Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam

Thứ bảy, 05/04/2025 | 06:21

Chính trị - Xã hội

Các tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế ILO

04/02/2015

Tổ chức Lao động quốc tế (viết tắt là ILO) là một cơ quan của Liên hiệp quốc về các vấn đề lao động, được thành lập năm 1919 với 45 thành viên và hoạt động theo cơ chế ba bên bình đẳng gồm các đối tác xã hội là Chính phủ, Giới chủ và Lao động. Hiện nay, ILO có 185 quốc gia thành viên và tổ chức Hội nghị lao động quốc tế vào tháng 6 hàng năm.

               Nguồn kinh phí cho các hoạt động của ILO bao gồm: nguồn ngân sách thường xuyên do các nước thành viên ILO đóng góp niên liễm theo tỷ lệ của Liên hợp quốc, và các nguồn tài chính do các nhà tài trợ song phương và đa phương hỗ trợ. Vai trò chính của ILO là hình thành các tiêu chuẩn lao động quốc tế dưới hình thức các Công ước và Khuyến nghị xác lập các quyền lao động cơ bản. Hiện nay, ILO đã thông qua 189 Công ước và 201 khuyến nghị. Công ước được coi là những quy định hoặc tiêu chuẩn quốc tế có giá trị bắt buộc về mặt pháp lý đối với các nước thành viên khi đã phê chuẩn trong khi Khuyến nghị là những hướng dẫn không mang tính bắt buộc. Các công ước của ILO được chia thành 24 nhóm như: tự do hiệp hội, thương lượng tập thể, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, bình đẳng về cơ hội và đối xử, tham vấn ba bên, quản lý lao động, thanh tra lao động, chính sách việc làm, thúc đẩy việc làm, đào tạo nghề, đảm bảo việc làm, phúc lợi xã hội, tiền lương, giờ làm việc...

            Việt Nam từng là thành viên của ILO trong 2 giai đoạn 1950-1976 và 1980-1985. Đến năm 1993, Việt Nam quay trở lại làm thành viên của tổ chức này và phê chuẩn Công ước đầu tiên (Công ước số 182) về “Cấm và hành động ngay lập tức loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 18/189 Công ước của ILO, trong đó có 5/8 Công ước cơ bản của ILO là:

Tên công ước

Năm phê chuẩn

1.   Công ước số 29: Công ước về lao động cưỡng bức

2007

2.   Công ước số 87: Công ước về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức, 1948

Chưa phê chuẩn

3.   Công ước số 98: Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949

Chưa phê chuẩn

4.   Công ước số 100: Công ước về trả lương bình đẳng, 1951

1997

5.   Công ước số 105: Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957

Chưa phê chuẩn

6.   Công ước số 111: Công ước về phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp), 1958

1997

7.   Công ước số 138: Công ước về tuổi lao động tối thiểu, 1973

2003

8.   Công ước số 182: Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999

2000

 Căn cứ vào 8 công ước cơ bản của ILO, ta có thể chia ra làm 4 nhóm theo tiêu chuẩn lao động cơ bản. Sau đây là một số quy định chính trong các công ước cơ bản của ILO:

1.       Nhóm 1: Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể (Công ước số 87 và 98)

·        Về Quyền tự do lập hội:

-       Người lao động có quyền tự do và quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức Công đoàn đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

-       Giới sử dụng lao động hay chính phủ không có quyền can thiệp đối với việc người lao động thành lập hay tham gia các hoạt động của công đoàn.

-       Người lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở hay cấp trung ương trực tiếp bảo vệ và hỗ trợ người lao động trong việc thành lập công đoàn cơ sở.

·        Về Quyền thương lượng tập thể:

-    Thương lượng tập thể (TLTT) là việc đàm phán giữa giới sử dụng lao động và công đoàn nhằm đưa ra quyết định thống nhất về tiền lương, điều kiện làm việc, những quyết định về xã hội hoặc kinh tế ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và gia đình họ.

-    Kết quả của việc TLTT là ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước có thể được ký kết ở cấp cơ sở, khu vực, ngành hoặc cấp quốc gia.

2.       Nhóm 2: Xóa bỏ hình thức lao động cưỡng bức và ép buộc (Công ước số 29 và 105)

-    Là lao động phải làm công việc do bị đe dọa hoặc bắt buộc, không được sự đồng ý, chấp thuận của người lao động.

-    Là lao động làm ngoài giờ mà không thỏa thuận trước với người lao động hoặc công đoàn.

3.       Nhóm 3: Xóa bỏ lao động trẻ em (Công ước số 138 và 182)

-    Trẻ em dưới 13 tuổi không được phép tham gia lao động, kể cả làm công việc nhẹ nhàng.

-    Trẻ em dưới 15 tuổi không được phép làm công việc của người lớn.

-    Trẻ em dưới 18 tuổi không được phép làm những công việc nguy hiểm.

4.       Nhóm 4: Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (Công ước số 100 và 111)

-   Tiền lương như nhau cho việc làm như nhau, đối xử bình đẳng đối với việc làm như nhau;

-   Không được phân biệt đối xử giữa lao động dài hạn và ngắn hạn, giữa lao động nam và nữ.

-   Đối xử bình đẳng trong tuyển dụng, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, nghỉ phép có lương, đảm bảo quyền sinh con, đảm bảo thời hạn hợp đồng, phân công công việc, đánh giá năng lực và cơ hội thăng tiến, triển vọng công việc, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

Tin cùng chuyên mục