Chị niềm nở ra đón chúng tôi như đón người thân trở về quê, chúng tôi theo chị đi xem nhà trồng nấm vừa đi vừa giới thiệu và chị tâm sự những ngày đầu khởi nghiệp chị chỉ dám vay 8 triệu đồng vốn của ngân hàng và giành 200m2 để trồng nấm rơm. Sau đó chị vay thêm vốn của Hội phụ nữ xã, có thêm vốn chị dựng lán trại nuôi nấm, chị đến Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật học kỹ thuật trồng nấm. Sản xuất nấm là một trong những nghề rất phù hợp với nông nghiệp, nông thôn ở nước ta, nguyên liệu sản xuất nấm được tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có và sức lao động tại chỗ trong thời gian nông nhàn. Phế thải sau thu hoạch nấm chuyển sang làm phân hữu cơ rất tốt cho đồng ruộng, góp phần cải tạo đất và tăng năng suất thu hoạch đối với cây trồng. Tuy nhiên nấm đòi hỏi một quy trình kỹ thuật công nghệ khá nghiêm ngặt từ việc chọn mua, xử lý nguyên liệu đến các công đoạn đóng bao, chọn giống, chăm sóc rồi đến thu hoạch, bảo quản đều phải theo hướng dẫn của nhà kỹ thuật và quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ.
Khi có lãi chị lại mạnh dạn đầu tư thêm cơ sở vật chất, vay thêm vốn ngân hàng mở rộng diện tích trồng thêm các loại nấm khác như nấm sò; nấm mỡ, đến nay tổng diện tích trồng nấm đã lên tới 600m2. Càng làm chị càng say mê càng có nhiều kinh nghiệm, mỗi năm gia đình chị có thể trồng được 3 vụ nấm, mỗi vụ thích hợp với một loại nấm khác nhau. Doanh thu mỗi năm một cao năm 2006 là 80 triệu đồng, năm 2007 là175 triệu đồng, năm 2008 là 250 triệu đồng, năm 2009 là 300 triệu đồng, chị Thiện cho biết cứ bỏ ra một đồng vốn thì thu được một đồng tiền lãi. Cơ sở sản xuất của gia đình chị thường xuyên có từ 12 đến 15 lao động, đến nay chị đã hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho 10 hộ trong xã, các hộ đã bắt đầu có thu nhập thêm từ nghề phụ trồng nấm ăn, chị không những hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho bà con mà còn bao tiêu sản phẩm, thu mua nấm tại chỗ. Từ một mảnh đất Sóc Sơn được mệnh danh là khô cằn, sỏi đá nhưng ngay trên mảnh đất này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, đã làm giàu cho chính mình và làm giàu cho bà con làng xóm, tiêu biểu là mô hình trồng nấm của gia đình chị Đào Thị Thiện, từ một phụ nữ nông dân cần cù với bản tính thật thà chất phác nay chị Thiện đã trở thành bà chủ của một cơ sở trồng nấm có ưu tín của bà con xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn ngoại ô Thành phố Hà Nội. Chị chia tay chúng tôi với nụ cười tự tin, vui vẻ và hạnh phúc khi những cố gắng, nỗ lực bao năm của mình đã trở thành hiện thực.