Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 05/04/2025 | 12:52

Công đoàn cấp trên cơ sở

Hoạt động Công đoàn theo mô hình ngành nghề tại Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam

07/01/2020

Căn cứ Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hoạt động công đoàn sau khi doanh nghiệp sắp xếp đổi mới, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã có Quyết định số 238/QĐ-CĐN ngày 19/8/2016 phê duyệt Đề án chuyển đổi tên Công đoàn Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam thành Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam, thí điểm hoạt động Công đoàn theo mô hình ngành nghề không có chuyên môn đồng cấp.

Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trực thuộc Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, trực tiếp lãnh, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp sản xuất tơ tằm Việt Nam.

Nhận thức được đây là một mô hình mới về hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có tổ chức Đảng và chuyên môn đồng cấp. Nhưng với mục đích chung là tổ chức của người lao động, chăm lo cho người lao động và vì người lao động của ngành Dâu tằm tơ Việt Nam. Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam xác định đối tác của mình là “chủ” từng doanh nghiệp cơ sở. Hoạt động Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam luôn hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu. Tập thể Ban chấp hành Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đã bám sát vào chức năng, nhiệm vụ chính của tổ chúc Công đoàn để duy trì và tổ chức các hoạt động, phối hợp chặt chẽ với từng lãnh đạo doanh nghiệp cơ sở, động viên cán bộ, công nhân người lao động chia sẻ những khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại từng đơn vị, thể hiện tốt vai trò là đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, vì sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp. Hoạt động công đoàn các cấp đều tập trung vào việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Công đoàn các cấp đã tham gia với chuyên môn trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách tại doanh nghiệp, nhất là những nội quy, quy định liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, đảm bảo 100% cán bộ, công nhân lao động được đóng BHXH, BHYT, BHTN, có việc làm và thu nhập ổn định. Quan tâm chăm lo đời sống của người lao động, đồng thời giúp họ thấy được trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của doanh nghiệp, là một trong những nhiệm vụ của Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đặt ra hàng đầu. Vì đời sống vật chất, tinh thần được quan tâm, chăm lo thì người lao động mới yên tâm lao động sản xuất. Ngược lại, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững mới tạo việc làm ổn định cho người lao động. Chính mối quan hệ khăng khít, tác động lẫn nhau này nên các cấp Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình trong việc giữ mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và từng doanh nghiệp.

 Các cấp công đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước cũng được các cấp công đoàn phát động thường xuyên, đã ghi nhận nhiều đóng góp tích cực trong lao động sản xuất của công nhân lao động trực tiếp, góp phần vì sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp.

Bên cạnh việc duy trì hoạt động, Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam luôn chú trọng đến công tác ổn định tổ chức và phát triển thêm Công đoàn cơ sở. Vì vậy, Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đã chủ động tiến hành khảo sát các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cái thuận lợi lớn là phần lớn các chủ doanh nghiệp sản xuất Dâu tằm tơ trên địa bàn đều là các anh em làm dâu tằm trước kia, nay đã nghỉ hưu hoặc đã nghỉ việc về thành lập các công ty, xưởng sản xuất tơ lụa. Tất cả đều mong muốn có một tổ chức công đoàn theo Ngành nghề Dâu tằm tơ. Kết quả, Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đã tiếp nhận 02 Công đoàn cơ sở từ Liên đoàn Lao động địa phương chuyển sinh hoạt về và đã thành lập mới thêm 02 công đoàn cơ sở. Như vậy, sau khi Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam chuyển đổi doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn Tổng công ty chẳng những bị mất Công đoàn cơ sở mà còn nhận và phát triển thêm công đoàn cơ sở, kết nạp thêm nhiều đoàn viên. Tiềm năng còn nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất dâu tằm tơ trên địa bàn đủ điều kiện để thành lập công đoàn cơ sở nhưng Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam rất thận trọng, bước đầu tập hợp những doanh nghiệp có tiềm lực để từng bước rút kinh nghiệm. Hiện tại, Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam có 11 công đoàn cơ sở. Trong đó ở phía Bắc có 02 công đoàn cơ sở, ở TP Hồ Chí Minh có 01 công đoàn cơ sở, Đồng Nai có 01 công đoàn cơ sở và số còn lại đóng tại Lâm Đồng.

Với những kết quả đã đạt được như trên, Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đã được Công đoàn cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2017 nhận Cờ thi đua xuất sắc của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; năm 2018 nhận Cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng.

Từ thực tiễn hoạt động, Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam đã rút ra bài học trong công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh như sau:

- Để xây dựng tổ chức Công đoàn thật sự vững mạnh, cần tạo được sự đồng thuận về nhận thức và tình cảm của chủ doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn phải tạo được mối quan hệ hài hòa về quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

- Cần phải thay đổi mô hình tổ chức từ mệnh lệnh hành chính, cứng nhắc, xa đoàn viên, người lao động sang mô hình hỗ trợ công đoàn cơ sở, bám sát cơ sở, các hoạt động công đoàn phải thiết thực, gắn với lợi ích của doanh nghiệp, chắc chắn chủ doanh nghiệp sẽ quan tâm, tạo điều kiện hoạt động. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn càng phải được tăng cường. Vì vậy, phải làm sao để người lao động thấy tổ chức Công đoàn Việt Nam thực sự có giá trị với họ và họ quyết gắn bó lâu dài với Công đoàn Việt Nam, nhất là khi hội nhập chứ không tách ra thành lập một tổ chức mới. Chính vì vậy, mô hình hoạt động công đoàn cần phải theo mô hình Công đoàn ngành nghề đặc thù xuyên suốt, gắn bó, gần gũi với người lao động cùng ngành nghề.

- Hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần phải chủ động hoàn toàn trong mọi hoạt động, phải tách bạch khỏi doanh nghiệp, tách bạch về điều kiện, phương tiện làm việc, kinh phí và con người, có như vậy mới khẳng định được vị thế của tổ chức, một khi Công đoàn còn dựa vào doanh nghiệp, cán bộ công đoàn còn kiêm nhiệm, hưởng lương và các khoản phúc lợi từ doanh nghiệp thì hoạt động công đoàn sẽ không có hiệu quả, hoặc họ sẽ lơ là công tác công đoàn hoặc chỉ làm để đối phó, không dám đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, không nói lên được tiếng nói của người lao động.

- Công tác cán bộ cần được quan tâm đúng mức, “cán bộ nào, phong trào nấy”. Cán bộ công đoàn phải là thủ lĩnh của phong trào công nhân lao động. Muốn vậy, phải là người thực sự gần gũi, chia sẻ, gắn bó và thấu hiểu với những thuận lợi cũng như các khó khăn của người lao động. Cán bộ công đoàn phải bản lĩnh mới bảo vệ được tổ chức và người lao động. Đôi khi cán bộ công đoàn phải hy sinh các quyền lợi cá nhân để vì tập thể, vì cái chung. Có vậy, cán bộ Công đoàn mới có sức thu phục quần chúng lao động và có khả năng tạo sự hài hòa các mối quan hệ.

Tin cùng chuyên mục