồng chiêm”.

      Với ước muốn giúp bà con sản xuất đạt hiệu quả cao trong trồng trọt cộng với yêu cầu từ thực tiễn và kinh nghiệm lâu năm trong nghề đã trở thành động lực, điều kiện giúp chị có những đột phá về cải tạo kỹ thuật cho bà con áp dụng. Theo chị để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cần coi tiến bộ kỹ thuật là khâu then chốt cần được chú trọng áp dụng và phát triển để nền nông nghiệp tỉnh nhà không bị lạc hậu. Đồng thời phát triển tiến bộ kỹ thuật phải tiến hành song song hai vấn đề: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và cải tiến những kỹ thuật đã lỗi thời lạc hậu sao cho phù hợp với sản xuất hiện tại, mang lại hiệu quả nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Chị Trinh tâm sự: Để cải thiện cuộc sống nông thôn bằng cách đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không đơn giản vì phải thay đổi nhiều vấn đề, gồm tư duy nhận thức của nông dân, tập quán làm ăn, kỹ thuật canh tác bản địa và việc tuyên truyền các tiến bộ kỹ thuật mới để nông dân áp dụng mới hy vọng thành công.

      Đối với Hà Nam, trong trồng trọt, cây lúa giữ vị trí quan trọng và chủ chốt, nên nhiều năm qua chị luôn quan tâm cải tiến kỹ thuật để cây lúa tăng năng suất và chất lượng. Từ những năm 2000 chị đã tiên phong cùng Trung tâm sản xuất lúa lai F1 để đột phá về năng suất lúa, tuy gặp nhiều vất vả khó khăn như phụ thuộc vào thời tiết, mọi khâu kỹ thuật phải dựa vào chuyên gia Trung Quốc chi phí lên tới 22 - 25 triệu đồng/ha, nhưng do nhận thức được tiềm năng năng suất của lúa lai rất cao nếu biết khai thác, chị quyết tâm cùng Trung tâm mọi cách phải duy trì và mở rộng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1. Từ lý thuyết và thực tế chị đã nghiên cứu lần lượt cải tiến các khâu kỹ thuật trong sản xuất lúa lai F1: cải tiến lần 1 gieo mạ từ siêu thưa sang dày xúc giúp chi phí giảm còn 14 - 15 triệu đồng/ha; cải tiến lần 2 từ làm mạ dày xúc sang gieo thẳng với chi phí giảm còn 10-12 triệu đồng/ha. Nhờ có kỹ thuật mới này diện tích sản xuất lúa lai F1 từ năm 2000 - 2007 đã phát triển khoảng 730ha, làm lợi cho nông dân với số tiền hơn 3 tỷ 4 trăm triệu đồng/370ha. Gieo mạ theo phương pháp cải tiến giúp duy trì diện tích sản xuất hạt lai hàng năm đạt 80-100ha, năng suất ổn định và tăng từ 10-12% so với phương pháp cũ. Qua kiểm nghiệm của Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương đã xác nhận chất lượng hạt giống đảm bảo đúng tiêu chuẩn quốc gia để lưu hành giống trong sản xuất đại trà. Đây là một thành công lớn mà người con đất đồng chiêm mang lại cho tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó chị còn tuyên truyền nông dân tích cực áp dụng bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa, giúp giảm từ 30-50% lượng phân đạm mà năng suất vẫn đạt bình quân từ 65-70 tạ/ha mà không phải phun thuốc BVTV. Năm 2007 chị tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật gieo thẳng của Miền Nam cho phù hợp với đồng đất tỉnh mình và xây dựng mô hình gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng cho kết quả cao để tuyên truyền sâu rộng tới bà con. Từ 30ha (2007) đến nay đã mở rộng diện tích lớn hàng nghìn hec ta/vụ/năm, giúp bà con giảm chi phí, giảm công lao động, nhất là áp lực thời vụ. Hướng dẫn và cùng nông dân xây dựng mô hình trồng ngô, đậu tương gốc rạ và năm 2009 đã mở rộng trên 10ha trồng ngô gốc rạ giúp bà con tiết kiệm công làm đất, phân bón, năng suất ngô cao hơn phương pháp cũ, có tính thuyết phục cao và sức tuyên truyền rộng, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng.

Người bạn của nông dân…

      Sinh năm 1957, ngay từ khi còn trẻ chị Trinh đã sớm nhận thức nền nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng nòng cốt, không những cần phải có kinh nghiệm của địa phương mà đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật mới mang tính khoa học, phù hợp với thời cuộc, đem lại hiệu quả đích thực cho nông dân. Sau khhi tốt nghiệp Đại học nông nghiệp chị vào làm việc tại Trung tâm khuyến nông Hà Nam, sẵn có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại xã lại chịu khó ham học hỏi, chị trở thành một trong những người chủ chốt của đơn vị trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến bà con nông dân. Bản thân chị luôn mong muốn làm được những việc mang lại lợi ích cho nông dân, nên sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần để tư vấn kỹ thuật, hay đó chỉ là những lời khuyến khích, động viên.

\\"\\"

Chị Ngô Thị Thuý Trinh đang giới thiệu giống lúa mới tại Hội nghị đầu bờ tại xã Bồ Đề - Huyện Bình Lục - Tỉnh Hà Nam (Chị Trinh - Người cầm loa)

      Do đặc thù của nghề khuyến nông, chị đã không quản thời gian sớm tối và thời tiết nắng mưa về với bà con để thực hiện vai trò trách nhiệm của một người kỹ sư đem theo lòng nhiệt tình tâm huyết. Da chị sạm đi cũng vì gió vì nắng để ngày ngày về với nông dân. Có lẽ không một địa phương nào trên mảnh đất Hà Nam lại không mang dấu chân của chị và chẳng biết từ khi nào chị Trinh trở thành người bạn thân thiết tin cậy của nhà nông. Nhờ có sự hoà đồng gần gũi, chị luôn nắm bắt sát thực tình hình cơ sở, tâm tư nguyện vọng của bà con để đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp, nên chị được bà con tin tưởng yêu quý. Được sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Tỉnh, với cương vị Trưởng phòng kỹ thuật chị phối kết hợp nhịp nhàng với các anh em trong đơn vị để thực hiện các công việc: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình mới, tư vấn dịch vụ, tuyên truyền các giống cây, con mới… Khi xuống cơ sở đặt mình trong hoàn cảnh là người nông dân nhằm mục đích hoà nhập với họ tìm hiểu những công việc, sự khó khăn vướng mắc, tập quán trình độ canh tác, xem họ nghĩ gì, cần gì cho sản xuất, nghĩa là nên sống và làm việc cùng nỗi vất vả của nông dân thì mới hiểu được hết về họ.

      Hàng năm chị cùng Trung tâm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật về các lĩnh vực trong trồng trọt như: kỹ thuật thâm canh cây trồng, cách sử dụng phân bón hợp lý, phòng trừ sâu bệnh hại… Nhiều mô hình trồng trọt như lúa chất lượng, ngô lai, cây hàng hoá dưa chuột, dưa bao tử xuất khẩu, cà chua, đậu tương nhờ có sự vận động tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật của chị đã mang lại thành công cho hiệu quả kinh tế cao. Những lần đi cơ sở với chị mới cảm nhận hết được sự nhiệt tình ở con người chị, trên chiếc xe máy chị có thể đi đến mọi nơi mọi lúc đang cần có sự giúp đỡ về kỹ thuật. Nơi được tổ chức tập huấn là những địa điểm dân dã đơn sơ như nhà văn hoá thôn; xã,  đình làng, thậm chí tập trung bà con tại một nhà dân nào đó. Với phương pháp tập huấn thân mật gần gũi, giữa chị với bà con nông dân dường như không có sự khoảng cách, thường trao đổi một cách sôi nổi hào hứng, giúp dân vỡ vạc nhiều vấn đề, dân tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới từ chị và ngược lại chị cũng học được rất nhiều kinh nghiệm từ nông dân các địa phương. Trong việc xây dựng một tiến bộ kỹ thuật hay một mô hình mới chị thường xem xét liệu có phù  hợp với điều kiện của bà con không; khi làm họ được gì mất gì nếu rủi ro xảy ra; tận dụng các hộ nông dân ham hiểu biết dám nghĩ dám làm để công việc tăng tính hiệu quả; xây dựng mô hình với diện tích nhỏ trong khả năng mình có thể tự đền bù nếu rủi ro xảy ra. Theo chị điều quan trọng  quyết định nhất là phải có kiến thức cơ sở vững vàng để phân tích các quy trình kỹ thuật, tham khảo tài liệu tin cậy, tìm hiểu kinh nghiệm của những nơi đã làm trước nếu có. Nếu có thất bại phải tìm nguyên nhân để khắc phục.

      Từ những việc làm và các sáng kiến của mình, chị Trinh trong nhiều năm qua luôn là tấm gương sáng được coi là vị trí xương sống về trình độ và kinh nghiệm kỹ thuật trồng trọt để mọi người trong đơn vị học tập làm theo.

Tin cùng chuyên mục