Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 05/04/2025 | 06:49

Hoạt động đối ngoại

Kết quả hội thảo tập huấn kỹ năng phát triển đoàn viên theo phương pháp mới cho cán bộ công đoàn cơ sở

09/02/2017

Nằm trong chương trình hợp tác giữa Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (CĐN) và Công đoàn Thực phẩm Nauy (NNN) năm 2017, từ ngày 9-13/1/2017, hai bên đã gặp gỡ trao đổi tại Hà Nội và thông qua nội dung chương trình công tác của đoàn đại biểu NNN tại Việt Nam, trong đó trọng tâm là tổ chức và tham dự Hội thảo tập huấn “Kỹ năng Phát triển đoàn viên theo phương pháp mới” dành cho cán bộ Công đoàn cơ sở tại Buôn Mê Thuột từ ngày 11-12/1/2017.

Đoàn đại biểu NNN gồm có đ/c JanEgil Peterson - Chủ tịch, đ/c Anne Berit Aker Hansen - Phó Chủ tịch  thứ nhất, và đ/c Jarle Wilhelmson - Phó Chủ tịch thứ 2. Ngoài ra, đại diện cho Tổng công đoàn Nauy (LO) có đ/c Floro R. Francisco - Cố vấn, đại diện LO tại châu Á và đ/c Godfrey Mtindi - Cố vấn đại diện LO tại Châu Phi. Phía CĐN có đ/c Chủ tịch Vũ Xuân Thủy, đ/c Phó Chủ tịch TT Trần Văn Quý và đại diện các Ban CĐN dự và tiếp đón đoàn LO và NNN tại trụ sở Công đoàn ngành. Buổi gặp mặt giữa hai bên diễn ra trong không khí ấm áp, chân thành và hữu nghị phản ánh quan hệ tốt đẹp và truyền thống mà NaUy và Việt Nam đã và đang phát triển trong nhiều năm qua. Phía các bạn Nauy rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và vai trò bảo vệ quyền lợi đoàn viên khi cổ phần  hóa doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh CĐN đang giảm lượng lớn đoàn viên sau cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.


Hội thảo tập huấn “kỹ năng phát triển đoàn viên theo phương pháp mới” dành cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở diễn ra trong bối cảnh hoạt động công đoàn hướng về cơ sở và số lượng đoàn viên công đoàn trực thuộc CĐN giảm 29.000 người trong vòng 4 năm qua (2013-2016). Mục tiêu của hội thảo tập huấn là giúp cán bộ CĐCS tiếp cận và làm quen phương pháp mới trong phát triển đoàn viên trong bối cảnh quan hệ lao động và quan hệ giữa CĐ và người sử dụng lao động đang thay đổi và phức tạp hơn, tổ chức CĐ trở nên độc lập hơn song cũng gặp nhiều thách thức hơn so với trước cổ phần hóa DN.  Đ/c Phó Chủ tịch thường trực Trần Văn Quý đã giới thiệu khái quát về CĐN và tình hình phát triển đoàn viên trong giai đoạn 2013-2016, qua đó nêu khó khăn, thách thức và nguyên nhân dẫn đến phát triển đoàn viên đến hết tháng 11/2016 chỉ đạt 47,9% chỉ tiêu PTĐV cả nhiệm kỳ 2013-2018.  Tỷ lệ đoàn viên đạt 75,6% so với tổng lao động, đáng chú ý là CĐ Tổng công ty Cà phê chỉ đạt 42.3% do nhiều nguyên nhân như lao động nghỉ chế độ  hoặc xin thôi việc để nhận khoán trồng cà phê nên không còn là đoàn viên nữa trong khi lao động nhận diện tích khoán ít thì thu nhập không đảm bảo đủ để đóng các khoản phí bao gồm đoàn phí. Đây là một trong nhiều nguyên nhân không thu hút lao động tham gia sinh hoạt công đoàn và đóng đoàn phí cho tổ chức CĐ.  Một nguyên nhân khác là người lao động chưa thấy vai trò nổi bật của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là trong doanh nghiệp có trên 51% vốn nhà nước, chưa thấy sự khác biệt về quyền lợi khi tham gia và không tham gia tổ chức CĐ.


Chia sẻ kinh nghiệm về thu đoàn phí và PTĐV, đại diện Nauy đã giới thiệu những hoạt động mang tính hệ thống mà NNN đang thực hiện như: tuyên truyền tờ rơi giới thiệu về NNN bằng 12 ngôn ngữ khác nhau do ngày càng nhiều đoàn viên là NLĐ nhập cư làm việc tại Nauy, tặng phần thưởng có giá trị tăng dần dành cho hội viên giới thiệu thêm NLĐ gia nhập CĐ và có đóng đoàn phí, ký kết thỏa ước lao động tập thể và chỉ đoàn viên mới được hưởng lợi ích từ thỏa ước đó… Một số lợi ích của đoàn viên như: được CĐ hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp với chủ lao động, được hỗ trợ pháp lý liên quan đến công việc, được đảm bảo an ninh tại nơi làm việc, được hưởng hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng và học bổng; được tập huấn về đàm phán và quản lý công đoàn; được tiếp cận ngân hàng dữ liệu quy định về lao động; được nhận báo/bản tin công đoàn tại nhà 10 lần/năm. Ngoài ra, Tổng công đoàn Nauy cung cấp các dịch vụ khác cho đoàn viên như: bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm cuộc sống cơ bản, bảo hiểm tai nạn,… mà không mất thêm phí, bảo đảm khoản vay thông qua ngân hàng LO có cổ phần, hỗ trợ điện thoại và điện sinh hoạt với giá ưu đãi, hỗ trợ pháp lý cá nhân, hỗ trợ thuê xe, đặt phòng khách sạn cho kỳ nghỉ với giá ưu đãi, giảm giá mua vé vào công viên, một số triển lãm, v.v… Đoàn viên đóng đoàn phí theo phương thức: đóng 1,4% tổng thu nhập hàng năm cho NNN và tối thiểu 0,2% tổng thu nhập cho chi nhánh vùng của NNN và không phải nộp đoàn phí cho CĐCS. Mức nộp này được thông qua tại Đại hội NNN và chỉ những đoàn viên nộp đoàn phí mới có quyền ứng cử và bầu cử vào các vị trí trong cơ quan NNN. NNN sẽ là cấp đứng ra đàm phán và ký thỏa ước lao động tập thể với đại diện chủ lao động.

Tiếp đó học viên được truyền đạt kỹ năng phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐ tại cơ sở, bao gồm 3 giai đoạn: Chuẩn bị, Thành lập tổ chức, và củng cố tổ chức. Để thực hành kỹ năng, học viên được bố trí thảo luận theo nhóm, chuẩn bị các nội dung cần thiết trước khi đến hiện trường, tiến hành thu nhập thông tin, phỏng vấn người lao động và cộng đồng xung quanh cơ sở với từng nhiệm vụ khác nhau. Thông qua thực hành kỹ năng, học viên được tiếp cận với phương pháp mới, chủ động hơn trong phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Việc chuẩn bị tốt giai đoạn đầu của quá trình PTĐV trước khi tiếp cận hiện trường sẽ giúp kế hoạch có khả năng thành công cao hơn và tiết kiệm nguồn lực, đảm bảo tính bí mật để giảm nguy cơ bị cản trở từ phía chủ lao động.

           Trong hai ngày tập huấn, các học viên là cán bộ CĐCS đã tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu, chủ động trao đổi để hai bên cùng hiểu rõ hơn thuận lợi và khó khăn của mỗi bên trong hoạt động công đoàn nói chung và phát triển đoàn viên nói riêng. Kết thúc hội thảo, đại diện LO và NNN đã đánh giá tốt về kết quả và chất lượng tập huấn, thu nhiều thông tin thực tiễn, phản ánh đúng tình hình hoạt động CĐ hiện nay tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục