Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: Đề xuất 6 giải pháp để thúc đẩy tiến trình
24/05/2022
Bước tiến mới trong thể chế hóa thực hiện QCDC
Tại kỳ họp thứ 3 ngày 18/6/2012 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012, trong đó Khoản 3, Điều 63 quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ) có nghĩa vụ thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, đánh dấu bước tiến mới trong thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về thực hiện DCƠCS tại nơi làm việc.
Cụ thể hóa Khoản 3, Điều 63 BLLĐ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2013/ NĐ-CP ngày 19/6/2013 về quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 BLLĐ về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; sau đó là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 (thay thế Nghị định số 60) về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc.
BLLĐ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2019 (BLLĐ 2019) quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc tại Điều 63 và Điều 64 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động (QHLĐ).
BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành khác đã tạo những bước chuyển mới trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; là căn cứ pháp lý quan trọng tạo động lực thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của NLĐ trong tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc.
Các quy định thực hiện QCDC ở cơ sở
Quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc với phạm vi điều chỉnh rộng, quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện DCƠCS tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (HĐLĐ). Các nội dung NSDLĐ phải công khai; NLĐ được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát được quy định cụ thể.
NSDLĐ phải công khai nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế, TƯLĐTT; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do NLĐ đóng góp; việc trích nộp kinh phí công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN; thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ.
NLĐ được tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế; thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể; đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường; ATVSLĐ... Được quyết định, được kiểm tra, giám sát việc thực hiện HĐLĐ, TƯLĐTT, nghị quyết hội nghị NLĐ, nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ…
Ngoài hình thức đối thoại và tổ chức hội nghị NLĐ, pháp luật hiện hành còn quy định các hình thức thực hiện dân chủ khác như: Niêm yết công khai tại nơi làm việc; thông báo tại các cuộc họp, các cuộc đối thoại giữa NSDLĐ và tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ; thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở để thông báo đến NLĐ; NLĐ tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ.
Pháp luật cũng quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với NSDLĐ không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị NLĐ; không công khai nội dung chính của đối thoại hoặc QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; không bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc; không cử hoặc cử không đúng thành phần đại diện bên NSDLĐ tham gia đối thoại tại nơi làm việc; không báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.
Các quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đã góp phần đảm bảo và phát huy quyền dân chủ của NLĐ, duy trì mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa NSDLĐ, NLĐ, đại diện tập thể NLĐ, góp phần củng cố QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc. Các quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp tình hình phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu ngày càng cao của NLĐ về thực hiện DCƠCS. Tuy nhiên, những quy định hiện hành về thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như: Quy định về đối thoại, hội nghị NLĐ còn khá chung chung, vì vậy tạo lúng túng và khó khăn trong phối hợp tổ chức thực hiện. Chưa quy định cụ thể việc thực hiện QCDC đối với mỗi loại hình như: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn sử dụng lao động, nên việc thực hiện QCDC ở cơ sở còn hình thức, thiếu thực chất, hiệu quả chưa cao.
Cần có những giải pháp phù hợp
Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu quả, góp phần xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, phát huy quyền làm chủ của NLĐ trên cơ sở pháp điển hóa các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước, dự thảo Luật . Thực hiện DCƠCS nên được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện theo hướng sau:
Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng như Chỉ thị số 30 CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo điều kiện thuận lợi để NLĐ thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: BLLĐ, Luật Thanh tra, Luật ATVSLĐ; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Trưng cầu ý dân, Luật An ninh mạng... Theo đó, cần quy định rõ những nội dung cần được công khai, cung cấp thông tin kịp thời bằng các phương thức khác nhau để NLĐ được biết, được tham gia góp ý kiến, được kiểm tra, giám sát; được thụ hưởng.
Khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành về thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng thời kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của Nghị định 60, Nghị định số 145; Luật Thanh tra, Nghị định 159… và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù hợp. Cần đánh giá vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, vai trò, trách nhiệm của NSDLĐ; vai trò của tổ chức Công đoàn trong tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; đánh giá những mặt tích cực khi triển khai thực hiện quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Phát triển những nội dung mới trên cơ sở phân tích rõ nội hàm của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của NSDLĐ, tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại cơ sở và NLĐ trong tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đối với mỗi loại hình cụ thể như: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hợp tác xã..., đặc biệt là quyền và trách nhiệm của NSDLĐ trong việc phân bổ kinh phí, thời gian và các điều kiện đảm bảo để tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc, việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của NLĐ.
Quy định rõ hơn về thẩm quyền, chức năng của cơ quan Nhà nước trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc và cơ chế phối hợp với đại diện tập thể NLĐ trong việc thực hiện pháp luật về DCƠCS.