Hội nghị giao ban công tác khối các Công đoàn trường trực thuộc CĐN năm 2016
07/09/2016
Tham dự hội nghị có 75 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngành, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ, các Ban, Văn phòng Công đoàn ngành; Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn đại diện 33 Trường trực thuộc Công đoàn Ngành.
Chủ trì hội nghị: Chủ tịch Công đoàn Ngành và đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Hội nghị giao ban đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm học 2015 - 2016 của các Trường, thảo luận làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ năm học 2016- 2017 để có những giải pháp, những kiến nghị đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chức năng, Công đoàn Ngành, Tổng Liên đoàn LĐVN.
Một số khó khăn của các Trường trong giai đoạn hiện nay: nguồn kinh phí đầu tư từ NSNN còn thấp, một số Trường có vị trí cách xa trung tâm văn hóa, kinh tế chính trị của địa phương trở thành một rào cản trong hoạt động tuyển sinh và tổ chức phong trào; một số trường trong năm học 2015 - 2016 chỉ tuyển sinh được trên 50% chỉ tiêu đề ra ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức giảng dạy của nhà trường.
Công tác tuyển sinh hiện nay trong nhiều trường đào tạo nghề gặp khó khăn do tâm lý coi trọng bằng cấp đại học, các gia đình không muốn con đi học nghề. Thêm vào đó, giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông chưa được chú trọng, trong khi số lượng trường đào tạo nghề trong vùng quá nhiều nên tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trong tuyển sinh. Cơ chế tuyển sinh Đại học thay đổi, nhiều trường Đại học được tuyển sinh thông qua xét tuyển và được phép đào tạo nhiều hệ khác nhau dẫn đến số lượng học sinh học nghề không nhiều. Mặt khác, thị trường lao động nói chung và nhu cầu lao động tay nghề nói riêng bị tác động xấu do suy thoái kinh tế, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn dẫn tới không tuyển thêm lao động và mặt bằng lương trả cho người lao động không cao, khiến ngành nghề đó không còn hấp dẫn với HSSV.
Cơ sở vật chất phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo tuy đã được đầu tư nhìn chung vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Các trường mở thêm ngành mới đồng nghĩa với việc phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, kinh phí xây dựng hoàn thiện bộ giáo trình giảng dạy.
Một số Trường đóng trên địa bàn khu vực miền núi, Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chủ yếu là đồi núi, không thuận lợi cho sản xuất Nông lâm nghiệp và đời sống của người dân, điều kiện xã hội, dân trí chậm phát triển. Đời sống cán bộ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sống vào lương, trong tình hình giá cả thị trường tăng biến động nên cuộc sống chưa thật ổn định. Các tiêu cực về tệ nạn xã hội luôn rình rập, tác động vào nhà trường.
Hoạt động công đoàn: bên cạnh các thành tích hoạt động của khối các Công đoàn Trường là phối hợp tốt với Ban Giám hiệu triển khai nghiêm túc nhiệm vụ năm học, từng bước đổi mới, chủ động tham gia cùng Ban Giám hiệu chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức và NLĐ; hoạt động công đoàn đã gắn liền với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và mang ý chí, tiếng nói của CBVCLĐ, đoàn viên công đoàn vào trong nội dung của các văn bản, quy chế quy định trong nhà trường; Công đoàn thực sự là cầu nối giữa đoàn viên - người lao động và BGH góp phần xây dựng Trường vững mạnh, phối hợp hoạt động và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, bền vững và cùng phát triển.
Bên cạnh đó, hoạt động công đoàn còn một số tồn tại hạn chế, đó là: Một số Công đoàn Trường chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tại các Trường cán bộ công đoàn hiện nay đa số là hoạt động kiêm nhiệm, tuy đội ngũ cán bộ đã được trẻ hóa nhiều, song thời gian tham gia các hoạt động công đoàn còn hạn chế vì hầu hết cán bộ dành thời gian cho công tác chuyên môn và học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ… nên đã ảnh hưởng đến việc phát động, triển khai và tham gia các hoạt động công đoàn của các đơn vị. Kinh phí hoạt động Công đoàn khó khăn, hạn hẹp, thu không đủ chi nên luôn cần sự hỗ trợ từ Ban giám hiệu nhà trường và Công đoàn cấp trên trong các hoạt động.
Tại Hội nghị giao ban, các Trường đã có các kiến nghị, đề xuất như sau:
1. Đối với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT
1.1. Đề nghị Bộ tăng cường cơ chế chính sách để các Trường phát triển, thu hút số học sinh, sinh viên, người làm nông nghiệp tham gia học nghề ngày càng tăng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực lao động có tay nghề chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
1.2. Đề nghị Bộ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với Luật giáo dục nghề nghiệp để các Trường thực hiện.
1.3. Đề nghị Bộ cần có quy định chính sách ưu tiên và nâng mức lương tối thiểu cho giáo viên dạy nghề, có chế độ chính sách ưu đãi cho sinh viên học nghề các ngành thuộc Nông nghiệp, Lâm nghiệp…
2. Đối với Tổng Liên đoàn LĐVN và Công đoàn Ngành
2.1. Đề nghị Công đoàn Ngành cần có văn bản cụ thể hóa hơn về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa chính quyền và công đoàn các cấp để tạo cơ sở pháp lý cho Công đoàn cơ sở hoạt động.
2.2. Đề nghị tăng nguồn tài chính công đoàn cho hoạt động công đoàn cơ sở, hướng về cơ sở. Nâng mức chi phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách để cán bộ công đoàn tâm huyết hơn với hoạt động công đoàn.
2.3. Đề nghị tổ chức, phát hành nhiều tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác hoạt động của CĐCS sát với thực tế hơn.
2.4. Đề nghị Công đoàn Ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cán bộ công đoàn, các chuyên đề: kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của cơ sở; nghiệp vụ công tác nữ công, nghiệp vụ hoạt động của UBKT, tổ chức, tài chính... nhằm giúp cán bộ công đoàn cơ sở có cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động công đoàn.
2.5. Đề nghị tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn cho cán bộ CĐCS mới tham gia công tác công đoàn lần đầu để đảm nhiệm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở kết quả giao ban công tác, tổng hợp một số tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, những kiến nghị, đề xuất của các Trường trực thuộc, Ban Thường vụ Công đoàn Ngành có định hướng chỉ đạo và tổng hợp đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Liên đoàn LĐVN.