Lương tối thiểu là để đảm bảo mức sống tối thiểu
Nguồn thu nhập từ tiền lương là quan trọng, chủ yếu nhất của NLĐ. Trong chính sách tiền lương, lương tối thiểu (LTT) được coi là công cụ thiết lập sự công bằng xã hội trong lĩnh vực phân phối. Mức LTT được ấn định theo giá sinh hoạt bảo đảm cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện làm việc bình thường đủ bù đắp sức LĐ. Khi hệ số giá sinh hoạt tăng lên, làm cho lương thực tế bị giảm sút, Chính phủ phải điều chỉnh LTT để đảm bảo tiền lương thực tế cho NLĐ.
Quy trình điều chỉnh LTT hiện nay có sự thay đổi. Điều 92 Bộ luật LĐ quy định Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) gồm đại diện Chính phủ, Tổng LĐLĐVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã VN, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ VN, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ. Ngày 5.8, HĐTLQG bàn phương án LTT vùng đối với NLĐ ở khu vực DN để trình Thủ tướng xem xét, quyết định thực hiện trong năm 2016, nhưng do còn nhiều ý kiến khác biệt nên sẽ phải họp lại tới đây. Hiện có ý kiến cho rằng, việc tăng LTT phải đảm bảo tính cạnh tranh của DN, sự ổn định của nền kinh tế và gắn với năng suất LĐ (NSLĐ), vì vậy mức tăng LTT khoảng 11% so với năm 2015 là hợp lý. Cũng có ý kiến cho rằng việc tăng LTT phải trên 10% là phù hợp, đồng thời cũng phải đảm bảo ổn định sản xuất và xã hội. Các ý kiến đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, khi xem xét điều chỉnh LTT phải lưu ý đến sự khác nhau giữa tiền lương và LTT. Tiền lương đối với khu vực DN hiện nay là mức tiền được trả cho NLĐ trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ DN và NLĐ, không được thấp hơn LTT. LTT là mức quy định bắt buộc người sử dụng LĐ phải trả cho NLĐ. Trong khi LTT chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu, không thể nói việc tăng LTT phải gắn với tăng NSLĐ được. Việc nâng cao NSLĐ phải gắn liền với tiền lương, tiền thưởng… cho NLĐ. Chức năng quan trọng của LTT là để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ, vì vậy phải gắn với mức sống tối thiểu, là công cụ để đảm bảo sự công bằng trong lĩnh vực phân phối, là rào cản không được để cho người tham gia vào quá trình LĐ lại phải sống nghèo khổ. NLĐ có đủ ăn, đủ mặc mới đủ sức nâng cao NSLĐ, đây là điều kiện cần, nếu thiếu nó không có cơ sở để thực hiện được.
Phù hợp với mục tiêu phát triển con người
Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là LTT phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Khi hệ số giá sinh hoạt tăng lên, làm cho lương thực tế của NLĐ bị giảm sút, phải điều chỉnh LTT để đảm bảo tiền lương thực tế cho NLĐ. Đồng thời, phải căn cứ mức tăng trưởng kinh tế và mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra cho giai đoạn 2011-2020, đó là đến năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDU) đạt nhóm trung bình cao của thế giới; thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư… Xuất phát từ quan điểm trên, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng lộ trình tăng LTT vùng từ năm 2015-2017 đề xuất với HĐTLQG, theo đó năm 2015 mức LTT phải đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu, năm 2016 đạt 90% và năm 2017 đạt 100%.
Với LTT hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu, hơn nữa chỉ số giá tiêu dùng thời điểm hiện nay tăng khoảng 5%. Hiện hầu hết NLĐ làm công, hưởng lương đều thấy tiền lương thực tế đang bị giảm sút, nhất là số CNLĐ có thu nhập thấp, phải thuê nhà trọ và phải nuôi dưỡng người thân trong gia đình, cuộc sống của họ chắc chắn là ở mức nghèo khổ. Với đề nghị tăng LTT từ 350.000 - 550.000 đồng, tương ứng khoảng 16% so với năm 2015, từ phía Tổng LĐLĐVN, một mặt để đảm bảo mức lương thực tế cho NLĐ, mặt khác từng bước đảm bảo mức sống tối thiểu và hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển con người mà Đại hội Đảng đặt ra.