Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ năm, 03/04/2025 | 16:24

Nghiên cứu – Trao đổi

Đổi mới tổ chức và hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam trong tình hình mới

03/11/2022

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; việc cho phép thành lập tổ chức công đoàn của người lao động tại doanh nghiệp, đặt ra cho tổ chức Công đoàn là phải tiếp tục đổi mới và đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”. Nghị quyết ra đời thể hiện sự quan tâm kịp thời

Trải qua 8 năm hình thành và phát triển (thành lập tháng 6/2014), Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã dần khẳng định được vai trò là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và lao động nghề cá trên biển, góp phần phát triển và xây dựng nghề cá Việt Nam hiện đại, ổn định, bền vững, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam có 90 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 18.000 đoàn viên và 5.239 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên.

Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã chủ động xây dựng, ký kết văn bản phối hợp công tác với Tổng cục Thủy sản, Liên đoàn lao động các tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp của một số nghiệp đoàn nghề cá cơ sở; kịp thời ban hành các văn bản phản đối việc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của nước ngoài; phản đối các hành vi cản trở, xua đuổi, tấn công, bắt giữ người, cướp phá ngư lưới cụ, tài sản của đoàn viên, ngư dân; kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước có biện pháp bảo vệ đoàn viên, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản khu vực biển xa; xây dựng sổ tay, tuyên truyền phổ biến pháp luật; phối hợp hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài nước xây nhà tình nghĩa, trao tặng cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc y tế… cho các tàu cá khai thác hải sản trên biển; hỗ trợ cơ sở vật chất; trang bị máy ICOM cho các Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa...

Nghiệp đoàn nghề cá các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố có Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tổ chức tập huấn, tuyên truyền 320 đợt với 22.316 lượt người tham gia, trong đó Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam phối hợp tổ chức 70 cuộc cho 6.316 người về chính sách, pháp luật của Nhà nước về thủy sản, vận động đoàn viên, chủ tàu cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); xây dựng nhà tình nghĩa 75 căn (trị giá 2,026 tỉ đồng); hỗ trợ, trao quà tổng số tiền khoảng 35 tỉ đồng; trao 14.470 lá cờ Tổ quốc; xây 2 trường học (trị giá 9 tỉ đồng); xây dựng 18 trạm bờ (trị giá 4,8 tỉ đồng); kịp thời hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ cho hàng chục tàu bị chìm,…


Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế:

Thứ nhất: Công tác thông tin, báo cáo hai chiều giữa Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở với Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam còn chưa kịp thời, nhiều trường hợp đoàn viên, ngư dân gặp nạn, rủi ro trong quá trình khai thác vẫn chưa kịp thời nhận được sự hỗ trợ, thăm hỏi động viên. Công tác truyền thông đưa tin về các gương điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá tiêu biểu còn hạn chế.

Thứ hai: Mô hình tổ chức của Nghiệp đoàn nghề cá chưa hoàn thiện, xuyên suốt dẫn đến việc thành lập, giải thể, chỉ đạo hoạt động còn chưa kịp thời.

Thứ ba: Chưa có cơ chế, chính sách của nhà nước hỗ trợ cho hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá (địa điểm, phòng làm việc, trang thiết bị phương tiện làm việc: chủ yếu sinh hoạt, hội họp tại tư gia Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở).

Thứ tư: Nguồn lực, đặc biệt là kinh phí hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá phụ thuộc toàn bộ vào kinh phí của Công đoàn cấp trên cấp nên rất khó khăn, hạn chế. Việc thu đoàn phí của đoàn viên Nghiệp đoàn gặp rất nhiều khó khăn (trung bình 10.000đ/ĐV/tháng) không đủ chi phụ cấp cho cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá; gần như hoạt động phụ thuộc toàn bộ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và xã hội (nơi nào chính quyền địa phương quan tâm, hoạt động nghiệp đoàn nghề cá có nhiều thuận lợi, nơi nào không được quan tâm thì gặp rất nhiều khó khăn).

Thứ năm: Trình độ, năng lực chuyên môn, phương pháp, kỹ năng hoạt động của một số cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở còn hạn chế. Ban Chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở100% là kiêm nhiệm, trình độ thấp, lao động tự do nên không có sự ràng buộc về pháp lý.

Thứ sáu: Việc liên kết, hỗ trợ nhau trong khai thác, tiêu thụ hải sản, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển còn có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ tàu và thuyền viên chưa được quan tâm giải quyết, chưa thực hiện được ký kết hợp động lao động… làm phát sinh mâu thuẫn, lao động nghề cá không ổn định, thậm chí gây mất an ninh trật tự.

Dự báo thời gian tới ngành khai thác thủy sản trên biển gặp phải nhiều khó khăn thách thức như: nguồn lợi thủy sản suy giảm, cường lực khai thác vượt quá sản lượng cho phép khai thác không đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành; Tổ chức sản xuất khai thác mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tự phát chưa có sự liên kết và hợp tác trong sản xuất; Công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu lạc hậu, chậm đổi mới, tổn thất sau thu hoạch lớn, hiệu quả sản xuất thấp; tai nạn tàu cá dẫn đến thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra; bên cạnh đó thiên tai, bão tố, va chạm hàng hải luôn tiềm ẩn rủi rosẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của đoàn viên nghiệp đoàn và lao động nghề cá trên biển; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của đội ngũ lao động phải ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, trong khi đó chất lượng lao động thuỷ sản trên biển còn nhiều hạn chế; công tác xây dựng tổ chức, cán bộ nghiệp đoàn nghề cá còn nhiều bất cập.


Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”, thời gian tới Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Cụ thể hoá vào hoạt động nghiệp đoàn cho thật phù hợp, sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về thủy sản, vận động đoàn viên, chủ tàu cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); kịp thời thông tin hai chiều, truyền thông về hoạt động của nghiệp đoàn.

3. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, để người lao động thấy rõ quyền, lợi ích khi gia nhập tổ chức công đoàn. Tăng cường phối hợp với Liên đoàn lao động các địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp đoàn nghề cá cơ sở đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, ngang tầm nhiệm vụ.

4. Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc; đồng thời phối hợp nghiên cứu, đề xuất những chế độ, chính sách đối với nghiệp đoàn, đoàn viên, người lao động nghề cá trên biển.Phối hợp tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp và đối tượng lao động.

5. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, bộ ngành trung ương, địa phương,các tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động và kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn.

6. Phối hợp với các cơ quan chức năng, liên đoàn lao động địa phương nghiên cứu mô hình liên kết trong khai thác, tiêu thụ hải sản, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển nhằm hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, kịp thời cứu nạn, cứu hộ đoàn viên, ngư dân gặp nạn; đồng thời nghiên cứu thí điểm ký kết hợp đồng lao động giữa lao động với chủ tàu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và hài hòa lợi ích giữa chủ tàu và thuyền viên.

7. Chủ động nghiên cứu, đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét ban hành quy định chính thức về tổ chức và hoạt động Nghiệp đoàn nghề cá đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

8. Tổ chức ký kết chương trình/quy chế phối hợp hoạt động với các cơ quan chấp pháp trên biển (Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư) để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và bảo vệ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho đoàn viên, lao động nghề cá gặp nạn trong quá trình khai thác thủy sản trên biển.

Tin cùng chuyên mục