Tuy nhiên, lực lượng nòng cốt là cán bộ làm công tác thi đua ở các cấp hiện nay đang còn nhiều bất cập, là một trong các nguyên nhân khiến các phong trào thi đua chưa có sức lan tỏa lôi cuốn rộng lớn trong CNVCLĐ, chưa trở thành động lực phát triển thực sự, tác động còn ở mức khiêm tốn. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ nêu một số những bất cập chủ yếu để bạn đọc cùng suy ngẫm trao đổi.
Thứ nhất: Đa số cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thi đua ở cơ sở đều kiêm nhiệm nhiều công việc, một số cán bộ công đoàn chuyên trách ở các Tổng công ty được giao nhiệm vụ làm thi đua, khen thưởng lại kiêm nhiều công việc như công tác tổ chức hành chính, hoặc công tác Đảng. Vì vậy, nếu không thực sự nêu cao vai trò trách nhiệm, tâm huyết với công việc này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả của công tác TĐKT.
Thứ hai: Khác với các nhiệm vụ khác, những cán bộ làm công tác TĐKT hiện nay hầu như không được đào tạo, định hướng kỹ càng, chủ yếu được điều động, phân công từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Do đó công tác tham mưu đề xuất có nhiều hạn chế, không đáp ứng yêu cầu đề ra của việc đổi mới TĐKT trong tình hình hiện nay.
Thứ ba: Không có thời gian, điều kiện đi sâu, sát cơ sở, tìm hiểu nghiên cứu các vướng mắc từ cơ sở để đề xuất các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua, vì vậy thiếu tính thực tiễn tạo ra sự khô cứng nhàm chán trong tổ chức thi đua yêu nước.
Thứ tư: Tuy là cán bộ làm công tác TĐKT nhưng hiểu biết, nắm bắt các quy định của luật TĐKT, các nghị định hướng dẫn thi hành lại rất hạn chế; không có quá trình nghiên cứu, nắm bắt chiều sâu nên trong quá trình áp dụng thực hiện thiếu căn cứ, nhiều khi gây phản tác dụng của TĐKT. Một số cán bộ đứng trước nhiều tình huống, công việc chuyên môn về thi đua, khen thưởng đã rất lúng túng trong triển khai, tổ chức, thực hiện. Đặc biệt, khả năng tham mưu, đề xuất các phong trào thi đua, phát động thi đua hàng năm không được quan tâm đúng mức, thiếu tính thuyết phục để lôi kéo động viên CNVCLĐ vào các phong trào thi đua.
Thứ năm: Chưa phát huy được vai trò thi đua liên kết ở từng cụm, khối thi đua, thi đua còn mang nặng tính hình thức, chưa xây dựng được quy chế hoạt động và tiêu chí thi đua cụ thể trong mỗi cụm và khối thi đua. Công tác sơ, tổng kết phong trào, phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến chưa được chú trọng nên chưa tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua của toàn ngành.
Từ những vấn đề nêu trên đây, chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp chủ yếu góp phần từng bước đổi mới công tác TĐKT hiện nay như sau:
1- Nâng cao trách nhiệm và năng lực cho đội ngũ làm công tác TĐKT ở các cấp công đoàn bằng việc tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng này, để họ hiểu và nắm sâu về Luật TĐKT và các nghị định hướng dẫn thi hành
2- Tăng cường năng lực hiểu biết cho cán bộ làm công tác thi đua về vai trò, tính cần thiết của vận động thi đua trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nâng cao năng lực vận động thi đua, coi vận động thi đua là một nghiệp vụ, một hoạt động cần thiết không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác thi đua hiện nay.
3- Việc tổ chức phát động phong trào phải xác định được đối tượng thi đua, điều kiện khách quan, chủ quan, nội dung thi đua, lập kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn động viên, thăm hỏi cơ sở, khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể, lồng ghép yếu tố thi đua vào các nhiệm vụ chuyên môn.
4- Các cấp Công đoàn trong ngành cần quan củng cố kiện toàn tổ chức làm công tác TĐKT, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, đưa cán bộ TĐKT sâu sát cơ sở.
5- Phát huy cao độ vai trò thi đua liên kết trong các cụm, khối thi đua, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua trong từng cụm, khối làm nòng cốt để xây dựng các mô hình điểm, các điển hình tiên tiến trong ngành.
Để đẩy mạnh phong trào thi đua và thực hiện tốt công tác khen thưởng, theo chúng tôi trước hết phải ổn định về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Việc phát động phong trào thi đua phải nhằm vào giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất và những vấn đề khó khăn, cấp bách của các cơ quan, đơn vị - Càng khó lại càng phải có thi đua, đồng thời phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp nuôi dưỡng phong trào, làm cho khí thế thi đua luôn được sôi nổi trong công việc hàng ngày của mỗi người.