Vào năm 1979 chàng trai Phạm Văn Tế đã lên đường lập nghiệp ở Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Sau 3 năm cần mẫn thử sức với vùng đất đồi núi đầy khó khăn nắng gió, năm 1982 đã được lãnh đạo Nông trường cử anh đi học trung cấp chăn nuôi tại Sông Bôi - tỉnh Hoà Bình. Sau gần 4 năm dùi mài kinh sử, năm 1987 anh đã tốt nghiệp ra trường và trở về đơn vị với tên gọi Vương Đào - Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu hiện nay. Trong thời gian này với sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tự khẳng định mình trong công việc, được sự tín nhiệm của tập thể, anh đã được lãnh đạo Công ty bổ nhiệm làm Trại trưởng Trại 10 chăn nuôi bò sữa đồng thời được Đại hội Công đoàn Đội Vườn Đào bầu làm Chủ tịch Công đoàn.
Với vị trí công tác mới, Trại trưởng Trại 10 chăn nuôi bò sữa kiêm Chủ tịch Công đoàn, anh đã phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, từ khi tốt nghiệp và nhận vị trí công tác mới cho đến nay anh luôn luôn gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa và tự xác định cho bản thân đây là nghề sống còn của mình, phải gắn bó với nghề, phải yêu nghề, nhờ đó anh đã tận tâm tận ý với công việc, chính vì thế nên đến năm 1990, khi có chủ trương “Khoán hộ gia đình” của Đảng ủy và ban lãnh đạo Công ty đề ra, anh đã mạnh dạn nhận khoán tại trại 10 mà hiện nay anh đang làm để chăn nuôi bò bê sữa.
Năm 1990, năm đầu anh nhận khoán với quy mô 15 con bò bê sữa và với diện tích đất là 4ha. Khi đó anh cũng chưa thực sự tin hẳn là mình có thể thành công trong cách làm ăn mới này, vì vậy lúc này anh cho rằng đây là một việc làm táo bạo, bởi vì bối cảnh lúc đó là đàn bò của công ty đang trên đà đi xuống và việc kinh doanh của Công ty không phát triển được thậm chí đang có nguy cơ bị phá sản vì thế tại thời điểm đó đa số người làm nghề chăn nuôi bò sữa đều cho rằng nếu tiếp tục theo đuổi nghề chăn nuôi sẽ có nguy cơ thất bại, vì thế khi đó anh cũng vấp phải rào cản của người thân trong gia đình ra sức khuyên ngăn anh nên rời bỏ nghề chăn nuôi bò sữa này; Nhưng bằng sự kiên định và niềm tin vào sự đổi mới cách làm của Công ty, anh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng, bằng sự đam mê và sự tự tin của bản thân. Anh đã quyết tâm nhận chăn nuôi bò sữa và vận động người thân trong gia đình cùng ủng hộ việc làm của mình.
Bằng những kiến thức được học ở trường và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn trong chăn nuôi bò sữa, với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Công ty bằng cách cho vay vốn, tập huấn các quy trình chăn nuôi mới, đàn bò của gia đình anh ngày càng phát triển, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, niềm vui tràn ngập trong gia đình và cứ đà ấy đã giúp anh thành công trong sự nghiệp của mình.
Phải nói thêm trong quá trình phát triển chăn nuôi bò sữa, gia đình anh đã phải trải qua những thời kỳ cực kỳ khó khăn về kinh tế, tinh thần; nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Ban lãnh đạo Công ty, bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, với tinh thần siêng năng, cần cù lao động “Một nắng hai sương”, dám nghĩ dám làm, anh đã cùng gia đình sắp xếp công việc hợp lý, thường xuyên tìm tòi học hỏi và mạnh dạn áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm nhân lực lao động nên thu nhập của gia đình anh mỗi năm được cao hơn.
Đất đai nhận khoán được anh ưu tiên hàng đầu là trồng cỏ và một số loại thức ăn cho gia súc phục vụ chăn nuôi như: Cây họ đậu, ngô ủ chua 2 vụ, yến mạch, trồng đa dạng các loại cỏ để đảm bảo đủ thức ăn thô xanh cho đàn bò ăn quanh năm. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh chăm sóc đồng cỏ, trồng cỏ giống mới (Cỏ VA06, Cỏ Signal, cỏ zuzi...), nhờ đó năng suất cỏ đông đã đạt 350 - 450 tấn/1ha. ủ chua dự trữ thức ăn quanh năm, áp dụng khẩu phần đủ dinh dưỡng cho dàn bò, cỏ khô thường xuyên được dự trữ trên 40 tấn, ngoài ra với công nghệ hiện đại, gia đình anh còn đầu tư máy vắt sữa đơn sang máy máy vắt sữa giàn, cùng một lúc vắt sữa được cho 4 con bò đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian và công sức lao động. Gia đình anh còn áp dụng phương pháp nuôi bê bằng sữa bò, tiết kiệm mỗi con hàng triệu đồng, đối với đàn bò thức ăn thô xanh được băm thái nhỏ trộn với thức ăn tinh theo tỉ lệ thích hợp với từng loại bò, từ việc thu hoạch cỏ đến việc chọn thời điểm thu cắt thích hợp với từng loại cỏ, nên cỏ được tái sinh nhanh, đạt chất lượng tốt. Ngoài ra gia đình anh đã áp dụng thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân định giới tính, tỉ lệ bê cái đạt trên 70%. chu kỳ vắt sữa 305 ngày, năng suất bình quân 23 lít/ngày, có nhiều con đạt từ 40 - 50 kg sữa/ngày.
Kết quả từ 36 con bò, tổng thu nhập từ bán sữa tươi và bán bê giống, qua 3 năm từ 2008 - 2010 gia đình anh đã thu được 1.250.000.000 đồng, ứng với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính trên đất, gia đình anh đã thu được trên 400 triệu đồng/ha.
Với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty và là Chủ tịch Công đoàn đơn vị “Vườn Đào I”, bản thân anh đã cùng Ban Chấp hành luôn xác định vai trò và trách nhiệm của cán bộ Công Đoàn trong doanh nghiệp, luôn luôn tuyên truyền và giáo dục giúp cho các cán bộ, đoàn viên, công nhân và người lao đông hiểu rõ chủ trương, chính sách, đường lối và nghị quyết của Đảng pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra anh còn được nhân dân giao nhiệm vụ làm trưởng ban công tác mặt trận… Gia đình anh luôn đạt được danh hiệu gia đình văn hoá, bản thân anh 6 năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhiều bằng khen của UBND Tỉnh, của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Sơn La, Bằng khen của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.
Anh xứng đáng được tôn vinh trong Hội nghị “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức vào ngày 29-4-2011 tại Hà Nội.