Kết quả công tác của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT VN tại Ai Cập
07/09/2015
A/ Làm việc với Lãnh đạo GTUWA tại trụ sở GTUWA, Cairo ngày 03/8/2015
Dự buổi tiếp đoàn có ông Mihamed Salem Mourad – Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp Ai Cập, ông Samy Mohamed Rezk – Tổng thư ký, ông Eid Abdel Fattah Mersal – phụ trách tài chính công đoàn và đại diện các phòng, bộ phận khác của GTUWA. Hai bên trao đổi các vấn đề về tình hình hoạt động sản xuất trong ngành cũng như tình hình lao động, việc làm, đời sống của cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động.
GTUWA hiện đang là tổ chức công đoàn lớn nhiều ngành nghề như: nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giáo dục, cải tạo đất,... đại diện cho trên 3,2 triệu đoàn viên; trong đó 1,2 triệu đoàn viên làm việc trong các cơ quan của chính phủ (regular) và trên 2 triệu đoàn viên thuộc các đơn vị khác ngoài chính phủ (irregular). GTUWA tổ chức theo vùng với 28 chi nhánh (branch) quản lý 480 công đoàn cơ sở, trở thành tổ chức công đoàn ngành nghề lớn nhất Ai Cập về số lượng đoàn viên và quy mô ngành nghề. Tổng số cán bộ công đoàn chuyên trách là 800 người, trong đó cơ quan GTUWA tại Cairo có 54 người. Cán bộ cơ quan GTUWA cũng được chia theo các phòng, ban khác nhau trong đó Ban Đối ngoại có 6 người, Ban Tài chính có 20 người.
Việc gia nhập đoàn viên là tự nguyện nên khi có đoàn viên không nằm trong ngành nghề nông nghiệp mà muốn gia nhập GTUWA thì Ban lãnh đạo GTUWA sẽ xem xét và chứng nhận trở thành đoàn viên hoặc công đoàn trực thuộc. Ngoài các đơn vị công đoàn ngành hẹp, GTUWA quản lý một trung tâm đào tạo cho cán bộ công đoàn cũng như đoàn viên về kỹ năng nghề với nhiều hoạt động đào tạo thường xuyên. Đoàn phí công đoàn được thu theo định mức mỗi năm một lần, tương đương với 10 USD/người/năm. Sau đó, GTUWA sẽ phân bổ kinh phí công đoàn thu được theo tỷ lệ sau: 60% chuyển cho CĐCS hoạt động, 30% giữ lại công đoàn ngành và 10% nộp cho Tổng công đoàn Ai Cập.
Chính sách cho cán bộ đoàn viên công đoàn GTUWA được hưởng theo chế độ của cơ quan chính phủ, được đảm bảo tiền lương và các chế độ phúc lợi như bảo hiểm xã hội, y tế, phúc lợi xã hội,v.v... không chỉ cho bản thân người đó mà người thân (bố mẹ, vợ/chồng, con) cũng được đảm bảo chi trả. Đây là một ưu thế hơn so với khối tư nhân mà cán bộ đoàn viên công đoàn GTUWA có được, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến.
Qua trao đổi, hai bên cùng có quan điểm và nhìn nhận về các vấn đề hiện nay như:
1. Quá trình cổ phần hóa và tư nhân hóa doanh nghiệp gây mất việc làm và thất thoát tài sản nhà nước, gia tăng tham nhũng. Đây là hiện trạng đã và đang xảy ra ở cả Ai Cập và Việt Nam. Vấn nạn này đã đẩy người lao động đến tình cảnh mất việc làm hoặc thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh. Quyền lợi của người lao động không được quan tâm, một bộ phận lao động trở thành thất nghiệp, lương không đủ sống hoặc đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Quan hệ lao động trở nên phức tạp và dễ xung đột về quyền lợi; môi trường, an toàn lao động không được đảm bảo. Trước những vấn đề nhức nhối hiện nay về biến đổi phức tạp trong quan hệ lao động ngành nghề và quyền lợi người lao động bị xâm phạm, Ban Lãnh đạo GTUWA và đoàn đại biểu Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cùng chia sẻ những thách thức, khó khăn trong hoạt động công đoàn cũng như các biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động xấu lên người lao động và tăng cường bảo đảm, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đoàn viên trong ngành.
2. Tình hình kinh tế - chính trị thế giới chuyển biến phức tạp tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như hoạt động công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi người lao động và phát triển đoàn viên bền vững. Phía Việt Nam chia sẻ khó khăn trong ngành nông nghiệp vốn chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu và thiên tai khi mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 12-15 cơn bão từ biển Đông và đặc biệt là diễn biến phức tạp trên biển Đông gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam cũng như đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam trên ngư trường truyền thống, gây thiệt hại về tài sản, việc làm và thu nhập của họ. Ban Lãnh đạo GTUWA đã chia sẻ sâu sắc những khó khăn đó của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trong việc chỉ đạo hoạt động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đoàn viên đánh bắt trên biển.
3. Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều cơ hội song cũng có nhiều thách thức mà mỗi bên cần thích ứng, đó là: thể chế pháp luật chưa đồng bộ, chất lượng hàng hóa và trình độ tay nghề của người lao động chưa cao. Do vậy, công đoàn ngành có vai trò rất lớn trọng việc yêu cầu chính phủ thúc đẩy quá trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
4. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tạo mối liên kết giữa các tổ chức công đoàn ngành nghề thế giới để tăng cường tiếng nói trong việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn, bảo vệ người lao động. GTUWA đề nghị tăng cường trao đổi trực tiếp giữa hai tổ chức lên 2 đoàn/năm và cho rằng số đoàn trao đổi hiện nay là quá ít, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về trao đổi thông tin và kinh nghiệm hoạt động công đoàn giữa 2 nước. Riêng đề nghị này, đoàn đại biểu Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ghi nhận và sẽ trả lời sau khi có sự đồng ý từ Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
B/ Tiếp xúc và trao đổi thông tin với Ban Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Ai Cập (Agriculture Research Centre - ARC) ngày 6/8/2015
Tiếp đoàn đại biểu Việt Nam có Tiến sỹ Abdel Momem Al.Bana – Giám đốc Trung tâm và các ông Phó Giám đốc, Trưởng đại diện các phân viện nghiên cứu của Trung tâm. ARC, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất Ai Cập, là cơ quan nghiên cứu chủ lực của Ai Cập trong lĩnh vực nông nghiệp, có nhiệm vụ nghiên cứu và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng nông sản và nâng cao tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp vốn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, khan kiếm đất và nguồn nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và giảm bớt phụ thuộc vào nguồn lương thực ngày càng tăng giá trên thị trường thế giới.
Trung tâm hiện có 16 Viện thành viên chuyên về nghiên cứu, 13 trung tâm thí nghiệm và 6 văn phòng quản trị. Thế mạnh của Trung tâm về các lĩnh vực: nghiên cứu bông vải; môi trường, nước và đất; bảo vệ thực vật; bảo tồn gen; sản xuất vacxin cho con giống gia súc và chăn nuôi gia súc với 2 sản phẩm chính là bò và trâu; cơ khí nông nghiệp; truyển giao kỹ thuật công nghệ và cây giống, con giống cho nông dân và hỗ trợ đưa vào sản xuất đại trà. Ngành nông nghiệp Ai Cập có cơ chế tốt trong giải quyết mối quan hệ quyền lợi giữa 3 nhà: nhà nghiên cứu – nhà doanh nghiệp và người nông dân với sự bảo trợ cao của chính phủ. Do vậy, lương và phúc lợi cho các nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu luôn được đảm bảo và cao hơn so với khối tư nhân. Trong thời gian qua, chính phủ Ai Cập đã quan tâm nhiều hơn đến vai trò của người lao động nữ trong nông nghiệp nông thôn bởi họ là người trực tiếp tạo ra sản phẩm, trực tiếp áp dụng công nghệ và chiếm phần đông trong lực lượng lao động nông thôn. Kết quả, trong vòng 40 năm qua, ngành nông nghiệp Ai Cập tăng trưởng gấp 2 lần, đáp ứng 92% nhu cầu lương thực, thực phẩm của đất nước.
Riêng về ngành mía đường, Trung tâm có 1 Viện nghiên cứu mía với 2 sản phẩm truyền thống là đường từ mía và đường củ cải. Trong những năm gần đây, Viện tập trung nghiên cứu và trồng thí điểm loại cỏ ngọt có hàm lượng đường cao gấp 200 lần sau khi chiết xuất so với đường từ mía và củ cải. Tuy nhiên, sản phẩm chiết xuất chủ yếu được dùng để làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và làm thực phẩm thay đường cho những người ăn kiêng, tiểu đường. Phía Việt Nam cũng đã trao đổi về giống cỏ này và cho biết Việt Nam đã thí điểm trồng loại cỏ trên 5 năm trước nhưng do không có giá trị dinh dưỡng (ít calo) và ngành công nghiệp chiết xuất chất tạo ngọt từ cỏ chưa phát triển nên mới dừng lại ở thí điểm, chưa được bà con nông dân trồng mở rộng. Do vậy, hiện nay ngành mía đường Việt Nam vẫn chủ yếu trồng và sản xuất đường từ cây mía truyền thống.
ARC cũng thừa nhận ngành cà phê và hồ tiêu tại Ai Cập chưa được đầu tư và phát triển do một số nguyên nhân khách quan về thổ nhưỡng và khí hậu, do vậy rất ngưỡng mộ với thành tựu đạt được của Việt Nam trong các lĩnh vực này và hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác trong nghiên cứu nông nghiệp nói chung cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất và xúc tiến thương mại nông sản, đặc sản nói riêng.
C/ Thăm quan công trình thủy lợi – Kênh đào Suez ngày 9/8/2015
Kênh đào Suez là kênh giao thông đường thủy nhân tạo nằm trên lãnh thổ vùng Ismailia của Ai Cập. Mặc dù đây là công trình phục vụ chủ yếu cho giao thông đường thủy song Kênh đào Suez còn có ý nghĩa trong việc cung cấp, điều hòa nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng trong các trang trại nông nghiệp trong vùng với nhiều cây đặc sản như xoài, chanh, chà là, ngô, chuối, v.v.... Hệ thống tưới tiêu được dẫn theo đường ống từ kênh đào và nhánh sông Nile đến khắp các trang trại nên giảm thiểu thất thoát nước do bốc hơi dưới nắng nóng sa mạc và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả hơn. Do đó, cây xanh được phủ rộng nhiều nơi trong vùng và trang trại phát triển nhờ có nguồn nước tưới ổn định.
Đoàn đã đến thăm Kênh đào Suez cũ và Kênh Suez mới (dài 72km, được khánh thành ngày 6/8/2015 với sự tham dự của các nguyên thủ đến từ 185 nước). Kênh Suez mới sâu 60m được khởi công tháng 8/2014 và hoàn thành trong vòng 1 năm là một thành tích tự hào của người dân và đất nước Ai Cập, sẽ góp phần tăng GDP cho Ai Cập thông qua nguồn thu từ giao thông đường thủy của tàu biển vận tải và du lịch vốn đang đóng góp 30% GDP của Ai Cập (kênh Suez cũ), chưa kể nguồn lợi đem lại cho sản xuất nông nghiệp của đất nước.
Sau 7 ngày làm việc tại Ai Cập, đoàn đại biểu Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã được trực tiếp trao đổi, tiếp cận với các hoạt động công đoàn của bạn và hiểu sâu hơn vai trò đại diện của GTUWA cũng như vai trò của ARC trong việc góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Ai Cập cũng như lao động – đoàn viên nông nghiệp Ai Cập. Bên cạnh các hoạt động ngành nghề, GTUWA đã bố trí các buổi thăm quan để góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa – lịch sử lâu đời của đất nước Ai Cập. Sự giao thoa giữa cổ đại, truyền thống và hiện đại đã tạo nên một đất nước Ai Cập biết phát huy những ưu thế của mình để bảo tồn và phát triển. Đoàn đại biểu Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cũng ghi nhận lòng yêu nước, niềm tự hào và sức mạnh đoàn kết dân tộc của người dân Ai Cập khắp trên đường phố, phương tiện truyền thông, trụ sở, nhà dân,...trong dịp kỷ niệm thành lập kênh đào Suez mới. Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đại biểu Công đoàn ngành bởi sự đón tiếp chu đáo, mến khách, thân thiện của GTUWA với một đất nước Ai Cập cổ kính và hiện đại, đã vượt qua điều kiện khắc nghiệt của khí hậu sa mạc để phát triển ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc sắc và đáp ứng phần lớn nhu cầu lương thực của đất nước. Đoàn đại biểu đã ghi nhận những chia sẻ của bạn trong việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và cải tạo đất trồng canh tác nhằm chống sa mạc hóa và thích ứng biến đổi khí hậu – đây cũng là những vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.