Hội nghị giao ban công tác công đoàn khối các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2016
21/11/2016
Chủ trì hội nghị: Đồng chí Ngô Thị Anh Tuyên - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Cục quản lý xây dựng công trình Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Hội nghị đã thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của các Ban quản lý dự án trong giai đoạn hiện nay, do Chính phủ tiếp tục thắt chặt đầu tư công nên giảm đầu tư các dự án, tình hình ngân sách khó khăn; các dự án được Bộ giao cho các Ban quản lý hạn chế, hoặc có dự án nhưng không được triển khai hoặc dừng thi công, dãn tiến độ, kéo dài từ 2 đến 3 năm so với thời gian hoàn thành được duyệt ban đầu; công tác giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vốn bố trí cho các dự án hạn chế; thu nhập của đoàn viên, người lao động giảm.
Về hoạt động công đoàn: Nhìn chung hoạt động Công đoàn khối các Ban quản lý dự án đã thực hiện tốt vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; làm tốt công tác từ thiện; tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tổ chức công đoàn tại các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực công tác, phối hợp phát động nhiều phong trào thi đua đối với tập thể, cá nhân trong CBCCVCLĐ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, ổn định tổ chức, đời sống, việc làm, cải thiện thu nhập cho đoàn viên, NLĐ và xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế sau: Hoạt động của công đoàn chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, chưa tập hợp và phát huy hết vai trò của tập thể và mỗi cá nhân đoàn viên; Hoạt động phong trào CBCCVCLĐ còn hạn chế về nội dung và hình thức; chưa chủ động tổ chức sinh hoạt công đoàn định kỳ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Một số đơn vị sự phối hợp giữa chính quyền và tổ chức Công đoàn còn nhiều hạn chế, do khó khăn về tạo việc làm, thu nhập cho CBCCVCLĐ dẫn tới hạn hẹp về nguồn thu và chi khiến quỹ phúc lợi eo hẹp, không có khả năng hỗ trợ cho các phong trào do công đoàn đề xuất; Mặt khác, cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm nên có ít thời gian dành cho phong trào công đoàn tại đơn vị.
Hội nghị đã thống nhất một số nội dung sau:
I. Về nhiệm vụ, giải pháp hoạt động trong thời gian tới
1. Thực hiện tốt chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết đại hội XII của Đảng, Nghị quyết công đoàn các cấp. Kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng chính đáng của CBCCVC,LĐ, cũng như chấn chỉnh kịp thời những tư tưởng sai lệch ảnh hưởng đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị.
2. Phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức tốt hội nghị cán bộ công chức, cùng thủ trưởng đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của CBCCVCLĐ, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong đoàn viên, NLĐ.
3. Chủ động, phối hợp với chính quyền đơn vị giải quyết thỏa đáng mọi chế độ của người lao động, đoàn viên trong quá trình tái cơ cấu ngành, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế của đơn vị.
4. Chủ động, tích cực đề xuất các giải pháp nhằm vận động CBCCVCLĐ hăng say lao động, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp hoàn thành vượt mức kế hoạch công tác, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi phí, phấn đấu công trình đạt tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật cao… nhằm góp phần chăm lo đời sống, việc làm và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Phấn đấu 100% CBCCVCLĐ có việc làm và thu nhập cao hơn năm trước.
5. Phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội công đoàn các cấp, công trình đạt chất lượng, mỹ thuật cao, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt công tác bình xét, phân loại và đề nghị các cấp khen thưởng kịp thời những đoàn viên đạt thành tích, tập thể vững mạnh, nghiêm túc kiểm điểm đoàn viên vi phạm, nhằm khích lệ các tập thể và đoàn viên công đoàn.
6. Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, chú trọng nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng hoạt động công đoàn, ưu tiên bồi dưỡng cán bộ mới tham gia lần đầu hoặc chưa được tập huấn, bồi dưỡng. Phấn đấu 100% cán bộ công đoàn từ tổ phó trở lên được bồi dưỡng lý luận công đoàn. Xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội nhiệm kỳ, triển khai kế hoạch đại hội CĐCS đến các tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, làm tốt công tác nhân sự Ban Chấp hành công đoàn nhiệm kỳ mới.
7. Tiếp tục giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng ủy xem xét kết nạp Đảng, giới thiệu nguồn cán bộ trong quy hoạch, đặc biệt là cán bộ nữ.
8. Thực hiện tốt chế độ thu, chi, thanh quyết toán tài chính công đoàn theo quy định của Pháp luật và quy định của TLĐ, Công đoàn cấp trên; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tài chính của các cấp CĐCS thành viên, CĐ bộ phận…; nghiên cứu tổ chức triển khai các hoạt động kinh tế để tạo thêm nguồn kinh phí, góp phần hỗ trợ nguồn tài chính phục vụ hoạt động phong trào và nâng cao đời sống cho người lao động.
9. Tăng cường công tác kiểm tra và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đúng quy định.
II. Về kiến nghị, đề xuất
1. Đối với Ban cán sự Đảng, Bộ Nông nghiệp và PTNT
- Đề nghị Ban cán sự Đảng bộ - Bộ Nông nghiệp và PTNT giữ nguyên cơ cấu tổ chức các Ban quản lý dự án như hiện nay, bởi mô hình hiện tại đã ổn định. Kiện toàn tổ chức công đoàn cho phù hợp quy định của Điều lệ CĐVN.
- Đề nghị Bộ bổ sung và tăng cường chức năng, nhiệm vụ hoạt động cho các Ban quản lý, bằng cách sửa đổi quy chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban quản lý dự án đã được Bộ ban hành tại Quyết định số 2734/QĐ-BNN-TCCB ngày 19/9/2007 về phê duyệt điều lệ và tổ chức hoạt động các Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi (để phù hợp với Luật đầu tư công , Luật xây dựng và các chính sách pháp luật mới phù hợp với các quy định hiện hành).
- Đề nghị Bộ quan tâm hơn nữa, phân bổ các dự án mới cho các Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi thuộc Bộ, đặc biệt là các công trình có quy mô vừa và lớn, tính chất phức tạp để gối đầu các dự án sắp kết thúc; xem xét phân cấp quản lý, hợp lý về công tác đầu tư xây dựng giữa các Ban thuộc Bộ và địa phương, tạo điều kiện cho CBCCVCLĐ có việc làm ổn định, đảm bảo đời sống thu nhập.
2. Đối với cấp ủy, Lãnh đạo các Ban quản lý dự án.
Quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về thời gian cho cán bộ công đoàn, hỗ trợ kinh phí cho tổ chức công đoàn của đơn vị hoạt động, thực hiện tốt chức năng, vai trò của tổ chức công đoàn.
3. Đối với Tổng Liên đoàn LĐVN.
- Đề nghị Tổng Liên đoàn LĐVN cần xem xét tăng phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn, động viên cán bộ tham gia hoạt động công đoàn.
4. Đối với Công đoàn ngành:
- Xem xét, kiện toàn tổ chức công đoàn (hiện nay còn 03 CĐCS: BQL các dự án Nông nghiệp, BQL các dự án Lâm nghiệp, Ban quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi hiện đang trực thuộc Công đoàn cơ quan Bộ), đề nghị chuyển về sinh hoạt trực thuộc Công đoàn Ngành để thuận tiện cho tổ chức chỉ đạo hoạt động chung toàn ngành (đã kiến nghị tại Hội nghị giao ban năm 2014).
- Tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn hội thảo với những nội dung thiết thực, phù hợp cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn không chuyên trách nâng cao được nhận thức và kỹ năng thực hành tại cơ sở.
- Định kỳ tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm về công tác công đoàn cho các đơn vị trong khối để cùng nắm bắt thông tin, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ, hợp tác với nhau vì sự phát triển chung của tổ chức công đoàn vững mạnh.