Cùng nhau suy ngẫm trao đổi về đổi mới công tác thi đua khen thưởng
07/09/2011
Công tác thi đua và khen thưởng luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau đem đến hiệu quả chung là nâng cao năng suất lao động, công tác và học tập. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Việc tổ chức tốt phong trào thi đua nghĩa là tuân thủ theo đúng quy trình, các bước tiến hành như xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, thang bảng điểm, phát động, tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và tiến hành khen thưởng tạo cho đối tượng thi đua nắm được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của phong trào thi đua để từ đó định hướng cho hành động cụ thể của mình sẽ tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, hào hứng góp phần xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, cùng tập thể phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, việc tổng kết phong trào thi đua, bình chọn và xét khen thưởng là việc làm cần thiết và phải tiến hành đảm bảo kịp thời, chính xác, công bằng, dân chủ và khách quan. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự là hạt nhân nòng cốt, điển hình trong phong trào thi đua. việc khen thưởng đó chính là việc ghi công đối với những thành tích mà tập thể và cá nhân đã đạt được, ngưòi được khen thưởng cảm thấy được trân trọng và vinh dự, từ đó phát huy được tính tích cực trong các công việc được giao, người không được khen thưởng cũng thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới. Nếu khen thưởng không chính xác, công bằng và công khai, người có thành tích mà không được khen thưởng hoặc không được khen thưởng sứng đáng, thì không chỉ làm mất tác dụng và ý nghĩa của công tác này mà còn làm cho phong trào thi đua không đạt được mục tiêu đề ra và mất niềm tin trong quần chúng. Do đó, khen thưởng kịp thời, chính xác, công bằng không những có tác dụng động viên, thu hút nhiều người tham gia, giải quyết được các vấn đề khó khăn, bức xúc đặt ra mà còn giúp cho đợt thi đua sau đạt kết quả cao hơn.
Những năm qua, công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống công đoàn toàn ngành đã có nhiều tiến bộ, các cấp uỷ Đảng và chính quyền đồng cấp đã có sự quan tâm, chỉ đạo từng bước đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của đơn vị, địa phương và của ngành. Đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý tiêu biểu như Trường Đại học Lâm nghiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh Hùng Lao động”; nhiều đơn vị được tặng Huân chương Lao động, Huân Chương Độc Lập các Hạng Nhất, Nhì, Ba như Trường Cao Đẳng Nghề cơ điện và Thuỷ lợi Bắc bộ, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nôị, Viện Khoa học Thuỷ Lợi Việt Nam …và hàng nghìn chiến sĩ thi đua cấp Bộ, chiến sĩ thi đua toàn quốc, cùng các hình thức khen thưởng như bằng khen của Chính Phủ, bằng khen của Bộ trưởng. Chỉ tính riêng khen thưởng trong hệ thống Công đoàn ngành mỗi năm đã có trên hai trăm cá nhân và tập thể được Tổng Liên đoàn Lao động tặng bằng khen, gần 3000 cá nhân, tập thể được Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam khen thưởng, ngoài ra còn nhiều tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ, của Tổng Liên đoàn, của Công đoàn Ngành.
Tuy nhiên, từ thực tế công tác thi đua khen thưởng trong những năm qua ở mỗi cấp công đoàn vẫn còn có những bất cập trong thực hiện luật thi đua khen thưởng, quy chế khen thưởng trong tổ chức công đoàn, thể hiện trên một số mặt như sau:
- Trước hết nói về công tác Đăng ký thi đua: Hàng năm cứ đến cuối năm, mỗi cơ quan đơn vị lại thực hiện đồng loạt các công việc như tổng kết phong trào thi đua, bình xét và quyết định khen thưởng; xây dựng kế hoạch, định hướng, phát động thi đua, giao ước thi đua, đăng ký thi đua của năm mới. Song việc đăng ký thi đua, giao ước thi đua còn nhiều tập thể, cá nhân chưa được chú ý đúng mức, còn coi đó là thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, xem nhẹ. Luật Thi đua, Khen thưởng đã quy định, tập thể, cá nhân không đăng ký thi đua sẽ không được xét khen thưởng. Thi đua phải có đăng ký, giao ước để đặt ra mục tiêu, kế hoạch, định hướng phấn đấu cả năm thực hiện, coi đó là mục tiêu, điểm tựa phấn đấu. Về nguyên tắc, cá nhân đăng ký thi đua với tập thể, cơ quan cấp dưới đăng ký với cơ quan cấp trên, vì vậy đăng ký thi đua là thủ tục bắt buộc và tự nguyện đối với các đối tượng thi đua. Phát động thi đua, đăng ký thi đua, giao ước thi đua là việc làm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, nhằm nâng cao hiệu quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong tham gia đăng ký thi đua; mỗi tập thể cần xây dựng, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng mà trước tiên là thực hiện tốt việc phát động thi đua, đăng ký thi đua, giao ước thi đua hàng năm.
- Thứ hai nói về thưởng: Đã khen là phải liền với thưởng, thưởng xứng đáng, đúng đối tượng nhằm nâng cao giá trị, ý nghĩa, tác dụng của việc khen, nhưng hiện nay trên thực tế việc trích lập các quỹ khen thưởng theo khoản 1 điều 66 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP thì việc trích lập, quản lý chi thưởng không hề đơn giản. Thông tư 73/TT-BTC không hướng dẫn xác định rõ giữa 15% tổng quỹ tiền lương của khối cơ quan Bộ, ngành hay tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành. Vì tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành bao gồm nhiều cơ quan, đơn vị: Cơ quan Bộ, các cục, vụ, viện, trung tâm, trường, các doanh nghiệp trực thuộc… chính vì vậy dẫn tới việc khen không gắn liền với thưởng mà chúng ta thường quen gọi là “Trên khen dưới thưởng” vì cấp Bộ, ngành không có quỹ khen thưởng chung để thưởng.
- Thứ ba là chúng ta chưa coi công tác thi đua, khen thưởng như một nghề chuyên môn, chính vì vậy đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp thường bố trí kiêm nhiệm, bộ máy tổ chức và việc bố trí người theo dõi công tác thi đua không ổn định, không được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bài bản, có hệ thống dẫn đến hạn chế hiệu quả trong tổ chức, thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, công đoàn một số cơ quan, đơn vị còn chưa thất sự quan tâm sâu sát, dẫn tới phong trào thi đua chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, vẫn mạng nặng tính hình thức, chạy theo thành tích, nội dung thi đua chậm đổi mới, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hàng năm chưa coi trọng, thiếu kịp thời công bằng và chính xác.
Để đẩy mạnh phong trào thi đua và thực hiện tốt công tác khen thưởng, theo chúng tôi trước hết phải ổn định về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; Việc phát động phong trào thi đua phải nhằm vào giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất và những vấn đề khó khăn, cấp bách, càng khó lại càng phải có thi đua, đồng thời phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp nuôi dưỡng phong trào, làm cho khí thế thi đua luôn được sôi nổi trong công việc hàng ngày của mỗi người.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung trong công tác thi đua khen thưởng, nội dung tuyên truyền cần tập trung tuyên truyền về nhân rộng mô hình, nhân tố mới, các điển hình tiên tiến tạo sự đa dạng, hấp dẫn, sự lôi cuốn thuyết phục trong thông tin tuyên truyền.
Bên cạnh đa dạng hoá, đổi mới phong trào thi đua, cần tăng cường hệ thống thi đua, khen thưởng các cấp đảm bảo công bằng, chính xác, kịp thời, gia tăng số lượng… qua đó, góp phần đưa phong trào thi đua phát triển sâu rộng.
Cần sử dụng có hiệu quả tổng hợp các loại hình thi đua gồm (Thi đua theo đợt, thi đua thường xuyên, thi đua đột xuất, thi đua chuyên đề) trong việc đề xuất, tham mưu tổ chức phong trào thi đua; đưa mỗi phong trào thi đua phát triển sâu rộng, có sức sống và hiệu quả nhất, đồng thời gắn liền với công tác khen thưởng kịp thời.