Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Chủ nhật, 06/04/2025 | 16:27

Tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo

Nông trường Đăk Ngo - Mảnh đất vùng biên cương

08/09/2011

Ai đã một lần đến với Nông trường Đăk Ngo, thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Đăk Nông - Tổng công ty Cà phê Việt Nam (xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, phía Bắc có biên giới với Campuchia), chắc đều nhớ mãi về một vùng đất của cây cà phê, của những người công nhân nông trường, của người dân nơi đây.

      Có đến đây mới hiểu cuộc sống và đồng cảm với họ. Một vùng đất còn nhiều sự khó khăn vất vả, thiếu thốn. Đi từ Quốc lộ 14 vào đến Nông trường chỉ khoảng 20 km nhưng chiếc ôtô 2 cầu của công ty đi mất gần 2 giờ đồng hồ. Vào những ngày mưa, không một chiếc ôtô 1 cầu 4 chỗ nào có thể đi qua được đoạn đường này. Nhiều đoạn chiếc ôtô 2 cầu bị trơn trượt, hoàn toàn mất lái, tự trôi. Ngồi trên xe, chúng tôi có lúc trộm nghĩ nếu trôi một đoạn ngắn nữa không biết sẽ thế nào vì hai bên đường là những vực khá sâu. Vào những ngày trời không mưa thì khá hơn, không bị trơn trượt nhưng những ổ trâu, ổ voi... làm cho ôtô gầm thấp cũng không thể qua lại được. Độc đáo là những chiếc xe máy, bà con phải mặc “áo giáp” cho bánh xe mới có thể bò qua được đoạn đường này (áo giáp làm bằng những chiếc xích cam cũ của xe máy, quấn quanh bánh xe đế lốp bám xuống mặt đường, giảm trơn trượt).
      Nông trường Cà phê Đăk Ngo thành lập từ năm 1959, thuộc Công ty Cà phê 719. Năm 2005 sát nhập với Nông trường Cà phê Đức Tín thuộc Công ty Cà phê Việt Thắng, và Công ty Vật tư Cà phê Tây Nguyên thành Công ty Cà phê Đăk Nông. Vùng đất này trước đây bạt ngàn là rừng, nhưng rồi đã chặt phá không thương tiếc đến bây giờ chỉ còn lại những cánh rừng thưa thớt. Đất ở đây chủ yếu là trồng cà phê, một số ít trồng điều. Cuộc sống nơi đây rất lạc hậu, cho đến tận bây giờ nhiều nơi vẫn chưa có Bon (như thôn ở đồng bằng). Trước đây, Nông trường Đăk Ngo có 1500 ha đất tự nhiên, sản xuất không hiệu quả, quản lý rất khó khăn, sau đó đã giao lại cho địa phương 720 ha, hiện còn 780 ha với 130 ha trồng cà phê và điều, 300 ha trồng các loại cây khác để giảm rủi ro. Diện tích đất trên nông trường đã khoán cho người công nhân để họ tự chủ. Công nhân là những lao động từ một số tỉnh lân cận đến, có cả những người từ miền Bắc vào, nhận đất khoán và lập thành những khu dân cư. Tuy vậy, với trách nhiệm của mình, Nông trường vẫn đầu tư mua giống, phân bón, kéo điện về cho bà con dùng, thậm chí còn trả tiền điện cho từng nhà. Đến nay tổng số nợ tiền điện của công nhân Nông trường lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy đã có đường, nhưng chỉ là đường cấp phối, chất lượng thấp nên giao thông rất khó khăn nhất là vào mùa mưa. Chính vì giao thông khó khăn nên cuộc sống của những công nhân Nông trường càng khó khăn gấp bội. Tiền công lao động đã thấp mà giá cả hàng hoá, đồ dùng thiết yếu lại cao hơn ngoài quốc lộ từ 30 đến 50% do phải vận chuyển qua một đoạn đường khó khăn nên giá cả hàng hoá đắt đỏ như vậy cũng là điều dễ hiểu. Hàng năm, Công ty đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa đường nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp như vậy thì cũng chỉ vá được những ổ voi, ổ trâu, rãnh sâu do mưa, nước chảy xiết tạo thành. Ở đây là vùng giáp ranh giữa 2 huyện khác nhau nên việc quan tâm, đầu tư cũng hạn chế. Nông trường có 290 lao động, do trường học ở quá xa, không thể hàng ngày đưa các cháu đi học trên quãng đường mấy chục cây số lầy lội như vậy, nên nhiều công nhân đã phải chọn giải pháp cực chẳng đã, đó là gửi con về sống với ông, bà ở các tỉnh, huyện khác để các cháu đi học. Rồi, nhớ con không chịu được, dăm bữa, nửa tháng bố, mẹ lại về thăm các cháu, có được chút đồng lương nào lại chi phí tàu xe, dọc đường hết. Anh Lê Quốc Minh - Bảo vệ Nông trường là người như vậy, vợ chồng anh có 2 cháu đều phải gửi về Đăc Lắc để ông bà cho đi học, cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo, mà bố mẹ, con cái vẫn phải xa nhau. Rồi tương lai của một thế hệ nữa ra sao, luẩn quẩn với cuộc sống như vậy, cộng với mất mùa cà phê nhiều lao động đã bỏ việc về quê hoặc đi làm ăn ở những vùng đất khác. Do vậy, Nông trường phải đi tìm người lao động tại địa phương để giao khoán đất. Người lao động tại địa phương do tập tục cũ họ chỉ làm ăn cầm chừng, bao giờ thiếu đói họ lại làm tiếp. Cuộc sống cứ thế không giàu có, sáng sủa lên được.
      Đã có thời gian người lao động nợ sản phẩm của Nông trường rất nhiều, tài sản trong nhà không có gì giá trị để trả. Nhưng Công ty vẫn tiếp tục cho nợ, động viên người lao động gắn bó với Công ty vượt qua thời điểm khó khăn. Vì nếu không cho người lao động nợ để sản xuất, họ lại bỏ đi thì khó có thể tìm ra lao động khác. Nếu dân không trả được thì đuổi thì dân đi đâu. Nếu dân đi thì còn ai đứng ra mà giữ những mảnh đất sát vùng biên này của tổ quốc.
     Thế mới thấy bài toán khai thác hiệu quả đất đai thật khó biết nhường nào. Làm ra được cà phê đã khó, tiêu thụ khó khăn cũng chẳng kém. Từ giống, phân bón, đến sản phẩm phải vận chuyển đi qua mấy chục km đường khó khăn nên giá thành cao, rất khó cạnh tranh. Với những chi phí đội lên như vậy thì số tiền lãi của người sản xuất hầu không có, thậm chí là bị lỗ. Công ty Cà phê TNHH MTV Đăk Nông còn có những lao động liên kết. Lao động liên kết là những lao động được thoả thuận giữa nông trường và người lao động trong đó người lao động được giao đất, nông trường lo giống, phân bón. Người lao động bỏ công lao động và nộp một số sản phảm cho nông trường. Phần chênh lệch sản phẩm người lao động được hưởng.
      Đời sống vật chất đã khó khăn như vậy, đời sống tinh thần cũng rất thiếu thốn. Công đoàn và lãnh đạo công ty, lâm trường đã cố gắng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để động viên người lao động. Những buổi tổ chức thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ của Công đoàn Công ty, của Nông trường không những được Nông trường mà cả người dân địa phương chờ đợi. Các hoạt động này phần nào bù đắp được đời sống tinh thần khôn ở vùng khó khăn này. Cán bộ, công nhân Nông trường và người dân địa phương cùng vui chung với những đêm văn nghệ, cuộc thi đấu thể thao. Nông trường còn kết nghĩa với các Bon, tổ chức thi lao động giỏi.
      Để có được sự phát triển cho một vùng đất như Đăk Ngo thật khó có thể đơn thuần tính bằng hiệu quả đầu tư trước mắt. Sự phát triển ở đây khó có thể tính bằng tiền đầu tư của Nông trường và người dân. Phát triển được sản xuất ở đây là là phát triển tất cả các mặt của xa hội. Đối với các doanh nghiệp không thể tính lãi. Làm được một cân cà phê ở đây giá thành sẽ cao hơn ở các vùng đất khác. Phải chi phí cho vận chuyển giống, phân từ tháng 3 đến tháng 7, tháng 8 mới bán được. Phải bán chịu cho bà con cho nên giá phân rất cao. Tuy vậy, người lao động vẫn phải chịu mua đắt vì chẳng còn cách nào khác. Sản phẩm cà phê làm ra cũng thế. Đất ở đây trồng cà phê chỉ cho năng suất 1,8 tấn/ha, do phân đắt lên bón ít, bón ít thì năng suất thấp. Nước tưới xa. Có những đồi phải bơm nước từ cách xa mấy cấy số. Trong khi đó ở những vùng đất tốt, thuận lợi năng suất có thể đạt 4 đến 5 tấn/ha.
      Hiện tại Công ty còn có những thửa đất rất cần người lao động để sản xuất. Những người có vốn, có khả năng vươn lên thì họ đã bỏ đi nơi khác, chỉ còn lại những người lao động nghèo, không có vốn, khả năng lao động và vươn lên kém họ đành chịu ở lại. Có nơi mất mùa đến 4 vụ nhưng bà con vẫn tiếp tục bám trụ hy vọng vào những vụ sau tốt hơn và cơ sở hạ tầng được cải tạo. Nếu không có chính sách ưu tiên cho lao động nghèo vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, cấp đất, hỗ trợ làm nhà, sửa đường, làm nhà trẻ, kéo điện, thậm chí hỗ trợ cả tiền điện cho bà con thì không những không giữ được cán bộ, mà người lao động cũng bỏ đi hết. Những hỗ trợ này chỉ có bắt nguồn từ chính sách áp dụng cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đặc thù của Nhà nước thì mới có thể giúp cho doanh nghiệp đứng vững được. Công ty Cà phê Đăk Nông đã xây dựng phương án đặc thù, nhưng thưc hiện được cũng là một bài toán khó.

Tin cùng chuyên mục