Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Chủ nhật, 06/04/2025 | 16:37

Công đoàn Việt Nam

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong công nhân lao động

29/11/2018

Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã bằng nhiều biện pháp nỗ lực đưa những kiến thức về phòng, chống ma túy đến với công nhân, lao động, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên, đưa vào kế hoạch hoạt động hằng năm. Để thực hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, các cấp chính quyền và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả chương trình này.

Thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong công nhân lao động 

Hiện nay, việc xâm nhập và lan rộng của các loại ma tuý tổng hợp nguy hiểm nhóm ATS, cùng các chất hướng thần khác đang là mối nguy hại lớn đe dọa cuộc sống của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nói riêng và toàn xã hội hội nói chung. Theo kết quả kiểm tra về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma tuý, mại dâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 2 địa phương, thấy trong tổng số 2.476 người nghiện ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì có 362 người là công nhân (chiếm 14,6%); tại tỉnh Long An, thành phần là công nhân mắc nghiện là 202 người/1.728 người (chiếm 11,68%).

Về dịch HIV/AIDS, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay số người nhiễm HIV    đang còn sống là 208.371 trường hợp, tuy nhiên số quản lý được chỉ đạt 80%,  số bệnh nhân AIDS  trong tổng số người nhiễm HIV là 90.493 trường hợp. Dịch HIV/AIDS  đã xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố với 99,8% số quận huyện và trên 80,3% số xã, phường, thị trấn. Người nhiễm HIV được phát hiện vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi từ 20 đến 39 tuổi. Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng. Về nguy cơ lây nhiễm HIV trong CNVCLĐ: quan hệ tình dục không an toàn và tiêm chích ma túy là hai con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất hiện nay. Các khu công nghiệp, khu chế xuất là nơi tập trung nhiều công nhân lao động, trong đó nhiều người thiếu kiến thức về sinh hoạt tình dục an toàn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV trong công nhân lao động và ra ngoài cộng đồng. Do nhận thức còn hạn chế, không chủ động đề phòng cũng tạo thành nguy cơ đe dọa CNLĐ bị lây nhiễm HIV.


Tuyên truyền phòng chống tác hại ma túy trong CNLĐ tại "Ngày hội tư vấn" do TLĐ tổ chức tại Hải Dương

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải có những giải pháp thiết thực phòng, chống ma túy cho CNLĐ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với tổ chức Công đoàn - người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, thì nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giúp CNLĐ có đầy đủ kiến thức để đối phó với tệ nạn ma túy, tạo môi trường và phong cách sống lành mạnh, an toàn cho họ.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, thành phố đều xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đến các Công đoàn cơ sở, tạo thành mạng lưới truyền thông rộng khắp về công tác phòng, chống ma tuý.

Trong thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Ngày hội tư vấn về phòng, chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội tại 3 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa thu hút gần 3.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp tham gia. Công nhân lao động đã đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể, thiết thực liên quan đến phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội. Thông qua các buổi tư  vấn này, CNLĐ được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội để kịp thời giúp con, cháu hoặc những người sống xung quanh mình phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội. Các chuyên gia về phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội  được mời tư vấn cho công nhân lao động cũng đã đánh giá cao hiệu quả mang lại của buổi tư vấn.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty, căn cứ vào chủ trương, kế hoạch của Tổng Liên đoàn đã triển khai các hoạt động, cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về phòng, chống ma tuý,  hướng dẫn các chủ đề truyền thông; định hướng chính sách công tác phòng, chống  ma tuý cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác tuyên truyền đối với người nghiện ma tuý; huy động các doanh nghiệp tích cực tham gia công tác phòng, chống ma tuý cho công nhân lao động. Trong 4 năm qua, hệ thống Công đoàn cả nước đã ban hành trên 2.000 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở triển khai hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma tuý. Các cấp công đoàn đã tổ chức và tham gia được hàng nghìn cuộc mít tinh và diễu hành; tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống ma tuý cho công nhân, viên chức, lao động; đã in và phát hành nhiều loại tài liệu tuyên truyền về phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội, như: Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đã tổ chức được 1.964 buổi tuyên truyền trực tiếp cho 115.729 lượt công nhân lao động, tuyên truyền trên loa truyền thanh được 943 bài, cung cấp 35.653 tờ rơi, tờ gấp, treo 797 pa nô, áp phích và trên 3.000 sổ tay về kiến thức phòng, chống ma tuý cho công nhân, viên chức, lao động; đồng thời hằng năm Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đều tổ chức cho trên 140.000 CNLĐ đăng ký không để bản thân và người thân trong gia đình sử dụng, buôn bán và tàng trữ ma tuý. Kết quả đạt được là, đa số CNLĐ của Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đều có ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma tuý, đã góp phần hạn chế CNVCLĐ vi phạm vào các tệ nạn xã hội, giúp cho doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững. Để nhân rộng các điển hình về công tác phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đã thành lập và duy trì được 2 khu nhà trọ không ma tuý và tệ nạn xã hội tại nơi có đông công nhân lao động. Kết quả, sau một thời gian, tệ nạn xã hội ở những đơn vị này đã giảm rõ rệt, một số đơn vị không còn tồn tại các tệ nạn xã hội.

Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều mô hình tuyên truyền, như: Tập huấn, hội thảo, hội thi, mít tinh, ca nhạc truyền thông tại các khu cộng đồng, khu nhà trọ; biên soạn và phát hành các loại tờ gấp, áp phích có nội dung phù hợp với người lao động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của CNLĐ về phòng, chống ma tuý. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp lồng ghép tổ chức các cuộc toạ đàm, hỏi đáp về công tác phòng chống ma tuý. Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La hằng năm đều kiên trì tổ chức cho 100% các tổ chức Công đoàn huyện, thành phố, công đoàn ngành ký cam kết thực hiện “4 không” về ma tuý, đưa nội dung chấp hành Luật phòng, chống ma tuý vào chương trình công tác, bình xét thi đua trong năm và chỉ tiêu đơn vị văn hoá. Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tham gia xây dựng mô hình điểm về phòng, chống tệ nạn ma tuý ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, biên tập tờ rơi, tờ gấp phát hành đến tận công nhân lao động có nguy cơ cao về mắc các tệ nạn xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các lớp tuyên truyền về phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội tại những nơi tập trung đông công nhân lao động; Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã thường xuyên chức tuyên truyền ở các doanh nghiệp, trường học với hàng nghìn lượt công nhân lao động, học sinh và nhân dân, trong đó có nhiều đơn vị khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đông công nhân lao động và những đối tượng có nguy cơ cao mắc nghiện ma tuý tham gia. Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng là một trong những đơn vị duy trì tốt các mô hình câu lạc bộ, nhóm tình nguyện viên phòng, chống tội phạm trong doanh nghiệp và trên địa bàn dân cư, tiêu biểu như 9 câu lạc bộ “công nhân nhà trọ” và “tổ công nhân tự quản” gần 650 CNLĐ nòng cốt tại các quận, huyện: An Dương, Hồng Bàng, Vĩnh Bảo, An Lão, Dương Kinh và một số doanh nghiệp...

Tại tỉnh Điện Biên có số công nhân, viên chức, lao động mắc nghiện là 80 người. Nắm bắt được tình hình đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý, tuyên truyền về thực trạng tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn. Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều tổ chức các cuộc ra quân tuyên truyền phòng, chống ma tuý với đông đảo CNLĐ. Cùng đó, Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh đã tổ chức cho CNLĐ  ký cam kết trách nhiệm không vi phạm tệ nạn xã hội, không sử dụng ma tuý, không buôn bán và tàng trữ ma tuý… Các cấp công đoàn đã chủ động lồng ghép hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma tuý trong các hoạt động thường xuyên của tổ chức công đoàn, như hoạt động của “Tháng Công nhân”. Tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình cụm “Văn hóa Thông tin - Công nhân lao động” nhằm tạo sân chơi lành mạnh giúp CNLĐ và con em họ tránh xa ma tuý và tệ nạn xã hội khác. Công tác phòng, chống ma tuý trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học ở nhiều nơi được triển khai thông qua cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức với 8 giờ làm việc hiệu quả”,  Chương trình mục tiêu về phòng, chống ma tuý, tội phạm trong CNVCLĐ, gắn với mô hình hoạt động “Câu lạc bộ công nhân nhà trọ”, “Tổ công nhân tự quản”, thông qua đó nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ CNLĐ trong công tác phòng, chống ma tuý, tội phạm.

Một trong những nội dung chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động là chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai và nhân rộng “Khu nhà trọ công nhân không có ma tuý, tệ nạn xã hội” tại các tỉnh có khu công nghiệp, có đông công nhân lao động. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... kết quả đạt được từ mô hình “Khu nhà trọ công nhân không có tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội” là rất tích cực và rõ nét. Mô hình này tạo thuận lợi cho việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội phạm, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là tình hình tệ nạn xã hội trong các khu nhà trọ đều có chiều hướng giảm, nhận thức của công nhân lao động về công tác phòng, chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội ngày càng tăng do được tạo thuận lợi để tiếp cận và cập nhật thông tin. Từ mô hình này, nhiều công nhân lao động đã tự giác tham gia ký kết trách nhiệm không sử dụng ma tuý và không vi phạm các tệ nạn xã hội, nhờ đó tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tốt hơn.

Ở một số doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, việc triển khai công tác tuyên truyền sẽ do Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đảm nhiệm. Vì thế, công tác tuyên truyền có thể tạo thành một mạng lưới rộng khắp, đưa thông tin về phòng, chống ma tuý tới công nhân lao động. Nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc và coi việc tuyên truyền giúp công nhân viên chức lao động có đủ kiến thức phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động một số địa phương đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, hiện thực hóa chủ trương đưa nhiều thông tin về ma tuý, tội phạm tới công nhân lao động cả nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về ma tuý, tội phạm trong tổ chức Công đoàn được củng cố và được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng việc triển khai nhiệm vụ tuyên truyền tới các cấp công đoàn và công nhân lao động.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong công nhân lao động

Trước thực trạng còn nhiều khó khăn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết tâm chỉ đạo các cấp Công đoàn cả nước tăng cường các hoạt động nhằm đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống công nhân lao động.

Thứ nhất, Tổng Liên đoàn chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống ma tuý và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020; triển khai ký kết Liên tịch phòng, chống ma tuý và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giữa các cấp Công đoàn với Công an cùng cấp trên địa bàn.

Thứ hai, các cấp Công đoàn triển khai đồng bộ các hoạt động thông tin, truyền thông chuyển đổi hành vi cho cán bộ, CNLĐ về phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội; Tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp, truyền thông tổ nhóm, xây dựng và cấp phát tài liệu truyền thông về phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội đến công nhân lao động.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, triển khai đồng bộ và thường xuyên Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Tăng cường tuyên truyền và tổ chức kiểm tra đánh giá thực trạng tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, nhằm chủ động ngăn chặn và phòng, ngừa tội phạm, ma tuý trong công nhân lao động.

Thứ tư, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí Công đoàn trong việc tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma tuý và bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma tuý tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ngay từ gia đình, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình có hiệu quả cao, nghiên cứu xây dựng những mô hình mới phù hợp với tình hình đặc điểm từng địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, tổ chức Công đoàn cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an trong công tác tuyên truyền, cũng như hỗ trợ các giải pháp nhằm kiềm chế tệ nạn xã hội lan truyền tới CNVCLĐ. Đồng thời, tổ chức Công đoàn rất cần sự tham gia của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp trong cả nước. Chính quyền và doanh nghiệp là những cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người lao động nên sự vào cuộc của lực lượng này là cần thiết và nếu phối hợp hiệu quả với tổ chức Công đoàn thì việc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống CNLĐ sẽ đạt kết quả, để thực sự góp phần tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tin cùng chuyên mục