Xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương với Công đoàn Nông Lâm quốc tế giai đoạn hiện nay
14/06/2023
Trong khuôn khổ các hoạt động thăm và làm việc tại Pháp, đoàn công tác đã trực tiếp tham dự Hội nghị Ban Chấp hành UIS – TAACT với hơn 40 đại biểu, trong đó có 30 đại biểu quốc tế đến từ 19 tổ chức công đoàn thuộc 19 quốc gia. Gặp gỡ các nhà lãnh đạo UIS -TAACT và lãnh đạo Công đoàn Nông Lâm Pháp, tiếp xúc rộng rãi với các đoàn đại biểu tham dự hội nghị và tham gia các hoạt động khác của Ban tổ chức.
Đồng chí Julien Huck, Tổng Thư ký UIS -TAACT chủ trì Hội nghị. Hội nghị dành 05/06 phiên họp để nghe, thảo luận các báo cáo quốc gia và tham luận của Công đoàn chủ nhà. Phần lớn báo cáo quốc gia đều tập trung trình bày về tình hình kinh tế - xã hội, tình hình ngành nông nghiệp và tình hình lao động trong ngành trước và sau khủng hoảng; hoan nghênh, đồng tình với báo cáo định hướng của đồng chí Julein Huck, Tổng Thư ký UIS - TAACT đồng thời phản ánh, phân tích bối cảnh thế giới, nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế thế giới, kêu gọi người lao động tất cả các nước cần liên kết đấu tranh trong phong trào công đoàn thế giới. Thảo luận về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ 5 UIS - TAACT, diễn ra vào tháng 11 năm nay, dự kiến tại Ai Cập hoặc Senegal.
Các tổ chức công đoàn trên thế giới gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ việc làm, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Một số công đoàn cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước, như: vấn đề bất bình đẳng và tiếp cận dịch vụ công cộng ở Ấn Độ; chính sách phân biệt chủng tộc ở Ấn Độ, Afganistan, Pakistan; sự chống phá quyết liệt của các thế lực cánh hữu với hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây đối với các chính phủ cánh tả ở Mỹ La-tinh, tình hình bao vây, phong tỏa kéo dài ở Cu Ba, Triều Tiên; các chính sách hưu trí, an sinh xã hội mới tại Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức... Trong bối cảnh đó, ngành nông lâm nghiệp thế giới và người lao động đang phải chịu những tác động tiêu cực từ chính sách bóc lột, chạy theo lợi nhuận của các nhà tư bản. Cường độ làm việc của người lao động gia tăng, trong khi an sinh xã hội không được bảo đảm, chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, 52% thu nhập toàn cầu trong năm 2021-2022 nằm trong tay 10% số người giàu nhất thế giới trong khi chỉ 50% số người nghèo nhất thế giới chỉ nắm giữ 8% thu nhập. An sinh xã hội là yếu tố then chốt trong xóa đói giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng xã hội, tuy nhiên chỉ 17,4% người dân châu Phi được hưởng phúc lợi xã hội; ở Nam Phi là 46%, Bắc Phi 34%, Tây Phi 15%, Trung và Đông Phi 11%. Hiện chỉ có 47% dân số toàn cầu được bảo vệ hiệu quả bởi ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội, trong khi còn 4,1 tỷ người (53%) hoàn toàn không được đảm bảo an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Giữa các khu vực tồn tại sự bất bình đẳng đáng kể về an sinh xã hội. Châu Âu và Trung Á là nơi có tỷ lệ bao phủ cao nhất, với 84% dân số được hưởng ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội. Châu Mỹ cũng có tỷ lệ cao hơn mức trung bình toàn cầu, đạt 64,3%. Tỷ lệ này ở Châu Á và Thái Bình Dương là 44%, ở các quốc gia Ả-rập là 40%, ở châu Phi là 17,4%, cho thấy khoảng cách rõ rệt về phạm vi bao phủ.
Tại hội nghị, đồng chí Ngô Thị Anh Tuyên – Phó Chủ tịch, Trưởng đoàn công tác đã phát biểu tham luận về tình hình phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, những khó khăn thách thức của ngành trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, suy giảm đất sản xuất do đô thị hoá, thiên tai, dịch bệnh..., chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn, đề xuất kiến nghị đồng thời bày tỏ mong muốn trao đổi kinh nghiệm từ các tổ chức bạn bè quốc tế. Đồng chí Julien Huck, Tổng Thư ký UIS-TAACT và Freddy Huck, Chủ tịch FNAF. Đồng chí Freddy đánh giá cao vai trò của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong UIS - TAACT.
Trong thời gian hội nghị, đoàn công tác đã có các cuộc tiếp xúc với các đoàn Marốc Ai Cập, Palestine, Síp, Chilê... nhận được nhiều thiện cảm của bạn bè quốc tế. Công đoàn Nông nghiệp Palestine mong muốn thiết lập quan hệ song phương với Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Làm việc với đoàn công tác, UIS-TAACT đề nghị Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xem xét khả năng mở Văn phòng UIS-TAACT khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam để thúc đẩy hoạt động và tăng sự gắn kết giữa các thành viên khu vực. UIS-TAACT đánh giá cao và tin tưởng vào khả năng tổ chức sự kiện của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Hiện nay, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang xây dựng Đề án, nghiên cứu khả năng mở Văn phòng UIS-TAACT khu vực Đông Nam Á như đề nghị của UIS-TAACT đồng thời đề nghị UIS-TAACT cung cấp thêm thông tin về cơ cấu tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính và yêu cầu cụ thể đối với Văn phòng khu vực để có đủ cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.