Bữa ăn ca của người lao động: Động lực phát triển sản xuất và nâng cao đời sống
19/04/2022
5.290.834 NLĐ được hỗ trợ BAC
Ngay trong năm 2016, 100% LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty đã xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cũng như văn bản chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS triển khai thực hiện Nghị quyết 7c. Tham mưu với các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm, chăm lo đến BAC của NLĐ, ký kết kế hoạch với Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Ban An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cấp tỉnh.
Các CĐCS đã thương lượng, ký kết TƯLĐTT (sửa đổi, ký lại, ký mới) với giá trị BAC tối thiểu từ 15.000 đồng/suất trở lên không tính chi phí nhân công, vận chuyển, chất đốt… trong giá trị BAC. Công đoàn đứng ra tổ chức, quản lý, giám sát BAC. 100% các bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, ngành đều có nội dung BAC của NLĐ và giá trị tối thiểu từ 15.000 đồng trở lên. Trong đó, TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam lần thứ 5 được ký kết trong năm 2021 với nội dung BAC tăng 2.000 đồng (chỉ tính chi phí thực phẩm).
Đã có nhiều mô hình hay, thiết thực về tổ chức BAC như: Đảm bảo 01 khẩu phần ăn có món mặn, món xào, món canh và món tráng miệng; quan tâm đến NLĐ ăn chay; hỗ trợ thêm bữa ăn trong ngày làm việc (trưa, chiều); thành lập hội đồng giám sát, kiểm tra, tư vấn thực đơn, xây dựng mô hình “Công đoàn tham gia đảm bảo ATVSTP, chất lượng BAC trong doanh nghiệp”…
Đến nay, đã có 37.628 doanh nghiệp có CĐCS thực hiện BAC cho NLĐ, đạt tỉ lệ 81,56% tổng số doanh nghiệp đã thành lập CĐCS (tăng 15.862 doanh nghiệp, tương đương 1,72 lần so với năm 2016), với 5.290.834 NLĐ được hỗ trợ BAC (tăng 1.011.436 NLĐ so với năm 2016).
Có 35.202 doanh nghiệp thực hiện giá trị BAC từ 15.000 đồng trở lên, đạt 93,55% (tăng 19.936 doanh nghiệp, tương đương 2,36 lần so với năm 2016). Giá trị BAC phổ biến tại các doanh nghiệp từ 16.000 đồng đến 20.000 đồng/suất.
Số lượng bản TƯLĐTT có nội dung BAC của NLĐ tăng lên đáng kể. Đến nay, đã có khoảng 21.457 bản TƯLĐTT đã ký kết, trong đó có 94,03% các bản TƯLĐTT có giá trị BAC từ 15.000 đồng trở lên (tăng 8.545 bản, tương đương 1,66 lần so với năm 2016).
Các cấp công đoàn cũng tăng cường tuyên truyền về ATVSTP, BAC; tham gia khảo sát, kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp nhân Tháng Hành động về ATVSLĐ hằng năm, tổ chức tọa đàm “Chất lượng BAC và giải pháp của tổ chức Công đoàn”; giám sát ATVSTP tại các bếp ăn nơi có đông CNLĐ, KCN, KCX. Từ năm 2016, Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì NLĐ” do Tổng Liên đoàn trao tặng có xét tiêu chí về đảm bảo chất lượng BAC. Các CĐCS tham gia giám sát quy trình mua, chế biến thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, khám sức khỏe định kỳ đối với NLĐ làm công tác phục vụ tại bếp…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (năm 2021), nhiều doanh nghiệp trong vùng giãn cách xã hội phải tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Nhằm hỗ trợ dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, Tổng Liên đoàn đã ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ với mức 1.000.000 đồng/người. Đến nay đã có 344.509 NLĐ tại 2.785 doanh nghiệp được hỗ trợ với số tiền gần 345 tỉ đồng (theo Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng BAC của NLĐ”).
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 7c, nhận thức và hành động của NSDLĐ, NLĐ và tổ chức Công đoàn về nâng cao chất lượng BAC có chuyển biến tích cực. Số lượng doanh nghiệp tổ chức BAC và số NLĐ được thụ hưởng ngày càng tăng.
Các hình thức đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT có nội dung về BAC của NLĐ được thực hiện ngày càng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động của NLĐ, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, vị thế, hình ảnh của Công đoàn Việt Nam.
Từ năm 2022, đề xuất giá trị tối thiểu BAC là 18.000 đồng
Qua giám sát của các cấp công đoàn cho thấy, vẫn còn 19,44% doanh nghiệp đã thành lập CĐCS chưa thực hiện hỗ trợ BAC cho NLĐ. 29,57% tổng số NLĐ chưa được hỗ trợ BAC. Khu vực doanh nghiệp tư nhân có tỉ lệ hỗ trợ BAC thấp (đạt 78,53%). Hình thức hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ một phần chi phí ăn cho NLĐ còn khá phổ biến (30,15%). Chất lượng BAC còn nhiều hạn chế, vẫn còn 6,45% doanh nghiệp thực hiện giá trị BAC dưới 15.000 đồng. Tình trạng ngộ độc thực phẩm, ngừng việc tập thể liên quan đến BAC còn xảy ra (có 41 cuộc tranh chấp lao động tập thể, 26 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 2.325 NLĐ bị ngộ độc).
Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với NLĐ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, TƯLĐTT hoặc quy định của NSDLĐ”.
Với quy định này, pháp luật không bắt buộc NSDLĐ trong các doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp nhà nước) phải thực hiện chế độ phụ cấp ăn trưa, ăn giữa ca cho NLĐ. Việc thực hiện hoàn toàn do nhận thức của NSDLĐ, sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ hoặc thỏa thuận giữa NSDLĐ với tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở.
Trước tình hình trên, ngày 18/1/2022, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thảo luận và thống nhất ban hành Kết luận số 03/KL-BCH về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng BAC của NLĐ”.
Theo đó, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 7c. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Công đoàn các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 7c, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức Công đoàn.
Phát huy hơn nữa vai trò của CĐCS trong việc nâng cao chất lượng BAC của NLĐ; tham gia cùng NSDLĐ đề xuất phương án chuẩn bị BAC (tự nấu tại bếp ăn doanh nghiệp hoặc thuê đơn vị cung cấp); hằng tuần lấy ý kiến NLĐ về chất lượng bữa ăn, tổ chức giám sát quy trình mua, chế biến, bảo quản thực phẩm, chất lượng BAC với giá công bố…
Chủ động tham mưu, đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATVSTP và chất lượng BAC của NLĐ; coi trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát; đưa nội dung chỉ đạo nâng cao chất lượng BAC cho NLĐ là một giải pháp chăm lo đời sống, xây dựng giai cấp công nhân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị.
Tổng Liên đoàn tiếp tục nghiên cứu làm căn cứ đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, quy định trách nhiệm của NSDLĐ phải tổ chức hoặc có hình thức hỗ trợ BAC phù hợp cho NLĐ; ban hành định mức BAC đối với NLĐ nói chung và với một số ngành nghề, công việc nói riêng làm căn cứ đối thoại, thương lượng, tổ chức và hỗ trợ BAC cho NLĐ, đồng thời phục vụ việc xác định, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng.
Địa bàn thuộc vùng I, vùng II (theo vùng xác định lương tối thiểu): Từ 20.000 đồng/suất trở lên. Đối với những doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn thì giá trị thấp nhất từ 25.000 đồng/suất/trở lên.Từ năm 2022, các cấp công đoàn đề xuất, đối thoại hoặc thương lượng với NSDLĐ về BAC của NLĐ với giá trị thấp nhất như sau:
Địa bàn thuộc vùng III, vùng IV (theo vùng xác định lương tối thiểu): Từ 18.000 đồng/suất trở lên. Đối với những doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn thì giá trị thấp nhất từ 22.000 đồng/suất trở lên.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác theo dõi, giám sát, phân tích, khai thác thông tin và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ về BAC.
Đây là chủ trương rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của NLĐ, NSDLĐ, cán bộ công đoàn và các đối tác liên quan về tầm quan trọng, lợi ích đối với các bên khi đảm bảo chất lượng BAC cho NLĐ. Từ đó xác định nâng cao chất lượng BAC là động lực quan trọng giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống NLĐ.