Hội thảo Phát triển đoàn viên nhằm thúc đẩy việc làm bền vững
07/08/2015
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn LĐVN nêu thực trạng việc làm không bền vững, thu nhập bấp bênh và điều kiện lao động không đảm bảo an toàn đối với những người lao động phi chính thức (phi kết cấu) trong khi khu vực này đang đóng góp 50% tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đánh giá vai trò quan trọng của lao động phi chính thức trong nền kinh tế cũng như tác động đến an sinh xã hội, nhận thấy rằng lao động phi chính thức là nguồn tiềm năng cho chiến lược phát triển đoàn viên công đoàn lên 10 triệu đoàn viên vào năm 2018, đồng chí Hải đã nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ công đoàn chuyên trách, đó là: 1- Tăng cường vai trò đại diện cho người lao động; 2- Bảo vệ lợi ích thiết thực cho người lao động; 3- Phát triển đoàn viên. Thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm trên chính là để khẳng định năng lực cán bộ và tổ chức, đồng thời không ngừng củng cố và mở rộng sức mạnh của tổ chức công đoàn trong tình hình đầy biến động và thay đổi ngày nay.
Đồng tình với nhận định của đ/c Hải, ông Pong-sul Ahn – chuyên gia cao cấp của Văn phòng ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ chiến lược hoạt động của ILO trong vấn đề lao động phi chính thức. ILO và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) có cùng mục tiêu chung về vấn đề lao động – việc làm bởi ILO đang thúc đẩy Chương trình Việc làm bền vững (decent work) trên toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc làm bền vững cho lao động khu vực phi kết cấu do nhóm lao động này dễ bị tổn thương, thu nhập thấp và không thường xuyên, không được hỗ trợ các chính sách lao động và điều kiện lao động không đảm bảo. Trong khi đó, VGCL là một tổ chức pháp lý luôn phấn đấu vì quyền lợi của người lao động Việt Nam góp phần thay đổi và phát triển xã hội bền vững thông qua các chương trình hoạch định, vận động, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo mạng lưới cán bộ công đoàn và đại diện người lao động. Do vậy, ILO và VGCL đã và đang hợp tác triển khai các chương trình dự án nhằm nâng cao nhận thức xã hội về nhóm lao động trong khu vực phi kết cấu, hỗ trợ lao động phi chính thức hòa nhập vào khu vực chính thức để được đảm bảo về việc làm, thu nhập và lộ trình tăng lương; được đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, áp dụng các công ước ILO về lao động, được ký kết thỏa ước lao động cấp ngành và ngành hẹp. Để xúc tiến các mục tiêu trên, ILO ủng hộ VGCL nỗ lực nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, trở thành yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi của đất nước, và đồng thời nâng cao vai trò, tiếng nói của người lao động trong xã hội, trong đó chú trọng kết nạp, tổ chức cho người lao động phi chính thức trở thành đoàn viên công đoàn. Đây có thể coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xu thế cổ phần hóa, tư nhân các doanh nghiệp nhà nước làm gia tăng lao động phi chính thức và có thêm nhiều vụ tranh chấp lao động. Do vậy, có thể nói phát triển đoàn viên với phương pháp tiếp cận mới linh hoạt phù hợp với thực tiễn cơ sở (ví dụ: thành lập CĐCS theo Điều 17 Điều lệ CĐVN) sẽ góp phần giải quyết các vấn đề tranh chấp lao động, chú trọng hoạt động công đoàn thực chất hơn và tổ chức công đoàn thực sự vì người lao động.