Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Chủ nhật, 06/04/2025 | 00:03

Công đoàn Việt Nam

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ

30/05/2022

Chiều 27.5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo giải pháp thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Bà Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì.

Theo bà Đỗ Hồng Vân - Quyền Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, nhằm phát huy vai trò của ban nữ công quần chúng trong việc tham mưu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nữ, ngày 12.7.2017, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 12b/NQ-BCH về ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.  

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết, số lượng, chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng đã có những thay đổi tích cực và hoạt động đi vào nền nếp, bài bản hơn. Theo báo cáo của 75 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, số ban nữ công quần chúng hiện có 74.833, so với đầu nhiệm kỳ tăng 4.529 đơn vị. Tỉ lệ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành lập ban nữ công quần chúng theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã đạt 80%. Vai trò tham mưu của ban nữ công quần chúng được nâng lên rõ rệt; đại diện, tham gia thương lượng nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ để tham mưu chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ...


Phát biểu tại hội thảo, bà Thái Thu Xương cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều nơi ban chấp hành công đoàn còn chưa quan tâm chỉ đạo sát sao đến hoạt động của ban nữ công và vai trò tham mưu của ban nữ công quần chúng cũng chưa được phát huy mạnh mẽ, dẫn đến hoạt động của công tác nữ công trong một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa có chiều sâu, hình thức tổ chức sinh hoạt còn đơn điệu nên chưa thu hút được đông đảo lao động nữ tham gia.

Một số doanh nghiệp thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, địa điểm sinh hoạt, học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho nữ công nhân lao động.

Vai trò đại diện của một số ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa được phát huy một cách hiệu quả; đặc biệt trong việc tham mưu kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của lao động nữ như việc làm, thu nhập, nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động…  

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về công tác chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn các cấp trong công tác triển khai Nghị quyết 12b/NQ-BCH; vai trò của cán bộ nữ công, ban nữ công công đoàn các cấp trong việc tham mưu ban chấp hành triển khai hoạt động công tác nữ công; những thuận lợi, khó khăn, tồn tại hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai hoạt động công tác nữ công hiện nay; đề xuất, kiến nghị về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động ban nữ công quần chúng…  

Theo đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nishoku Technology (Việt Nam), trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người lao động, Ban Nữ công quần chúng đã tham mưu cho Ban chấp hành Công đoàn và cùng Ban lãnh đạo công ty chia sẻ khó khăn cho người lao động bằng cách: Chi trả 100% lương theo hợp đồng trong thời gian công nhân bị cách ly; tổ chức xét nghiệm định kỳ để chủ động hỗ trợ người lao động ứng phó dịch bệnh; tăng chất lượng bữa ăn để người lao động nâng cao sức đề kháng...

Bà Thái Thu Xương cho biết, những ý kiến phát biểu tại hội thảo sẽ là cơ sở để Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra những giải pháp thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ...

Tin cùng chuyên mục