Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Chủ nhật, 06/04/2025 | 00:20

Công đoàn Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam

TỰ HÀO VỚI TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA 72 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG ĐOÀN NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT VIỆT NAM VÀ VIẾT TIẾP NHỮNG TRANG SỬ MỚI

12/03/2020

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông ngày 14/11/1945, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, hệ thống tổ chức và lực lượng cán bộ CNVCLĐ ngành nông nghiệp và PTNT ngày càng phát triển, làm nòng cốt cho sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn của ngành.

Gắn với đó là quá trình hình thành, phát triển của tổ chức công đoàn trong ngành, mà bắt đầu là Công đoàn Canh nông Việt Nam từ năm 1948. Từ đó đến nay lần lượt ra đời, sáp nhập, hợp nhất các công đoàn ngành nhánh, như Công đoàn Nông trường quốc doanh Việt Nam năm 1960; Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam 1961; Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam 1972; Công đoàn ngành Lương thực và thực phẩm 1974; Công đoàn Thuỷ lợi Việt Nam năm 1978; Công đoàn Cao su Việt Nam 1981; Công đoàn Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 1983; Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm 1987; Công đoàn Thuỷ sản Việt Nam 1987 và cuối cùng là Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ngày 05/4/1997.


BCH Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018-2023

Thể theo nguyện vọng của cán bộ lãnh đạo, đoàn viên công đoàn trong ngành qua các thế hệ về việc xác định, chọn ngày truyền thống của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, làm cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, từ đó phát huy sức mạnh tinh thần, vượt qua khó khăn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngày truyền thống chẳng những phải nêu bật được truyền thống xây dựng và phát triển trong suốt 72 năm qua của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam mà còn hội tụ đủ tính kế thừa hoạt động của tổ chức Công đoàn các Bộ chuyên ngành trước đây.

Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam khóa III đã họp và thống nhất chọn ngày 13 tháng 3 năm 1948 - ngày ra đời Công đoàn Canh Nông Việt Nam, cũng là ngày thông qua Điều lệ Công đoàn Canh nông Việt Nam - tiền thân của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ngày nay, là ngày truyền thống của Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và được Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí tại công văn số 352/CV-BCS, Đoàn Chủ tịch TLĐ Lao động Việt Nam đồng ý tại công văn số 1246/TLĐ ngày 24/8/2012.

Việc chọn ngày 13/3/1948 sẽ khẳng định được tính liên tục, kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong suốt 72 năm qua.

Ngay từ khi thành lập, tổ chức Công đoàn Canh nông Việt Nam trước đây (Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ngày nay) đã luôn sát cánh cùng phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn cùng với nhân dân cả nước đã thực hiện thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tổ chức Công đoàn đã động viên mọi lực lượng CBCNVCLĐ (người lao động), phát động các phong trào thi đua vừa lao động sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, các cấp Công đoàn đã động viên, tổ chức người lao động trong ngành phát động các phong trào thi đua công tác, lao động sản xuất với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” và phục vụ tham gia chiến đấu góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập CĐVN

Sau khi đất nước thống nhất, tổ chức Công đoàn, cùng với người lao động  trong ngành và nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, kìm hãm lực lượng sản xuất. Xây dựng lại đất nước sau chiến tranh góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, tạo thế và lực để đất nước ta tiếp tục giành những thắng lợi vẻ vang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Là đất nước có gần 70% dân số sống ở nông thôn, nhiều vùng dân cư điều kiện còn rất khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do đó công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã phối hợp với Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị cho công nhân viên chức và người lao động trong ngành, tổ chức các phong trào thi đua, điển hình là: Phong trào “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” với nội dung ưu tiên là “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục là nòng cốt, được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp chỉ đạo. Phát động các phong trào thi đua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chú trọng thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của người lao động, ký kết với các doanh nghiệp để chăm lo lợi ích tốt hơn về đời sống, vật chất và tinh thần cho người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn ngành đã thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam để đại diện, bảo vệ ngư dân khi ra khơi bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động; Công đoàn ngành đã tập trung xây dựng các đề án, như: “Đề án Công đoàn tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; “Đề án Xây dựng các mô hình liên kết phục vụ SX-KD, phát triển kinh tế ngành”; Xây dựng “Đề án sắp xếp mô hình tổ chức Công đoàn các tổng công ty sau cổ phần hóa”; Trình Ban cán sự Đảng Bộ phê duyệt Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030”, nhằm tập trung củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên; Quan tâm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động ngày càng tốt hơn.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển trong 72 năm qua, từ khi thành lập Công đoàn Canh nông Việt Nam, rồi công đoàn các Bộ chuyên ngành; đặc biệt đã qua 5 kỳ Đại hội của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Chúng ta khẳng định sự ra đời Công đoàn ngành Nông nghiệp là khách quan, hợp quy luật, đáp ứng với yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của người lao động trong ngành. Mang bản chất của giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động.

Trong những năm gần đây, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn thử thách, do tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và mặt trái của kinh tế thị trường, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với các loại hình cơ sở, thuộc các thành phần kinh tế; hướng hoạt động công đoàn về cơ sở, lấy công nhân lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo, bảo vệ quyền, và lợi ích, hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu hoạt động. Các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã được các cấp công đoàn triển khai thực hiện. Công đoàn đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, giáo dục, bồi dưỡng, giới thiệu nhiều công nhân ưu tú cho Đảng, xem xét kết nạp. Hoạt động xã hội của Công đoàn Việt Nam được triển khai thường xuyên, sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; Các cấp công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu, đóng góp chủ yếu trong các cuộc vận động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Việc chăm lo của Công đoàn đến việc làm, đời sống của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đã làm cho người lao động tin tưởng ở tổ chức Công đoàn. Việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn được các cấp công đoàn thường xuyên thực hiện đã góp phần xây dựng Công đoàn vững mạnh.

Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, việc chăm lo cơ sở và người lao động còn hạn chế; phong trào thi đua ở nhiều nơi còn rập khuôn, hình thức; đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều biến động, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo; hiệu quả hoạt động ở nhiều đơn vị chưa cao; có những giai đoạn tổ chức của Công đoàn chưa chuyển đổi theo kịp với thực tế, lực lượng còn yếu, kết quả hoạt động một số nơi còn mờ nhạt… nhưng xuyên suốt 72 năm qua, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, đều là người đại diện xứng đáng của công nhân viên chức, lao động trong ngành, tập hợp họ thành đội quân xung kích, giúp ngành tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận thành tích 72 năm qua, Đảng và Nhà nước, Bộ, TLĐLĐ VN đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tổ chức Công đoàn; Đặc biệt đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2018-2023 của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, đó là: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến các khu vực sử dụng nhiều lực lượng lao động, trình độ thấp (nhất là lao động trong ngành Nông nghiệp) và thay thế lao động của con người bằng máy móc tự động và trí tuệ nhân tạo với năng suất, tốc độ và tính chính xác cao hơn. Các nhân tố như tài nguyên, thiên nhiên, vị trí địa kinh tế, lao động giá rẻ… đang là lợi thế của Việt Nam sẽ mất dần đi. Trong khi các nguồn lực và điều kiện phục vụ cho hoạt động Công đoàn của ngành Nông nghiệp ngày càng khó khăn. Do đó, vấn đề việc làm; Trình độ kỹ năng tay nghề, đời sống NLĐ trong ngành; Chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn và đặc biệt là quan hệ lao động ngày càng phúc tạp hơn; Điều đó đang đặt ra cho tổ chức Công đoàn những thách thức để đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trước cơ chế mới.

Do vậy trong nhiệm kỳ ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ đột phá để tháo gỡ khó khăn:

1- Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống: Tiếp tục triển khai Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Ban Cán sự Đảng Bộ phê duyệt. Củng cố, sắp xếp lại tổ chức; Xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đại diện ở 3 khu vực (Miền Bắc - Miền Trung, Tây Nguyên - Miền Nam); Giảm đầu mối trung gian, gắn bó chặt chẽ hơn với cơ sở; Tập trung phát triển đoàn viên; Tăng cường năng lực gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ; Thực hiện tinh giảm biên chế; Sắp xếp bố trí cán bộ kiêm nhiệm để bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng.

2- Đổi mới phương thức hoạt động vì quyền lợi đoàn viên và người lao động: Tăng cường xây dựng các mô hình, đề án để tháo gỡ khó khăn gắn với tuyên truyền nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung bảo vệ quyền lợi của người lao động; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về những cơ chế chính sách đối với người lao động trong ngành.

3- Tăng cường các nguồn lực để phục vụ hoạt động Công đoàn: Thực hiện đúng các quy định của nhà nước và của Tổng Liên đoàn về công tác tài chính; Cơ cấu lại các nguồn lực, sử dụng kinh phí có hiệu quả; Khai thác các nguồn lực từ bền ngoài để bổ sung cho hoạt động; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí; Áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành.

Để có được kết quả trong 72 năm qua, là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Cán sự đảng Bộ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành; LĐLĐ các địa phương và Công đoàn ngành TW; Sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp qua các thời kỳ. Thay mặt BTV công đoàn NN-PTNT Việt Nam Tôi xin cám ơn Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các địa phương, các thế hệ cán bộ công đoàn và người lao động trong ngành đã giúp đỡ và cùng đồng hành tổ chức Công đoàn trong suốt thời gian qua.

Tự hào với truyền thống 72 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chúng ta cùng nhau viết tiếp những trang truyền thống vẻ vang mới của Công đoàn Ngành trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Tin cùng chuyên mục