Một mô hình hay: tạo nguồn kinh phí hoạt động cho nghiệp đoàn nghề cá cơ sở
17/12/2014
Nghĩa An, một xã ven biển của huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một địa danh gắn liền với những ký ức bi thương của cơn bão Chan Chu năm 2006 với hàng chục ngư dân là trụ cột gia đình đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển khơi, để lại nhiều nỗi đau, mất mát cho những người ở lại.
Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An được thành lập từ cuối năm 2012 và đi vào hoạt động ổn định, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn; gắn kết đoàn viên với nghiệp đoàn; nâng cao vị thế của tổ chức nghiệp đoàn với cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên, một khó khăn chung của các nghiệp đoàn nghề cá là: do đặc thù của nghề nghiệp nên việc thu và tạo kinh phí theo quy định rất khó khăn, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì hoạt động của nghiệp đoàn. Căn cứ điều kiện thực tế và quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, ban chấp hành nghiệp đoàn đã bàn và đi đến thống nhất với phương án thu đoàn phí ở mức 10 nghìn đồng/người/tháng (120 nghìn đồng/người/năm), đồng thời vận động các chủ tàu là đoàn viên đóng góp tối thiểu 300 nghìn đồng/tàu/năm; số tiền thu được cộng với nguồn kinh phí ủng hộ, hỗ trợ từ công đoàn cấp trên, từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được trên 300 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, ban chấp hành đã thống nhất trích trên 100 triệu đồng cho đoàn viên là các chủ tàu được vay mỗi người từ 20 đến 30 triệu đồng, mức lãi suất bằng tiền là 150 nghìn đồng/10 triệu đồng vốn vay/kỳ hạn để hỗ trợ tiền mua sắm vật tư trước mỗi chuyến biển; thời hạn vay tối đa là 06 tháng phải trả cả gốc và lãi (ngoài mục đích là thu hồi vốn vay thì mục đích chính là để kiểm tra và đánh giá hiệu quả của vốn vay). Số tiền cho vay tuy không lớn nhưng đã thể hiện rõ tính tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau trong tổ chức nghiệp đoàn, gắn kết chủ tàu, người lao động với nghiệp đoàn, giữa người lao động với nhau…
Nguồn kinh phí thu được từ lãi cho vay tuy không nhiều nhưng đã hỗ trợ một phần cho các hoạt động thường xuyên của nghiệp đoàn như: hỗ trợ phụ cấp cho ủy viên ban chấp hành, thăm hỏi đoàn viên và gia đình khi ốm đau hoặc khi có hữu sự. Đây chỉ là một trong những hoạt động rất có hiệu quả của nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An, được đoàn viên nghiệp đoàn và chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, cần được nghiên cứu, kết hợp với các mô hình hoạt động có hiệu quả khác để triển khai nhân rộng ra các nghiệp đoàn nghề cá cả nước, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động và gắn kết đoàn viên với nghiệp đoàn ngày càng chặt chẽ hơn. Từ những hoạt động này, sau hai năm thành lập, đến nay Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An đã kết nạp thêm được hàng trăm đoàn viên và tàu cá vào nghiệp đoàn nâng tổng số đoàn viên lên 629 và 113 tàu cá.