Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ năm, 17/04/2025 | 23:20

Trang chủ tiêu điểm - trang cũ

Vai trò của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành nông nghiệp tham gia thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7, Khóa X, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

05/08/2008

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Sau 10 năm triển khai thực hiện NQ 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện đường đối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã được thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường. Dân chủ cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Kết quả đạt được trong 10 năm quả là rất to lớn, có sự đóng góp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn trong ngành nông nghiệp, thông qua các phong trào thi đua yêu nước đã thu được những kết quả nổi bật là:

I. Kết quả đạt thực hiện Nghị quyết 26:

1. Về nhận thức: Đây là Nghị quyết toàn diện nhất từ trước tới nay, nó đã giải quyết mọi mặt về nông nghiệp, đời sống của cư dân đang sống khu vực nông thôn. NQ 26 ra đời đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và đi vào cuộc sống. Các cấp, các ngành từ Trung ương xuống địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng bộ với các nghị quyết khác của Đảng trên địa bàn nông thôn.

Đã tạo được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Chuyển từ sản xuất qui mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ sang chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới tổ chức sản xuất, quản lý; bảm sát thị trường, tăng cường quản lý chất lượng, ATVSTP bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

2. Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn:

- Trong lĩnh vực nông nghiệp:

+ Đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, phù hợp với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu; chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô năng suất và chất lượng ngày càng cao; các loại cây, con có giá trị và lợi thế của Việt Nam tiết tục được duy trì và phát triển; coi trọng ATVSTP, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn; cơ cấu ngành hàng, sản phẩm tăng rõ rệt.

Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ; đặc biệt là công nghiệp chế biến, ứng dụng KHKT, công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Cơ giới hóa trong nông nghiệp được áp dụng rộng rãi. Hạn chế tổn thất sau thu hoạch. Cơ cấu lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm từ 51,8% của năm 2008 xuống còn 40,3% năm 2017.

+ Đẩy mạnh ứng dụng NCKH, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, tạo đột phá hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn: Từ 2009-2017 Bộ Nông nghiệp đã công nhận 309 giống cây trồng và 203 tiến bộ kỹ thuật mới. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được Chính phủ, doanh nghiệp và người dân quan tâm, đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp.

Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành. Trong 10 năm qua, Bộ đã đào tạo 7.032 người có trình độ trên đại học và 182.819 người có trình độ đại học, cao đẳng.

Trong 10 năm (từ 2008-2018) tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt BQ 2,66%/năm; giá trị SX tăng 3,9%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng BQ 9,24%/năm. Riêng năm 2017 đạt 36,52% tỷ USD. Đã có 10 mặt hàng xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới. Thu nhập BQ hộ gia đình nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017. Góp phần giảm hộ nghèo nông thôn BQ 1,5%/năm. Đến năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (Mục tiêu ĐH Đảng XII là 42% vào năm 2020).

- Về nông dân:

+ Đã tập trung công tác giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn. Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

+ Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, theo tiêu chuẩn giảm nghèo đa chiều khu vực nông thôn từ 13,5% năm 2008 xuống còn 8,0% năm 2017.

+ Sắp xếp lại cư dân nông thôn, nhất vùng dự án, vùng thiên tai, biên giới, hải đảo, di dân tự do và khu rừng đặc dụng. Xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu, hoàn thành di chuyển toàn bộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ.

+ Thực hiện Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ 2010-2017 đã có 1.498.918 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông (năm 2017 số lượng đào tạo gấp 1,73 lần năm 2010).

+ Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (2013-2016): đã tập trung bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị là 7.749,9 tỷ đồng, với 304.017 hộ nông dân/ tổ chức sản xuất tham gia, trong đó hộ nghèo chiếm 76,8%, hộ cận nghèo chiếm 15,1%.

- Về nông thôn:

Sau 7 năm thực hiện Chương trình, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Giai đoạn 2010-2017 đã huy động khoảng 1.672.250 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28,6%, vốn tín dụng 56,7%, vốn doanh nghiệp chiếm 4,9%, người dân và cộng đồng đóng góp 15,82%.

Đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã (tương đương 34,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM và có 43 đơn vị huyện đạt chuẩn NTM.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn: đến 2017 cả nước có 35.542 trang trại, 11.668 HTX nông nghiệp kiểu mới. Sắp xếp đổi mới 100% doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới nông lâm trường quốc doanh, hiện nay có 252/254 mô hình sắp xếp được duyệt. Số lương doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 lên 7.033 năm 2017 với số vốn 213.394,9 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đầu tư và sản xuất công nghệ cao, phát triển thị trường.

Cả nước đã có khoảng 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn. nhiều mô hình liên kết đạt hiệu quả cao.

Nhiều chính sách huy động các nguồn lực phục vụ cho tái cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cư dân nông thôn, nhất là vùng khó khăn.

II. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Tăng trưởng của ngành còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững, nguyên nhân chính là do: Biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành; Kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún gây khó khăn cho ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất; Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định; Trình độ lao động ngành nông nghiệp, nông thôn còn ở mức thấp.

- Chất lượng và khả năng cạnh tranh một số sản phẩm nông sản chưa cao, nguyên nhân chính là do: Chưa chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu rất đa dạng của thị trường; Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản chưa đủ mạnh; Công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản còn nhiều bất cập.

- Tổ chức sản xuất mặc dù đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa, nguyên nhân chính là do: Quan hệ sản xuất chưa kịp thời đổi mới theo cơ chế thị trường, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai; Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực để thực hiện; chưa có chính sách đột phá.

- Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là do: Thu nhập của dân cư khu vực nông thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đó bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp/hộ chỉ đạt 5.804 m²; Nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, nhất là khu vực miền núi, hải đảo.

III. Các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện từ 2019-2020

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là về tốc độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp và PTNT cần tổ chức triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn.

- Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn.

- Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

- Hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế.

Nhìn lại chặng đường phát triển trong 10 năm qua có thể khẳng định: Nghị quyết 26, Khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đi vào cuộc sống, giải phóng sức sản xuất. Nông nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Nông dân phát huy được vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, phat huy vai trò của người dân. Nông thôn ngày càng phát triển văn minh hiện đại, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, kết cấu hạ tầng từng bước được hiện đại.

Đồng hành với Bộ trong thời gian qua, với trách nhiệm của mình, Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã tích tích cực tuyên truyền triển khai, thực hiện Nghị quyết 26 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong toàn hệ thống. Trên cương vị công tác của mình, mỗi cán bộ đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, Ngành để cụ thể hóa Nghị quyết bằng các cơ chế chính sách, chương trình, đề án và các giải pháp cụ thể để Nghị quyết 26 của Đảng về Nông nghiêp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống trong thời gian qua.

                                                     Vũ Xuân Thủy

                          Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT VN

Tin cùng chuyên mục

Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày 16-8-2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với tựa đề: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyế

16/08/2021