Công đoàn tham gia với chuyên môn nâng cao kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho đoàn viên đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
02/08/2017
Tổng số CBVC, LĐ toàn Trường hiện nay là 1.009 người, trong đó tại Phân hiệu có 221 người. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường hiện có 581 người, trong đó có 06 GS, 22 PGS, 11 NGƯT, 83 tiến sĩ, 347 thạc sĩ. Tổng số HSSV các hệ, các bậc đào tạo của Trường trên 15.000 (tại Phân hiệu khoảng 4000), đang theo học 36 ngành bậc đại học, 10 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và 6 chuyên ngành bậc tiến sĩ.
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân báo cáo tham luận tại Hội nghị ĐHTT giai đoạn 2013-2017
Công đoàn Trường có 34 công đoàn trực thuộc, trong đó có 01 công đoàn cơ sở thành viên, 16 công đoàn bộ phận và 17 tổ công đoàn trực thuộc; đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp từ tổ phó trực thuộc 98 người với hơn 1.000 đoàn viên.
Trường Đại học Lâm nghiệp có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho Ngành và cho đất nước. Công tác xây dựng đội ngũ luôn được chăm lo, chú trọng và được coi là giải pháp căn cơ để xây dựng, phát triển Nhà trường. Những năm vừa qua, Công đoàn Trường Đại học Lâm nghiệp luôn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBVC, LĐ, tích cực vận động CBVC, LĐ học tập nâng cao trình độ chuyên môn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch được giao.
Từ thực tế công tác tham gia cùng chuyên môn nâng cao kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho đoàn viên tại đơn vị, chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:
- Thuận lợi:
+ Đảng ủy Nhà trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, coi đây là một trong những giải chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và phát triển Trường bền vững;
+ Có sự đồng thuận giữa Ban giám hiệu và BCH Công đoàn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ nói chung và các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nói riêng;
+ Nhà trường đã có Quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quy định rõ lộ trình để đạt được các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của từng vị trí việc làm cùng với các chế tài, các giải pháp thúc đẩy. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được giữ nguyên lương, được hỗ trợ kinh phí, được tạo điều kiện thuận lợi để học tập;
+ CBVC, LĐ Nhà trường nhìn chung tâm huyết với nghề, tất cả vì người học, có ý thức vươn lên, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để đáp ứng yêu cầu.
- Khó khăn:
+ Trong vài ba năm gần đây, một số ngành nghề đào tạo của Trường tuyển sinh gặp khó khăn, quy mô giảm sút; kinh phí chi thường xuyên do Nhà nước cấp bị cắt giảm theo lộ trình hướng tới tự chủ; kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; tiền lương, thu nhập của CBVC, LĐ còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội cũng tác động đến tâm tư, việc học tập nâng cao trình độ của CBVC, LĐ.
+ Một bộ phận cán bộ, đoàn viên còn nặng tư tưởng bao chấp, trông chờ, ý chí phấn đấu vươn lên còn thấp; kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp làm việc, hiệu quả công tác, kiến thức thực tế còn hạn chế.
- Một số kết quả chính trong công tác tham gia với chuyên môn nâng cao kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho đoàn viên đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn:
+ Vận động cán bộ, đoàn viên đi đào tạo, bồi dưỡng: Từ năm 2013 đến 7/2017, số cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học trong nước là 151 người, đào tạo nước ngoài là 82 người; 71 người tốt nghiệp thạc sỹ, 65 người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 28 người được công nhận học hàm GS,PGS; 18 cán bộ hoàn thành lớp cao cấp lý luận chính trị; 1.270 lượt CBVC, LĐ tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn; 134 giảng viên được tập huấn phương pháp giảng dạy thực hành. Hiện nay, số cán bộ đang làm NCS là 124 người (trong nước 65, ngoài nước 59), đang học cao học 64 người (trong nước 51, nước ngoài 13).
+ Công đoàn tham gia với chuyên môn xây dựng được hơn 30 quy chế, quy định nội bộ, trong đó có nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ, và định kỳ được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
+ Phối hợp với chuyên môn thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy việc học tập, phấn đấu của cán bộ, đoàn viên như tổ chức dự giờ mỗi giảng viên ít nhất 2 lần/năm, báo cáo học thuật ít nhất 2 lần/năm. Đặc biệt, trong 2 năm 2016, 2017 đã tổ chức rà soát, đánh giá lại năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với 142 giảng viên trẻ dưới 15 năm công tác, bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực.
+ Các phong trào thi đua được tổ chức rộng khắp, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được đông đảo đoàn viên tham gia; đã có 2.784 lượt cá nhân dạt danh hiệu LĐTT, 829 lượt cá nhân đạt CSTĐCS; 23 cá nhân đạt CSTĐ cấp Bộ và toàn quốc; 121 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ, Chính phủ và Huân chương các loại; 46 cá nhân được tặng Bằng khen của Công đoàn ngành và Tổng LĐLĐVN.
+ Từ năm 2013 đến nay, đã hoàn thành và nghiệm thu 14 đề tài cấp nhà nước; 41 đề tài cấp bộ; 12 đề tài cấp tỉnh, thành phố và 247 đề tài cấp cơ sở phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời gian tới, trong công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
+ Làm tốt công tác tuyên truyền để thống nhất nhận thức xây dựng đội ngũ, nâng cao kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho CBVC, LĐ là nhiệm vụ, là giải pháp đặc biệt quan trọng để xây dựng, phát triển Trường. Đội ngũ cán bộ công đoàn cần tích cực vận động CBVC, LĐ chủ động, tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn vì sự phát triển của bản thân đoàn viên và Nhà trường. Giáo dục CBVC, LĐ về vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhất là đơn vị trường học, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay.
+ Tham gia với chuyên môn trong phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý, dành kinh phí thỏa đáng cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên (trong điều kiện nguồn kinh phí hạn chế, có thể phải cắt giảm các khoản phúc lợi trước mắt vì mục tiêu lâu dài); tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi học, nhất là cán bộ làm NCS trong nước.
+ Hàng năm, phối hợp với chuyên môn tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho CBVC, LĐ; định kỳ tổ chức tốt đánh giá lại năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên theo quy định nhằm thúc đẩy cán bộ tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.
+ Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đoàn viên, nhất là cán bộ giảng dạy đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại các địa phương, doanh nghiệp để nâng cao kiến thức thức, kinh nghiệm phục vụ công tác đào tạo, đồng thời tìm kiếm, thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, gắn Nhà trường với thực tiễn cuộc sống.
+ Chủ động tham gia cùng chuyên môn xây dựng và thực hiện các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhằm tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi để CBVC, LĐ yên tâm công tác, yêu nghề và không ngừng tự học nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn.