Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ sáu, 04/04/2025 | 12:12

Hoạt động đối ngoại

Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Nông lâm quốc tế (TUI)

08/07/2019

Đoàn đại biểu Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam do đồng chí Vũ Xuân Thủy - Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam làm trưởng đoàn, tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Nông lâm quốc tế (TUI) từ ngày 05-07/6/2019 tại Paris, Pháp.

Hội nghị Ban Chấp hành TUI được tổ chức tại Trụ sở Tổng Công đoàn Pháp CGT - 1 trong 5 tổ chức Công đoàn lớn nhất nước Pháp, với sự tham dự của 38 đại biểu đến từ 19 nước thành viên trên thế giới. Chương trình Hội nghị gồm những nội dung chính sau:

1.    Ngày thứ nhất: Báo cáo tình hình hoạt động công đoàn TUI kể từ sau Đại hội lần thứ IV năm 2016 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2019-2020 hướng tới Đại hội lần thứ V dự kiến tổ chức tại Ai Cập.

Đồng chí Julien Huck - Tổng thư ký TUI báo cáo tại Hội nghị tình hình hoạt động công đoàn TUI trên toàn cầu và tại các nước thành viên theo khu vực trong thời gian qua, kể từ sau Đại hội IV TUI diễn ra năm 2016. Tại khu vực châu Âu, hoạt động công đoàn gặp khó khăn tại một số nước có biến động về chính trị và suy giảm kinh tế: Hy Lạp tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,6%, tỷ lệ thất nghiệp 25,2%, NLĐ thiếu việc làm khiến họ phải rời đất nước để sang các nước khác kiếm việc làm, hoạt động CĐ gặp nhiều khó khăn; Romania tăng trưởng kinh tế năm 2017 sụt giảm, đang đối mặt chảy máu chất xám do lao động có trình độ di cư sang các nước khác, cải cách của chính phủ về lao động và hưu trí bị các tập đoàn đa quốc gia chống đối,... Khu vực châu Phi đạt được thành tựu nổi bật bởi Đại hội CĐ toàn châu Phi đã diễn ra thành công tốt đẹp tại thủ đô Dakar, Senegal cuối năm 2018 với việc kết nạp thêm được nhiều tổ chức công đoàn thành viên mới gia nhập TUI. Điều này củng cố đại diện của TUI tại khu vực châu Phi. Khu vực châu Mỹ Latin có văn phòng đại diện tại Havana, CuBa đã duy trì tốt các hoạt động trong khu vực, là trung tâm gắn kết và dẫn đầu các tổ chức công đoàn anh em trong khu vực như Mexico, Braxin, Colombia,… Khu vực châu Á có 2 trụ cột cho khu vực là Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam giúp TUI mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á và các công đoàn ngành tại Ấn Độ cho khu vực còn lại của Châu Á. TUI trong vài năm vừa qua đã duy trì tổ chức một số hoạt động mang tình đoàn kết cao cả tại Việt Nam trong khi đó Ấn Độ tổ chức các hoạt động kêu gọi sự đoàn kết và tham gia rộng lớn của các tổ chức công đoàn trong Ấn Độ.

Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2019-2020 của TUI sẽ tập trung vào tổ chức các hoạt động tại nhiều quốc gia, trong đó BCH kêu gọi các thành viên chọn ngày 16/10/2019 là ngày đấu tranh cho sự phát triển của việc làm, đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng nông sản và đáp ứng nhu cầu lương thực của người lao động và người dân. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị mọi công tác cho Đại hội toàn cầu lần thứ V dự kiến diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Ban Thư ký TUI sẽ gửi đến các thành viên BCH các thông tin về chuẩn bị đại hội.

Các đại biểu từng nước tham gia góp ý kiến vào báo cáo tổng quan do đồng chí Julien Huck chuẩn bị và nhất trí với các nội dung được đề cập trong báo cáo, từ đó tham luận, bổ sung thông tin, tình hình hoạt động công đoàn tại mỗi nước thành viên để làm rõ thêm tình hình, khó khăn và thuận lợi trong hoạt động công đoàn và đoàn viên ở mỗi nước. Trong đó, nổi bật 2 vấn đề là: phong trào công đoàn ở một số nước bị cản trở và rơi vào thế yếu (Romania), cán bộ công đoàn bị bắt giam và bị giết (Colombia); nền kinh tế khủng hoảng, lạm phát gia tăng kéo theo các điều kiện về lao động, việc làm, tiền lương trở nên kém hơn, khiến NLĐ tại nhiều nước bị bần cùng hóa, không có tư liệu sản xuất và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng (Ấn Độ, Hy Lạp…). Hội nghị cũng ghi nhận hoạt động công đoàn hiện đang gặp nhiều thuận lợi hơn tại Cuba, Việt Nam và Ai Cập do đặc thù chính trị và lịch sử.

Cuối buổi chiều, Ban Thư ký TUI thông báo tình hình tài chính của tổ chức và đề nghị các nước thành viên tham gia góp ý kiến về định mức và hình thức đóng góp bởi nguồn tài chính do FNAF hỗ trợ nhiều năm nay hiện đang suy kiệt và FNAF dự kiến không thể tiếp tục hỗ trợ như trước do chính FNAF cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Các đại biểu đề nghị quy định rõ thu tượng trưng hay thu theo định mức đoàn viên và nếu thu thì cần thống nhất theo mức chung. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc chưa thông qua vấn đề này.

2.    Ngày thứ hai: Báo cáo hoạt động của các công đoàn thành viên tại châu Âu; thảo luận và Họp nhóm kín các thành viên Ban Thư ký TUI

Đ/c Andre Hemmerle - ủy viên Ban Thư ký TUI đọc báo cáo các hoạt động công đoàn tại châu Âu trong bối cảnh các chính phủ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng khiến gia tăng tỷ lệ nghèo, đói và thiếu dinh dưỡng tại châu Âu. 150 triệu người đang trong cảnh nghèo hoặc trải qua hoàn cảnh bị loại khỏi xã hội, gần 100 triệu người sống dưới chuẩn nghèo, và khoảng 22 triệu lao động thất nghiệp. Năm 2018, gần 3,5 triệu thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp trong đó 2,5 triệu người là ở khu vực đồng euro. Tại Hy Lạp, trên 50% thanh niên độ tuổi 18-24 đối mặt với nghèo đói và bị loại trừ khỏi xã hội. Số liệu cho thấy nguy cơ nghèo cũng gia tăng: Romania (25,3%), Bugari (23%), Tây Ban Nha (22,3%) và Lithuania (22%) là những nước có tỷ lệ nghèo cao nhất  châu Âu, tiếp đó là các nước Ý, Croatia, Hy Lạp, Latvia và Estonia có tỷ lệ nghèo từ 20,5 - 22%. Các nước Đức, Ba Lan, Bỉ, Anh Quốc, Ailen, và Bồ Đào Nha có tỷ lệ nghèo là từ 15-20%.  Số người vô gia cư tăng lên 70% trong 10 năm qua. Hiện nay đã vượt quá 700.000 người so với 410.000 người vào năm 2009. Những con số này phản chiếu mặt trái của hệ thống tư bản.

Báo cáo chỉ ra số liệu về vấn đề đói và suy dinh dưỡng đang gia tăng tại châu Âu mà nguyên nhân nằm ở lương thấp, thất nghiệp, mất an ninh việc làm và tình trạng bấp bênh. Năm 2013, 40 triệu người ở châu Âu không tiếp cận được đủ nguồn cung năng lượng hàng ngày (tương đương 2.000 calo/ngày) . Cùng với đói còn có vấn đề về suy dinh dưỡng. Nạn nhân suy dinh dưỡng phải chịu thiếu dưỡng chất hoặc dễ bị béo phì do không có thực phẩm chất lượng. Vấn đề này thậm chí còn tác động đến cả giới trung lưu khi bị bệnh làm họ thất nghiệp kéo dài khiến họ buộc phải giảm chi tiêu cho thực phẩm. Những cản trở trên không chỉ tác động đến việc lựa chọn chất lượng và số lượng thực phẩm cần mua mà còn ảnh hưởng đến bữa ăn thường ngày. Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất thường nằm ở phía Nam châu Âu như Romania, Hy Lạp, và Tây Ban Nha.

Báo cáo phân tích việc đề ra chủ trương áp dụng chung một mức lương tối thiểu cho toàn châu Âu đang tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ bởi giữa các nước thành viên có mức lương tối thiểu khác biệt nhau, ví dụ ở Bulgaria là 261e trong khi ở Luxembourg là gần 2000e. Tổng thống Macron đề xuất mức lương tối thiểu chung toàn châu Âu bằng 50% mức lương tối thiểu trung bình của các nước. Điều này có nghĩa là mức lương tối thiểu tại Pháp sẽ giảm 30% trong khi đó cách tính lương tối thiểu hiện tại đang bỏ qua lạm phát thực tế, giá hàng  hóa tăng. Hậu quả sẽ càng gia tăng áp lực lên sức mua của người dân, NLĐ ngày càng bị bóc lột và bần cùng hóa.

Báo cáo lên án chủ nghĩa tư bản tại châu Âu là nguyên nhân sâu sa dẫn đến nghèo, đói và suy dinh dưỡng cho người lao động và gia đình họ bởi áp dụng chính sách bóc lột, trả công thấp, làm suy yếu mạng lưới an sinh xã hội, định hướng sai lầm của Chính phủ về các vấn đề lao động và kinh  tế…

Trước khi nghỉ trưa, các nước thành viên Ban Thư ký TUI họp kín nhằm thảo luận riêng các vấn đề trong khu vực, trong đó tập trung vào củng cố tính đại diện tại khu vực. Các thành viên Ban Thư ký đều nhất trí và cam kết ủng hộ và hưởng ứng các hoạt động của TUI trên thế giới và khu vực. Đại diện Ai Cập khẳng định sẵn sàng làm nước chủ nhà đăng cai Đại hội TUI lần thứ V tại Cairo vào năm 2021.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận và làm rõ thêm các nội dung trong báo cáo bằng các dẫn chứng đang xảy ra tại nước mình, trong đó vấn đề lao động nhập cư đang được chính phủ nhiều nước châu Âu coi là chính sách thu hút nguồn lực lao động giá rẻ ngoài châu Âu vào làm việc nhằm đảm bảo nguồn cung lao động dồi dào cho giới chủ và chính phủ tư sản do các nhà tài phiệt chống lưng để đưa ra các chính sách mở cửa cho lao động nhập cư. Hệ quả là giới chủ duy trì điều kiện làm việc kém và không đảm bảo, mức lương tối thiểu thấp nhằm thu mức lợi nhuận cao.


Đ/c Andre Hemmerle đọc Dự thảo Nghị quyết đại hội để các đại biểu tham gia góp ý, bổ sung. Nghị quyết gồm 16 mục, đề cập các vấn đề chính sau:

-  Hội nghị tố cáo chủ nghĩa đế quốc và tư bản thông qua các công ty đa quốc gia đang thống trị các châu lục, sử dụng lương thực như là vũ khí và kích động chiến tranh để kiểm soát tài nguyên tự nhiên và nông nghiệp.

-  Mỗi nước phải được tự do duy trì sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thiết yếu cung cấp cho người dân, cho phép họ tiếp cận lương thực có chất lượng. Việc này bao gồm phát triển cây trồng lương thực truyền thống, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, vào cuộc của chính phủ, đoàn kết quốc tế và xây dựng quan hệ thương mại tiên tiến cùng có lợi.

-  Nông nghiệp không phải là một thứ như hàng hóa thông thường khác. Và do đó, nông nghiệp phải nằm ngoài “chính sách thị trường” và không nằm trong bất cứ đàm phán quốc tế nào. Mục đích của nông nghiệp là nuôi sống con người, cho phép họ được sống.

-  BCH TUI thông qua kế hoạch công tác theo định hướng đề ra tại Đại hội lần thứ IV, trong đó kêu gọi chọn ngày 16/10/2019 là Ngày công đoàn đấu tranh của các ngành nghề trong TUI. TUI với tư cách là thành viên của WFTU, tăng cường cam kết về đoàn kết và chủ nghĩa quốc tế trong tất cả các ngành nghề và trên toàn lục địa. 

3.    Ngày thứ ba: Báo cáo Chất lượng sản phẩm trong hệ thống nông nghiệp và lương thực toàn cầu.

Đ/c Jocelyne Hacquemand - Đại diện FNAF báo cáo tình hình chất lượng sản phẩm trong hệ thống nông nghiệp và lương thực toàn cầu, trong đó nhấn mạnh các vấn đề sau:

Hệ thống tư bản biến lương thực thành vũ khí chống lại tự do của con người, phá vỡ các cây trồng tự cấp và thay thế bằng những cây trồng xuất khẩu, bóc lột người dân và tài nguyên thiên nhiên, phá hoại dạng sinh học, tạo ra thế giới sống bằng cách cản trở họ sử dụng hạt giống tự có, tư nhân hóa nguồn gen của thế giới, độc quyền đất, biến lương thực thành hàng hóa, xâm phạm quyền cơ bản của con người để kiếm ăn từ việc đưa nông nghiệp vào luật của thị trường tư bản.

Mô hình trang trại đang chuyển hướng sang mô hình mới có sự bắt tay hợp tác giữa người nông dân và giới tư bản nhằm hiện đại hóa phương tiện, kỹ thuật sản xuất và biến chu trình sản xuất thành chuỗi khép kín. Loại hình nông nghiệp này ngày càng ít dựa trên mô hình gia đình truyền thống. Tập trung hóa sản xuất theo mô hình tư bản dẫn tới xu hướng dồn điền đổi thửa và thu hồi đất của nông dân khiến nông dân không còn là người sở hữu đất đai, giúp cho chủ nghĩa tư bản/đế quốc tích tụ đất đai, độc quyền phân bón, giống cây nông nghiệp và lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, đe dọa độc lập quốc gia và chủ quyền lương thực của người dân.


Báo cáo kêu gọi quyền về chủ quyền lương thực cho tất cả mọi người, chính sách nhà nước cần bảo vệ nền nông nghiệp nhỏ nhằm đảm bảo chủ quyền lương thực thiết yếu của nước đó, vô hiệu hóa lương thực thành vũ khí của chủ nghĩa đế quốc. Nông nghiệp phải đảm bảo công việc và phúc lợi. Nhà nước do và vì dân và NLĐ phải thực hiện các chính sách nông nghiệp và lương thực quốc gia đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực cho tất cả mọi người, đủ cả về số lượng và chất lượng, bao gồm cả bảo vệ truyền thống lương thực quốc gia. Các chính sách công này phải có lợi cho ngành nông nghiệp nhỏ tập trung vào các khía cạnh việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh thái, tạo khả năng thúc đẩy tiềm năng và năng lực nông nghiệp quốc gia.

Vấn đề lương thực, chủ quyền lương thực và đất đai thu hút được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu và đều nhất trí rằng đất đai là sở hữu của người dân, cần được đầu tư phát triển khoa học để tăng năng suất lao động và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Mô hình trang trại tập trung hay cánh đầu mẫu lớn cần do nông dân làm chủ và được chia sản phẩm/lợi nhuận công bằng.Việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp của người dân phải trên cơ sở tự nguyện. Người dân được chủ động trong việc tích trữ hạt giống và sản xuất cây giống mà không phải phụ thuộc vào các công ty tư bản độc quyền.

Hội nghị cũng nghe những chia sẻ kinh nghiệm, thành quả nông nghiệp của các đại biểu Ai Cập, CuBa, Maroc và Việt Nam và vai trò của chính phủ trong việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp bền vững đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, bảo vệ chủ quyền lương thực và góp phần cung cấp lương thực cho thế giới.

Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp với sự nhất trí cao của tất cả các đại biểu sau 03 ngày họp sôi nổi, nghiêm túc thể hiện tinh thần đoàn kết, xây dựng, thống nhất mạnh mẽ.


Sau khi Hội nghị kết thúc, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã thảo luận với đồng chí Julien Huck - Tổng thư ký TUI và đồng chí Freddy Huck - Ủy viên BCH FNAF-CGT về kế hoạch tổ chức hai hoạt động sau:

1. Tổ chức Hội nghị TUI khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất tại Hà Nội

Hai bên thảo luận về khả năng tổ chức Hội nghị tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch tổ chức trong năm 2018 nhưng do cả hai bên cần xác minh lại thông tin liên lạc của các tổ chức thành viên TUI trong khu vực nên đề nghị hoãn sang năm 2019 (và đã được Trung ương Đảng phê duyệt). Nhân dịp Hội nghị BCH TUI lần này, hai bên thống nhất sẽ tổ chức vào nửa đầu tháng 10/2019 gồm 05 nước trong khu vực Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Malaysia, Philippine, Việt Nam và mời thêm đại diện từ Triều Tiên. Phía Công đoàn ngành sẽ có trách nhiệm báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đề nghị Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn LĐVN kết nối thông tin liên lạc với Công đoàn thành viên WFTU trong khu vực Đông Nam Á để Công đoàn ngành gửi giấy mời tham dự Hội nghị. TUI sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức Hội nghị trên cơ sở Công đoàn ngành gửi dự trù kinh phí.

2. Tổ chức đoàn đại biểu song phương sang thăm FNAF-CGT năm 2019

Theo thỏa thuận song phương, hai bên duy trì trao đổi đoàn hàng năm giữa hai tổ chức. Năm 2018, đoàn đại biểu FNAF đến thăm Công đoàn ngành và kết hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn tại thành phố Ninh Bình, Hà Nội. Do vậy, FNAF mong muốn tiếp đón đoàn đại biểu Công đoàn ngành trong năm 2019, thời gian cụ thể do phía Công đoàn ngành đề xuất. Tuy nhiên, hoạt động song phương này không được Trung ương phê duyệt trong năm 2019 nên Công đoàn ngành đề nghị phía bạn tổ chức thăm FNAF trong năm 2020.  Phía bạn đã đồng ý chuyển thời gian tiếp đón đoàn đại biểu Công đoàn ngành sang năm 2020 và thời gian cụ thể do phía Công đoàn ngành đề xuất.

            3. Công đoàn ngành lương thực-đồ uống Hy Lạp đề nghị thiết lập quan hệ song phương giữa hai tổ chức công đoàn. Hai bên đã thống nhất trước tiên trao đổi thư từ thông tin liên lạc qua email nhằm tìm hiểu hoạt động giữa hai bên, từ đó nếu thấy phù hợp sẽ thiết lập quan hệ chính thức. Phía Công đoàn ngành sẽ xin ý kiến Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chủ trương trước khi trả lời chính thức về thiết lập quan hệ song phương với CĐ ngành lương thực-đồ uống Hy Lạp.

Tin cùng chuyên mục