Kết quả công tác đối ngoại năm 2015 và Kế hoạch công tác đối ngoại năm 2016
08/01/2016
Hoạt động ngành nghề tại cơ sở thu hẹp cùng với nguồn tài chính hạn chế đã khiến cho công tác triển khai hoạt động đối ngoại bị ảnh hưởng không nhỏ. Các hoạt động đối ngoại tại Công đoàn ngành được tính toán sao cho tiết kiệm, ngắn gọn mà hiệu quả nhất.
Mặt khác, bối cảnh chính trị - an ninh trên thế giới ngày càng phức tạp tác động đến tính ổn định trong quan hệ song phương với các tổ chức Công đoàn cùng ngành nghề tại các quốc gia đang bất ổn về an ninh xã hội, an toàn hàng không, v.v... Trước những khó khăn đó, mặc dù số lượng hoạt động đối ngoại bị cắt giảm cả về số đoàn và số người tham gia, Công đoàn ngành đã cố gắng phát huy mọi khả năng và kết hợp các nguồn lực để hoàn thành tốt các hoạt động đối ngoại của Công đoàn ngành cũng như được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn giao.
Kết quả chính các mặt công tác đối ngoại năm 2015
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hoạt động đối ngoại và quản lý hoạt động đối ngoại và được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã quán triệt, triển khai và quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động đối ngoại, đoàn ra - đoàn vào trong năm 2015. Cụ thể:
1. Lập kế hoạch và xây dựng chương trình, nội dung trong đón tiếp đoàn vào và tổ chức đoàn ra theo đúng quy định.
- Đối với đoàn vào, Công đoàn ngành đón tiếp chu đáo, thể hiện lòng hiếu khách và tình đoàn kết với Công đoàn bạn thông qua các hoạt động cụ thể và thiết thực. Công đoàn ngành đã tổ chức các buổi làm việc tại cơ sở để công đoàn bạn hiểu rõ hơn về ngành cũng như tình hình hoạt động công đoàn tại Việt Nam để từ đó trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn của nhau và thế mạnh của mỗi bên đang có.
- Đối với đoàn ra, Công đoàn ngành luôn chuẩn bị kỹ chương trình, nội dung trao đổi giữa hai bên trước khi đoàn khởi hành và mục tiêu kỳ vọng trong chuyến công tác đó.
2. Quản lý cán bộ đi công tác nước ngoài trong quá trình công tác tại nước ngoài để tránh rủi ro, tai nạn hay ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của đoàn. Trước khi đi, Trưởng đoàn sẽ nhóm họp đoàn để thống nhất chương trình, nội dung và quán triệt tư tưởng cho các thành viên trong đoàn. Thông thường, trưởng đoàn sẽ là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Công đoàn ngành.
3. Quản lý hồ sơ, hộ chiếu công vụ với cán bộ công đoàn trước và sau mỗi chuyến đi. Khi kết thúc chương trình, Trưởng đoàn sẽ thay mặt đoàn công tác viết báo cáo kết quả chuyến công tác gửi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và các đơn vị cử cán bộ tham gia đoàn. Hộ chiếu công vụ của cán bộ chuyên trách khi nghỉ hưu sẽ được lưu trữ tại Ban Tổ chức (bộ phận đối ngoại) của Công đoàn ngành.
4. Công tác đối ngoại hiện đang thực hiện tại Ban tổ chức, phân công cán bộ kiêm theo dõi, thực hiện công tác đối ngoại của Công đoàn ngành (không tách riêng ban).
Kết quả năm 2015, Công đoàn ngành đã triển khai tổ chức 4 đoàn ra và chuẩn bị đón tiếp 5 đoàn quốc tế vào thăm Công đoàn ngành. Cụ thể:
- Về đoàn ra: Cử 3 đồng chí dự các hoạt động của BWI khu vực tại Myanma và Philippines; Cử 1 đồng chí dự Hội nghị Ban chấp hành CĐ Nông lâm thế giới và Hội thảo về An ninh lương thực tại Pháp; Cử 4 đồng chí tham gia đoàn công tác trao đổi đoàn song phương theo thỏa thuận với Công đoàn Nông nghiệp Ai Cập; và cử 02 đồng chí chủ tịch CĐ (TCT Mía đường 1 và TCT Cà phê VN) tham gia đoàn công tác của chuyên môn tại Ấn Độ và Hàn Quốc.
- Về đoàn vào: đón tiếp các đoàn đại biểu của Công đoàn Nông lâm thế giới (UIS) về xúc tiến khả năng thành lập văn phòng UIS tại Công đoàn ngành; đoàn đại biểu Công đoàn Nông lâm Pháp (CGT) tìm hiểu và xúc tiến thương mại chè; đoàn đại biểu Công đoàn Thực phẩm Ai Cập trao đổi quan hệ song phương; đoàn đại biểu Tổng công đoàn Tây Ban Nha; Phó Chủ tịch Công đoàn Thực phẩm Nauy v/v ký bản ghi nhớ hỗ trợ Công đoàn ngành đào tạo cán bộ; đoàn đại biểu Tổng công đoàn Belarus v/v ký hợp tác song phương.
Trong quá trình triển khai, Công đoàn ngành gặp một số khó khăn sau:
- Nguồn lực tài chính cho hoạt động đối ngoại còn hạn hẹp, áp dụng theo quy định của Nhà nước trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng nên đôi khi khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Vì là kiêm nhiệm công tác đối ngoại nên cán bộ làm đối ngoại không thể dành toàn bộ thời gian làm việc cho hoạt động đối ngoại, phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng công tác đối ngoại của Công đoàn ngành.
- Việc chi trả cho các khoản phát sinh trong quá trình công tác nước ngoài gặp khó khăn bởi đây là các khoản phát sinh, không lường trước được khi trình lên Tổng Liên đoàn nên trong quyết định của Tổng Liên đoàn cũng không thể đề cập rõ chi tiết các khoản đó.
- Công đoàn ngành có thể chủ động liên lạc, giao dịch bằng tiếng Anh song với các ngôn ngữ nước ngoài khác thì chưa thể, do vậy cũng ảnh hưởng đến tiến độ liên lạc, trao đổi thông tin với các tổ chức sử dụng ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh.
Các đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại
1. Việc chi trả các chế độ cho cán bộ đi công tác nước ngoài
Tổng Liên đoàn cần quy định rõ trong Quyết định cử đoàn công tác nước ngoài như sau: Đối với các khoản phát sinh khác ngoài các khoản đã được quy định trong Quyết định này mà không được phía bạn chi trả thì đơn vị cử cán bộ đi công tác nước ngoài có trách nhiệm thanh toán theo quy định tại Thông tư 102/2012/TT-BTC.
2. Về đoàn ra - đoàn vào
Trong những năm vừa qua, số lượng đoàn ra bị giảm đi đáng kể về số đoàn và số lượng đại biểu trong đoàn trong khi đó số đoàn vào không giảm. Điều này tạo sự mất cân đối trong quan hệ song phương giữa tổ chức công đoàn Việt Nam với các công đoàn bạn. Đặc biệt, nếu cắt giảm đoàn ra với tư cách là thành viên dự các hoạt động của các tổ chức công đoàn quốc tế thì sẽ giảm tiếng nói của tổ chức Công đoàn ngành Việt Nam trên diễn đàn thế giới và hạn chế khả năng tham gia đóng góp vào sự phát triển và tình đoàn kết của tổ chức công đoàn Việt Nam như chúng ta đã cam kết khi gia nhập thành viên. Do vậy, đề nghị Ban Đối ngoại trung ương và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn giữ nguyên đề xuất “đoàn ra” của Công đoàn ngành.
3. Về hỗ trợ đại diện Công đoàn ngành liên hệ với các tổ chức không dùng tiếng Anh
- Đề nghị Ban đối ngoại Tổng Liên đoàn hỗ trợ, cử cán bộ đại diện giao dịch, thông tin cho Công đoàn ngành các hoạt động trao đổi để giữ mối liên hệ công tác và xây dựng kế hoạch hợp tác trao đổi hoạt động được kịp thời, cụ thể: Công đoàn Nông lâm thế giới (UIS), Công đoàn Nông lâm Pháp (CGT)…..
Phương hướng hoạt động đối ngoại năm 2016
Căn cứ vào kết quả công tác đối ngoại đạt được trong những năm qua và căn cứ vào thực tiễn tình hình an ninh, chính trị trên thế giới và trong khu vực, khả năng tài chính của Công đoàn ngành, Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2016 với chủ trương:
1. Tiếp tục duy trì và củng cố mối quan hệ vốn có giữa các tổ chức công đoàn các nước bạn nhằm tăng cường tình đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau trong hoạt động công đoàn.
2. Tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức công đoàn quốc tế trong việc nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ công đoàn, đặc biệt cán bộ công đoàn cơ sở thông qua các lớp tập huấn, đào tạo và trao đổi kinh nghiệm.
3. Rà soát và xem xét lại các hoạt động đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào) nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và có ích cho hoạt động công đoàn đồng thời tiết kiệm chi phí.