Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 05/04/2025 | 06:43

Hoạt động đối ngoại

Một số nội dung làm việc của Đoàn công tác Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tại Ai Cập

12/10/2017

Thực hiện Quyết định số 1312/TLĐ ngày 26/7/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam v/v cử cán bộ công tác tại Ai Cập, Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp đã cử đoàn cán bộ công tác theo lời mời của Công đoàn Nông nghiệp Ai Cập (GTUWA) từ ngày 24-29/9/2017. Đoàn gồm 3 người do đồng chí: Trần Thị Thanh - Ủy viên thường vụ,Trưởng Ban Tài chính làm Trưởng đoàn.

Trong các ngày công tác tại Ai Cập, đoàn công tác đã đến thăm, chào hỏi xã giao tại trụ sở GTUWA ở Cairo ngày 26/9/2017. Dự buổi tiếp đoàn có đ/c Mohamed Salem Mourad - Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp Ai Cập, đ/c Samy Mohamed Rezk - Tổng thư ký, ông Eid Abdel Fattah Mersal - phụ trách tài chính công đoàn và đại diện các phòng, bộ phận khác của GTUWA. Hai bên trao đổi các vấn đề về tình hình hoạt động sản xuất trong ngành cũng như tình hình lao động, việc làm, đời sống của cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động.

GTUWA hiện đang là tổ chức công đoàn lớn nhiều ngành nghề như: nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giáo dục, cải tạo đất,.... đại diện cho 2,15 triệu đoàn viên lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và cải tạo đất. GTUWA tổ chức theo vùng với 28 chi nhánh quản lý 420 công đoàn cơ sở với 420 đại diện công đoàn tại cơ sở, trở thành một trong những tổ chức công đoàn ngành nghề lớn nhất Ai Cập về số lượng đoàn viên và quy mô ngành nghề. Tuy nhiên, số lượng công đoàn cơ sở của GTUWA đã giảm 60 đơn vị so với năm 2015. Đoàn viên công đoàn do đó cũng giảm theo.

  Hai bên trao đổi về tình hình kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và đời sống lao động của mỗi nước. Theo đó, Ai Cập đang trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các nguồn thu ngoại tệ chủ chốt từ kênh đào Suez và du lịch đang sụt giảm là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới khủng hoảng kinh tế đất nước. Lạm phát cao cũng khiến cho cuộc sống của người nghèo và người có thu nhập thấp gặp khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, thâm hụt ngân sách lớn, dân số tăng nhanh, v.v.. khiến chính phủ Ai Cập không thể cải thiện các dịch vụ công cộng cho người dân. Chính Phủ Ai Cập đã soạn thảo một chương trình cải cách kinh tế 3 năm, trong đó chú trọng việc đảm bảo an ninh quốc gia, đẩy mạnh cải cách kinh tế và thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện hệ thống hạ tầng, đảm bảo minh bạch, chống tham nhũng, củng cố vai trò của Ai cập trong thế giới Arab cũng như tại châu Phi và trên trường quốc tế... Cùng với lạm phát, Chính phủ Ai Cập có chính sách thả nổi đồng bảng Ai Cập (L.E) (ví dụ: tỷ giá năm 2015 1USD= 800 L.E thì năm 2017 1USD=1.761 L.E) với hy vọng thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả, trong năm nay, Ai Cập thu hút được 32 tỷ USD đầu tư từ nước ngoài. Đời sống của người lao động có thu nhập thấp gặp khó khăn và chịu tác động lớn nhất từ thay đổi cơ cấu kinh tế. Giá cả một số mặt hàng tăng song những mặt hàng tiêu dùng và thiết yếu vẫn được đảm bảo, ví dụ: thực phẩm, các sản phẩm từ sữa, củ, quả.

Về nông nghiệp, Ai Cập có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trên 90% diện tích là sa mạc nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng góp 18%GDP, 20% giá trị xuất khẩu. Đó là nhờ các chính sách phát triển đúng hướng thông qua các kiến nghị, khuyến cáo của các viện, trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp, nhất là cải tạo đất sa mạc bỏ hoang thành những vùng nuôi trồng hiệu quả kinh tế cao; đồng  thời áp dụng công nghệ tiên tiến vào ngành nông nghiệp như tập trung nhân rộng giống cây chịu hạn, tốn ít nước và sử dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt. Hiện nay, theo quan sát của đoàn công tác, dọc theo đường cao tốc từ thủ đô Cairo đến thành phố biển Alexandria là các nông trại rộng lớn chuyên canh cây nông nghiệp đặc sản chất lượng cao như: chà là, ôliu, xoài, nho, chanh, hoa, v.v… xen kẽ các khu công nghiệp chế xuất nông sản và dầu mỏ. Dù là nước sa mạc nhưng nông sản Ai Cập rất đa dạng, ngành chăn nuôi bò, cừu rất phát triển đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm và ngành chế biến các sản phẩm từ sữa. Lúa gạo cũng được trồng tại Ai Cập nhưng không được mở rộng do cây lúa đòi hỏi tưới nhiều nước.

Trong buổi làm việc này, đoàn đại biểu Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã chuyển lời mời của đồng chí Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch CĐN, trân trọng kính mời đồng chí Mohamed Salem Mourad - Chủ tịch, cùng đoàn đại biểu Công đoàn Nông nghiệp Ai Cập sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào quý III/IV năm 2018 theo chương trình song phương.


Đoàn công tác trao quà lưu niệm cho đồng chí Chủ tịch GTUWA

GTUWA bố trí đoàn công tác đi thăm và giới thiệu một số điểm di tích, lịch sử văn hóa lâu đời của Ai Cập như du thuyền sông Nile, thăm quan Kim Tự tháp và nhà thờ Hồi giáo cổ tại Cairo, Pháo đài cổ QuaiBay và Cung điện của 7 vị vua Ai Cập tại thành phố biển Alexandria. Các hoạt động này đã góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa – lịch sử lâu đời của đất nước Ai Cập. Sự giao thoa giữa cổ đại, truyền thống và hiện đại đã tạo nên một đất nước Ai Cập biết phát huy những ưu thế của mình để bảo tồn và phát triển. Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đại biểu Công đoàn ngành bởi sự đón tiếp chu đáo, mến khách, thân thiện của GTUWA tại đất nước Ai Cập vẫn giữ gìn được rất nhiều giá trị cổ đại, đã và đang vượt qua điều kiện khắc nghiệt của khí hậu sa mạc để phát triển ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc sắc và đáp ứng phần lớn nhu cầu lương thực của đất nước. Đoàn đại biểu đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Ai Cập và hy vọng sang năm đón tiếp các bạn tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục