Giới thiệu tổ chức Công đoàn Xây dựng và Gỗ quốc tế (BWI)
27/02/2017
BWI hoạt động theo Điều lệ riêng, định kỳ 4 năm tổ chức đại hội một lần. Tại Đại hội, Ban Chấp hành sẽ được các đại biểu bầu ra theo đầu phiếu, từ đó bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban kiểm soát. Ban Chấp hành sẽ chỉ định bầu ra Tổng thư ký và trưởng các bộ phận chuyên đề. Tổng thư ký là người chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành trong việc điều hành công việc thường ngày và chỉ đạo các Tổng thư ký các khu vực thực thi và triển khai công việc được phân công và theo quyền hạn. Các ủy viên Ban Chấp hành BWI toàn cầu tiến hành họp định kỳ một năm 2 lần. Hiện nay, tổng thư ký điều hành BWI toàn cầu là ông Ambet Yuson người Phillippine, được Đại hội BWI lần thứ II năm 2009 bầu ra. Dự kiến, BWI sẽ tổ chức đại hội toàn cầu lần thứ IV vào cuối tháng 11/2017 tại Nam Phi.
BWI toàn cầu hiện nay có đại diện tại 4 Văn phòng khu vực (Trung Đông và Châu Phi, Châu Á và Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ Latin và vùng Carribe, và 9 Văn phòng dự án phân bố tại các khu vực trên. BWI cấp khu vực không tổ chức đại hội mà thông qua bỏ phiếu mở bằng hình thức giơ tay tại hội nghị khu vực để bầu Ban Chấp hành mới và các bộ máy liên quan. BWI khu vực châu Á – Thái Bình Dương có văn phòng tại thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia do ông Apolinar Tolentino làm tổng thư ký. Tại khu vực này, BWI có 89 tổ chức CĐ thành viên với 4.670.000 đoàn viên tại 20 quốc gia và lãnh thổ. Tại Việt Nam, BWI có thành viên chính thức là Công đoàn Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VFCU – thuộc CĐ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam) từ ngày 01/1/2013 và thời gian tới có thêm thành viên là Công đoàn Tổng công ty Xi măng Việt Nam (thuộc CĐ Xây dựng Việt Nam).
BWI với Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam
Từ năm 2005 thông qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BWI khu vực tiếp cận và thiết lập quan hệ với Công đoàn ngành để trao đổi thông tin và hỗ trợ Công đoàn ngành tập huấn cán bộ công đoàn các cấp trực thuộc, trong đó chú trọng vào các nội dung về lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững. Quá trình quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức chia làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn đầu tìm hiểu giữa hai bên, BWI hỗ trợ Công đoàn ngành mỗi năm tổ chức một lớp tập huấn cho 30-35 cán bộ công đoàn các đơn vị gỗ và lâm nghiệp.
- Giai đoạn 2007-2012: Công đoàn ngành và BWI tiếp tục phát triển, mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác thông qua các lần gặp gỡ, tổ chức tập huấn, tham dự hội nghị chuyên đề trong khu vực và từng bước đàm phán cử VFCU gia nhập BWI. Tháng 7/2011, Công đoàn ngành ra Quyết định số 211/QĐ-CĐN thành lập Nhóm công tác Lâm nghiệp, viết tắt là SGC, gồm 7 thành viên nòng cốt ở các đơn vị lâm nghiệp, với mục tiêu là tham gia với chuyên môn thúc đẩy công tác bảo vệ và phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ quyền lợi người lao động trong ngành. Trong giai đoạn này, BWI hỗ trợ Công đoàn ngành 19 hoạt động với tổng số tiền là 95.404 Franc Thụy Sỹ và mời tham gia 07 hoạt động quốc tế. Tổng số 746 lượt cán bộ công đoàn dự hội nghị, tập huấn do BWI tài trợ.
- Giai đoạn 2013-nay là giai đoạn Công đoàn ngành chỉ đạo VFCU trực tiếp tham gia các hoạt động với BWI khu vực với tư cách thành viên chính thức từ ngày 01/01/2013. Trong giai đoạn này, Công đoàn ngành cùng BWI chỉ đạo, hướng dẫn VFCU tham gia các hoạt động với BWI, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của một thành viên BWI. VFCU đồng thời chịu sự quản lý của Công đoàn ngành và BWI trong tất cả các hoạt động quốc tế, báo cáo định kỳ, báo cáo thực hiện dự án, nghĩa vụ đóng niêm liễm, v.v… BWI khu vực có trách nhiệm phối hợp với Công đoàn ngành hướng dẫn và chỉ đạo VFCU thực thi quyền và trách nhiệm của thành viên, hỗ trợ VFCU về kỹ thuật và tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi đoàn viên trong ngành, nâng cao nhận thức và kỹ năng hoạt động công đoàn. Kế thừa mối quan hệ sẵn có giữa Công đoàn ngành và BWI, VFCU đã có nhiều thuận lợi trong các hoạt động với BWI, chú trọng vào các nội dung về chứng chỉ rừng, phát triển rừng bền vững, quan hệ lao động hài hòa, tiêu chuẩn lao động quốc tế, an toàn sức khỏe lao động, v.v…. Do vậy, sau 4 năm (2013-2016) là thành viên BWI, VFCU tham gia 5 hoạt động quốc tế do BWI tổ chức, nhận tài trợ từ BWI trên một tỷ đồng để tổ chức 15 hoạt động cho các đơn vị lâm nghiệp và gỗ trực thuộc. Hàng năm, VFCU đóng niêm liễm cho hệ thống BWI theo đăng ký là 2.000 Franc Thụy Sỹ cho 1.000 đoàn viên thuộc BWI.
Nhìn chung, quá trình hợp tác giữa BWI và Công đoàn ngành trong hơn 10 năm qua đã đem lại nhiều thành tựu và kết quả tốt đẹp cho hai bên, đặc biệt về phía cán bộ công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn ngành. Nhận thức của cán bộ công đoàn được nâng cao rõ rệt trong một loạt nội dung mới như quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng, biến đổi khí hậu, trách nhiệm xã hội, cơ chế ba bên, tiêu chuẩn lao động ILO, thương lượng tập thể, … theo phương pháp mới. Công đoàn ngành và các đơn vị trực thuộc có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, mở rộng quan hệ với thành viên khác trong khu vực. Ngoài ra, hàng năm BWI hỗ trợ tài chính cho Công đoàn ngành và sau này là VFCU nên có thể coi đây là nguồn tài chính ổn định, góp phần phục vụ hoạt động công đoàn trong nước và tiết kiệm tài chính cho công đoàn. Tuy nhiên, quá trình hợp tác còn tồn tại một số vấn đề sau: hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động trong nước chưa có sự đổi mới và đa dạng; chưa tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động quốc tế nên hiệu quả từ hoạt động chưa cao như kỳ vọng.